''Máy điều hòa'' thiên nhiên

HNM| 23/06/2021 08:09

Gắt nắng quá, càng thấy là không thể đủ cây!

''Máy điều hòa'' thiên nhiên
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Những ngày phố xá bùng nắng dữ dội, trời chói chang tóe lửa cả mắt, đập quả trứng ra cái chảo hoặc mặt sân đá, có thể chín được. Bước vào dưới bóng râm mát hàng xà cừ bên con đường lớn một thời, nhiệt giảm xuống thấy rõ. Thế mới biết, đông và xuân ta đã ngẫm ngợi mong ngóng trước rằng sẽ đủ rợp che khi nhìn những vòm cây xum xuê bao quanh các thân gỗ lực lưỡng chạm nối nhau suốt những dọc dài dải phân cách. Thì đi vào ngày hè một bước, ta hiểu những đinh ninh lãng đãng hôm nào cũng tan rất chóng như cốc nước hắt xuống thềm trưa mà chỉ một chốc lát thôi, chỗ ấy đã là vệt khô bàng bạc. Phải sinh sôi thêm nữa mới mong đủ râm mát cho những phố hè ta qua, giúp ta giữ được cảm giác bình yên trong ngày hè mà đi lại thong thả.

Đi dưới nắng rát, thấy yêu hơn những “đảo cây” giữa vòng quanh phố Lê Lai - Lê Thạch, Ngô Quyền - Lê Phụng Hiểu, Cổ Tân - Tôn Đản..., những “hồ cây” như phía Hàng Đậu, những lối cây xanh rì vây lấy nước hồ Thủ Lệ, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Hoàn Kiếm, Thiền Quang, Bảy Mẫu, Trúc Bạch, hồ Tây... Lại ước những “bộ máy bơm và lọc không khí” ấy được nhân lên, nhiều nữa ra để sản xuất khí sạch “miễn phí” phục vụ “thượng đế - người”.

Ngẫm cái ý miễn phí ấy là thấy đáng kể lắm! Con người chế ra máy lạnh phục vụ nhu cầu chống nóng của mình. Lạm dụng quá đến khi không thể thiếu nó được. Hàng nghìn, hàng vạn, hàng triệu chiếc máy quần quật đêm ngày, chính là một sự tiêu tốn khổng lồ năng lượng, của cải vật chất. Nếu bời bời những miền, những chuỗi cỏ cây xanh tốt vây quanh ta, che chở ta, cởi mở cùng ta thì chẳng phải bớt đi phần nào những “khoản chi” quá lớn của thời cuộc đó sao! Có dịp sang Nhật Bản, đất nước sản xuất điều hòa cho cả thế giới, tôi ngẫm lời nhắc ở không ít văn phòng làm việc, là hãy chỉ bật điều hòa khi trời rất nóng, còn bình thường nên mở các cửa cho thông thoáng tự nhiên.  

Người kỹ sư thủy lợi ở Hà Đông nghỉ hưu đã lâu, vẫn sinh hoạt trong hội nghề nghiệp về khoa học của thành phố. Tôi nghe ông kể những đau đáu về ý tưởng dùng nước sông Đà làm sạch dòng sông Tô Lịch. Đó là nhờ độ dốc tự nhiên của địa hình từ phía xứ Đoài thoải về nội đô, mượn dòng Tích giang chuyên chở, cùng một số kênh mương sẵn có giữa các huyện, kết nối một số đoạn với nhau, thì nước tự nhiên sẽ từ trên cao theo hệ thống đổ về làm cho con sông đang hấp hối hồi lại với thiên nhiên.

Mong ước làm sạch dòng sông lịch lãm xa xưa cũng đã mòn mỏi từ lâu với nhiều ý muốn, dự định, cả những hoạt động. Người kỹ sư quả quyết, hãy vận dụng tốt những điều kiện, những cơ hội của tự nhiên, để làm cho thiên nhiên, sông ngòi, môi trường sống của chúng ta sạch sẽ, tươi thắm. Phần nào sẽ giảm tải được cho vai người đang gồng nặng những nhu cầu vật chất, tiện nghi và máy móc của mình. Thì cây cối, vườn tược của phố phường cũng vậy, và những mặt nước ao hồ vốn trước kia thành phố ta nhiều lắm.

Tất cả là những linh kiện lắp ráp nên chiếc máy điều hòa tự nhiên, làm mát, làm sạch, làm mới cho sự hít thở, sâu thêm nữa, cho cả suy nghĩ và tâm tính con người tốt tươi hơn. Hãy nhìn ngay những chỉ số gây hại cho sức khỏe cao đến giật mình hôm qua, hôm nay mà suy ngẫm! Chính là cây, là mặt nước - những linh kiện kỳ diệu của tự nhiên đó có thể được tái tạo dồi dào hơn, tràn trề hơn từ bàn tay con người, để lại giúp cho con người giảm đi những chỉ số “hủy diệt”!

Hãy bằng những tay người trồng tỉa cây xanh và khơi dòng, dẫn nước, hãy đào và giữ lại ao hồ, hãy “can thiệp” một cách mềm mại vào thiên nhiên nhiều hơn, cho thiên nhiên, cho con người. Bởi chúng ta là sinh thể vốn không được thiếu một phần thiên nhiên để làm nên mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khai mạc triển lãm "Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ”
    Sáng 17/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Tấm lòng của hoạ sĩ Việt kiều với Bác Hồ”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Hội Thái Việt tại tỉnh Nakhon Phanom Thái Lan phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 – 19/5/2024.
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • “Âm vang Việt Nam” hào hùng qua từng khúc hát
    Hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tối 16/5 tại Không gian biểu diễn Nghệ thuật - Ẩm thực đường phố quận Tây Hồ tiếp tục diễn ra Chung khảo “Liên hoan Tiếng hát cựu Thanh niên xung phong (TNXP) Hà Nội 2024” (cụm 2), với những phần trình diễn đặc sắc, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân Thủ đô.
  • Sôi động “Đường chạy sắc màu”, triển lãm ảnh “Công an Thừa Thiên Huế - Vì cuộc sống bình yên”
    Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức “Đường chạy sắc màu - Những bước chân vì cộng đồng” và triển lãm ảnh “Công an Thừa Thiên Huế - Vì cuộc sống bình yên”.
  • Bộ Y tế lần đầu cấp phép lưu hành vaccine sốt xuất huyết
    Ông Vũ Tuấn Cường, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa ký ban hành công văn về việc Cục này cấp phép cho 40 vaccine, sinh phẩm y tế, trong đó có vaccine sốt xuất huyết do Takeda sản xuất. Vaccine sốt xuất huyết sử dụng cho người từ 4 tuổi trở lên, bất kể đã hoặc chưa từng mắc bệnh. Đây là vaccine sốt xuất huyết đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
''Máy điều hòa'' thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO