Lũ lớn kỷ lục, miền núi Nghệ An ngập sâu trong nước
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (Wipha) gây mưa lớn, nhiều xã miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An trong ngày 22/7 đã xảy ra ngập lụt cục bộ, nhiều bản làng bị chia cắt do đường giao thông liên bản bị “suối dữ” dâng ngập, dòng chảy siết gây chia cắt giao thông.

Mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3 đã khiến nhiều xã ở vùng cao Nghệ An bị sạt lở, lũ quét và ngập nặng. Lũ lên quá nhanh khiến nhiều người dân không kịp trở tay. Tối 22/7, nhiều xã phải sơ tán người dân khẩn cấp do nước lũ đổ về nhanh.
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (Wipha) gây mưa lớn, nhiều xã miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An trong ngày 22/7 đã xảy ra ngập lụt cục bộ, nhiều bản làng bị chia cắt do đường giao thông liên bản bị “suối dữ” dâng ngập, dòng chảy siết gây chia cắt giao thông. Tại xã Yên Hòa: Hơn 210 hộ dân ở các bản Xốp Cốc, Tạt, Cành Khỉn và Xốp Khấu bị cô lập hoàn toàn do các cầu tràn bị ngập sâu hơn 1 mét.

Tại Xã Tương Dương phải di dời khẩn cấp 2.210 hộ dân Lũ cuốn trôi 3 cầu treo bắc qua sông Lam ở xã Tương Dương, Nghệ An. Toàn bộ quốc lộ 7A qua địa bàn xã Tương Dương bị ngập sâu, không thể di chuyển, có đoạn ngập đến 2m; các tuyến đường liên thôn bị ngập sâu, cô lập các thôn bản. Lũ lớn đã cuốn trôi cầu Bản Chắn lúc rạng sáng hôm nay (23-7). Một số xe khách bị “mắc kẹt” trên quốc lộ 7A đoạn từ Mường Xén đi xuống xã Tương Dương.

Tại xã Mường Xén, huyện Kỳ Sơn cũ và dọc Quốc lộ 7 đã bị ngập lụt nghiêm trọng. Dọc tuyến Quốc Lộ 7, đoạn chảy qua trung tâm xã Mường Xén nước dâng cao đột ngột làm tê liệt các tuyến đường giao thông, chia cắt nhiều vùng dân cư, đồng thời cuốn trôi nhiều vật dụng có giá trị của bà con dân bản.
Tại xã biên giới Mỹ Lý: 7 bản nằm dọc sông Nậm Nơn bị ngập nặng, gần 20 nhà sàn bị nước lũ ngập gần đến mái nhà. Công tác tiếp cận các bản này gặp vô vàn khó khăn do đường sá sạt lở.

Tại xã Quế Phong: Cầu treo bản Quạnh dài gần 60m đã bị nước cuốn trôi hoàn toàn. 9 hộ dân có nguy cơ sạt lở cao đã phải di dời khẩn cấp.
Tại xã Tri Lễ: 30 hộ dân bản Tân Thái bị cô lập hoàn toàn do sạt lở. Nhiều tuyến đường liên xã xuất hiện vết nứt, có nguy cơ đứt gãy.
Đến 23h đêm 22/7, cơ quan chức năng cho biết, trên địa bàn xã Nậm Cắn có 1 người dân bị nước lũ cuốn trôi là bà Lỳ Y Dinh (70 tuổi, trú ở bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn). Ngoài ra, Trạm y tế xã Mỹ Lý bị thiệt hại nặng nề, nhà ở của nhân viên trạm bị nghiêng đổ.

Đến sáng ngày 23/7, tuyến đường Quốc lộ 7A, Quốc lộ 48, Quốc lộ 16 (đường Tây Nghệ An) kết nối từ trung tâm hành chính tỉnh Nghệ An đến với các xã vùng cao như: Nhôn Mai, Mỹ Lý, Bắc Lý, Mường Xén, Tương Dương… vẫn hoàn toàn bị tê liệt do nước lũ, sạt lở đất chia cắt. Nhiệm vụ điều động nhân lực, phương tiện từ các xã vùng xuôi lên gần như chưa thể thực hiện được.
Chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ, lập chốt chặn ở các điểm nguy hiểm và hỗ trợ người dân sơ tán, nhưng gặp rất nhiều khó khăn do nước lũ quá lớn và sự cố diễn ra trong đêm.
Đến sáng 23/7, nhiều hộ dân ở xã Tương Dương và xã Mường Xén đang bị ngập sâu. Hiện ông Lê Hồng Vinh- Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng các lãnh đạo tỉnh Nghệ An và các Sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An đang lên các xã bị lũ ngập sâu để kiểm tra, chỉ đạo, ứng phó với hoàn lưu bão số 3.
Cũng trong sáng nay, ông Tạ Hữu Hùng - Giám đốc nhà máy thủy điện Bản Vẽ (tỉnh Nghệ An) cho biết, lưu lượng nước đổ về thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ đã giảm một nửa, còn 6.200 m3/s so với tối qua. Hiện thủy điện này đang xả lũ với lưu lượng 4.300 m3/s./.