Tại Hà Nội, trong những ngày qua liên tiếp ghi nhận các trường hợp Covid-19 trở về từ các vùng có dịch như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh. Hầu hết đều được cách ly kịp thời, nhưng cũng có trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người khiến ngành chức năng phải điều tra, truy vết, thậm chí tạm phong tỏa cả tòa chung cư để xử lý dịch tễ.
Nguy cơ lây lan dịch
Theo các chuyên gia y tế, trong những ngày qua, hàng trăm nghìn người từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai… về quê và di chuyển đến các địa phương khác khi mở cửa cả đường bay, đường bộ. Với lượng người di chuyển lớn như hiện nay, một số địa phương đã ghi nhận nhiều trường hợp F0. Trong quá trình di chuyển, nhiều F0 không có triệu chứng, nếu chủ quan, không thực hiện biện pháp 5K, sẽ là nguồn lây trong cộng đồng. Theo các chuyên gia dịch tễ, chúng ta đã có bài học từ việc người về từ vùng dịch, một số địa phương không làm tốt công tác kiểm soát, cách ly, để dịch lan rộng. Trong khi đó, nhiều địa phương hiện nay tỷ lệ tiêm chủng vaccine vẫn còn thấp.
Ưu tiên tiêm vaccine cho các nhóm yếu thế
Theo số liệu từ Bộ Y tế, hiện trên cả nước đã tiêm chủng hơn 60 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho người trên 18 tuổi và đang tiếp tục mua, nhập khẩu và tiếp nhận các loại vaccine, trong đó có vaccine cho trẻ em. Nhìn nhận về chiến dịch tiêm vaccine và bài học từ làn sóng dịch thứ 4, TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Cộng đồng cho rằng, giai đoạn đầu, Việt Nam chưa ưu tiên tiêm vaccine cho người cao tuổi và có bệnh nền. Hậu quả là nhiều trường hợp yếu thế mắc Covid-19 tử vong. Khi quá tải F0, thiếu oxy, máy thở, trang thiết bị và nhân lực, sẽ khó có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị. Hiện vaccine cũng chưa thể phủ hết cho toàn dân, vì vậy, cần thiết phải ưu tiên cho người cao tuổi, người có bệnh nền để hạn chế thấp nhất tử vong nếu xảy ra làn sóng dịch tiếp theo.
Còn quan điểm của TS Trần Nam Trung – chuyên gia dịch tễ, là cần phải tiêm vaccine cho người cao tuổi, người có bệnh trước. Trong khi vavcine chưa đủ đáp ứng nhu cầu cho toàn dân, trẻ em có thể tiêm sau. “Dòng người rời tâm dịch TP Hồ Chí Minh về quê, nhiều người trong số họ nhiễm Covid, có nguy cơ sẽ lan dịch ra cả nước. Khi nguy cơ bùng dịch ở các tỉnh là khá cao và nhóm nguy cơ cao ở những nơi này chưa được tiêm đủ là điều hết sức đáng lo ngại” - TS Trần Nam Trung nhấn mạnh.
Ông cho biết thêm, tác dụng chủ yếu và hiệu quả nhất của tất cả các vaccine Covid-19 hiện nay là giảm ca nặng (giảm nhập viện và tử vong), chứ không phải giảm lây nhiễm. Vì vậy, để đạt hiệu quả cao nhất, nhanh nhất, chiến lược tiêm chủng phải tập trung vào mục tiêu giảm ca nặng tử vong cho đối tượng nguy cơ cao, chứ không phải tiêm đại trà tạo miễn dịch cộng đồng giúp giảm lây.Với tất cả các chủng Covid-19, cao tuổi và bệnh nền là hai lý do chính dẫn tới bệnh nặng. Số liệu ở Trung Quốc cho thấy người từ 80 tuổi có tỷ lệ tử vong cao hơn 1,8 lần người 70-79 tuổi, hơn 4 lần người 60-69 tuổi, hơn 11 lần người 50-59 tuổi, và 74 lần người 10-19 tuổi.Số liệu ở California, Mỹ cho thấy người từ 65 tuổi chỉ chiếm 16% dân số, 11% số ca nhiễm, nhưng tới 76% số tử vong.
Trong khi đó, người 18-34 chiếm 24% dân số, 35% số ca, nhưng chỉ 1% số tử vong.Số liệu ở Việt Nam cũng cho thấy tuổi càng cao thì tỷ lệ tử vong càng cao và số ca tử vong cao nhất ở nhóm từ 50 tuổi trở lên. Rất nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh người có bệnh nền tăng tỷ lệ tử vong so với người khỏe, ở bất cứ tuổi nào.Đây cũng là ý kiến, là đề xuất của nhiều chuyên gia y tế: Tập trung tiêm ngay vaccine phòng Covid-19 cho những đối tượng nguy cơ cao tại những địa phương chưa tiêm chủng.