Đời sống văn hóa

Lễ hội kỷ niệm 595 năm Ngày Vua Lê Thái Tổ đăng quang

Kim Thoa 09:15 03/06/2023

Công lao của Anh hùng dân tộc Lê Lợi (Vua Lê Thái Tổ) gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh vào đầu thế kỷ 15. Dưới sự lãnh đạo tài tình của người Anh hùng dân tộc Lê Lợi, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã thắng lợi, hàng chục vạn quân xâm lăng đã phải tháo chạy về nước, chấm dứt 20 năm xâm lược trên đất nước ta.

z4399546844762_b8ad77dc573d35890185fb3583aea816.jpg
Lễ hội kỷ niệm 595 năm Ngày Vua Lê Thái Tổ đăng quang (ảnh: hanoi.gov.vn)

Tối 2/6 (tức ngày 15 tháng Tư năm Quý Mão), Lễ hội kỷ niệm 595 năm ngày Vua Lê Thái Tổ đăng quang (1428-2023) do quận Hoàn Kiếm tổ chức, đã trang trọng diễn ra tại Khu di tích tưởng niệm Vua Lê Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm lịch sử, nơi gắn với huyền thoại Vua Lê trả gươm báu cho Rùa thần.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố và lãnh đạo các Sở, ngành; lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cùng đông đảo người dân trên địa bàn.

Tại buổi lễ, đã diễn ra nghi thức dâng hương, lễ khai mạc và sân khấu hóa tái hiện Vua Lê Thái Tổ đăng quang.

Năm 1407, sau khi đánh bại nhà Hồ, giặc Minh chính thức đặt ách đô hộ lên đất nước ta. Trước cảnh nô lệ, nhân dân lầm than, năm 1418, ở đất Lam Sơn (Thanh Hoá), Lê Lợi đã dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh. Dưới sự lãnh đạo thiên tài của Lê Lợi, khởi nghĩa Lam Sơn đã thắng lợi giành lại độc lập cho nước nhà vào năm 1427.

Ngày 15/4/1428, Lê Lợi chính thức đăng quang ngôi Vua tại điện Kính Thiên, thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay), xưng vương là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, ban Bình Ngô Đại Cáo.

Trong suốt thời gian trị vì, Vua Lê Thái Tổ đã đặt nền móng vững chắc cho cả một triều đại và một nền độc lập phồn thịnh của quốc gia Đại Việt. Trong sự nghiệp lừng lẫy của Vua Lê Thái Tổ, có truyền thuyết đẹp về việc nhà vua trả gươm báu cho rùa thần sau khi hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nơi đó chính là hồ Hoàn Kiếm ngày nay.

Sự kiện đăng quang của Vua Lê Thái Tổ năm xưa đã đi vào lịch sử, trở thành sự kiện lớn trong sự ngưỡng vọng, tôn vinh của dân tộc. Để tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ công lao to lớn của Đức Vua Lê Thái Tổ, nhân dân nhiều địa phương trong cả nước đã lập đền thờ, dựng tượng đài và đặt tên đường phố mang tên Lê Lợi.

Tại Hà Nội, bên Hồ Gươm gắn với huyền thoại Vua Lê trả lại gươm báu cho Rùa thần, tượng đài Vua Lê Thái Tổ cùng với đình Nam Hương tạo thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa trang nghiêm, lưu giữ những truyền thống văn hóa tốt đẹp giữa lòng Thủ đô, trở thành một biểu tượng hòa bình và ý chí quật cường của dân tộc. Với ý nghĩa và giá trị trường tồn đó, "Công trình tưởng niệm Vua Lê Thái Tổ" và “Di tích lịch sử văn hóa Đình Nam Hương” đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1995.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định: Lễ hội là dấu ấn văn hóa sinh động, có ý nghĩa, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, tôn vinh những giá trị văn hóa lịch sử quốc gia Khu phố cổ Hà Nội, giá trị Di sản văn hóa Quốc gia đặc biệt đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm, giá trị văn hóa sáng tạo không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm tới du khách trong và ngoài nước.

Quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục tổ chức tốt việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích để nơi đây thực sự là một di sản tiêu biểu trong khu vực hồ Hoàn Kiếm, niềm tự hào của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau về các giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống của dân tộc.

Đây cũng là dịp để ôn lại những trang sử vẻ vang, truyền thống hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, đồng thời, ghi nhận, tôn vinh và phát huy những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, tín ngưỡng dân gian truyền thống tốt đẹp của dân tộc, qua đó, nhân dân quận Hoàn Kiếm và du khách hiểu biết thêm về những giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đặc trưng của khu di tích tưởng niệm vua Lê Thái Tổ gắn với sự phát triển của Thăng Long - Hà Nội.

Lễ hội kỷ niệm 595 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang năm nay được tổ chức tại tượng đài khu di tích tưởng niệm Vua Lê Thái Tổ với quy mô cấp quận, diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 2 - 4/6 (tức ngày 15 - 17 tháng Tư năm Quý Mão) với nhiều nội dung hoạt động phong phú, nhiều nghi thức tâm linh, hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc… 

Sau đó vào các ngày 3 - 4/6, sẽ diễn ra lễ rước kiệu truyền thống xung quanh hồ Hoàn Kiếm, triển lãm tranh dân gian Hàng Trống, triển lãm ảnh về vẻ đẹp hồ Hoàn Kiếm, biểu diễn thư pháp… Ngoài ra, còn có các hoạt động: Biểu diễn cờ người, biểu diễn võ thuật… tại các khu vực khác nhau quanh hồ Hoàn Kiếm.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam
    Từ ngày 17/12/2024 đến hết ngày 23/12/2024, tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam.
  • “Cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
    Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • [Video] Làng nghề Sơn Đồng: Trung tâm đồ thờ gỗ của Thủ đô và cả nước
    Với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo cùng cái tâm với nghề, những nghệ nhân làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) đã tạo nên những sản phẩm vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một Hà Nội của Việt Nam với những nét văn hóa độc đáo trong dòng chảy lịch sử nghìn năm văn hiến.
  • “Hiến kế” cho Hà Nội xây dựng mô hình quản trị đô thị trong kỷ nguyên mới
    Trên cơ sở phân tích lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thành phố Hà Nội, TS. Đỗ Tất Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học) và TS. Ngô Thị Ngọc Anh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế) - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã “hiến kế” cho Hà Nội một số định hướng phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội kỷ niệm 595 năm Ngày Vua Lê Thái Tổ đăng quang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO