Văn hóa – Di sản

Lễ công bố Quyết định ghi danh “Hội chùa Tây Phương” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Việt Thương 20:41 02/04/2025

Sáng nay ngày 2/4 (tức ngày 5/3 Âm lịch), tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, huyện Thạch Thất, Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố Quyết định ghi danh “Hội chùa Tây Phương” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; kỷ niệm 10 năm 34 pho tượng được công nhận Bảo vật Quốc gia và Khai hội Chùa Tây Phương năm 2025 được huyện Thạch Thất tổ chức trong 3 ngày (từ ngày mùng 05 đến hết ngày 7 tháng 3 Âm lịch).

8wstctvp.png
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài trao Quyết định ghi danh "Hội chùa Tây Phương" vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: Công Phương.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, Thạch Thất là vùng đất cổ, là vùng quê có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, với những bản sắc của văn hóa xứ Đoài. Với bề dày lịch sử trên 600 năm hình thành và phát triển, huyện Thạch Thất hiện có trên 200 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương. Theo đánh giá của các nhà khoa học, di tích chùa Tây Phương là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam còn bảo tồn, lưu giữ được hệ thống tượng Phật là những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam.

Lễ hội chùa Tây Phương là một nét đẹp văn hóa truyền thống, một sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thạch Thất và du khách, phật tử thập phương về tham dự lễ hội cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình ấm no, hạnh phúc.

anh-chup-man-hinh_2-4-2025_145752_kinhtedothi.vn.jpg
Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Lê Minh Đức đánh trống khai hội. Ảnh: Công Phương

Việc tổ chức Lễ khai hội chùa Tây Phương với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng là dịp để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người và những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Thạch Thất.

Trong không khí tưng bừng của Lễ hội chùa Tây phương, các truyền thống văn hóa tốt đẹp, tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư được nhân rộng và lan tỏa, tạo không khí đoàn kết, vui tươi nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Hồng nhấn mạnh, Lễ hội chùa Tây Phương được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Thạch Thất và du khách thập phương; vừa mang những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học và giáo dục; vừa mang những giá trị cổ truyền, kết nối đông đảo nhân dân trong vùng, tạo nên sức sống mạnh mẽ của cộng đồng, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của bản sắc văn hóa huyện Thạch Thất.

Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy tốt các giá trị di sản của Lễ hội chùa Tây Phương, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất đề nghị các cơ quan, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về ý nghĩa của di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương; tích cực tuyên truyền, quảng bá xúc tiến hoạt động du lịch với nhiều giải pháp cụ thể, hiệu quả.

bl0z9kyk.png
Đại biểu Thành phố, đại biểu huyện Thạch Thất cùng các chức sắc, tăng ni, phật tử và du khách thập phương thành kính dâng hoa, dâng hương, cầu nguyện cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Ảnh: Công Phương.

Tiếp tục triển khai các dự án đầu tư tu bổ tôn tạo, quy hoạch vùng phụ cận của di tích chùa Tây Phương nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân và du khách. Đề nghị Phòng Văn hoá, khoa học và Thông tin phối hợp với các xã Thạch xá, Quang Trung cùng các câu lạc bộ hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận múa rối nước Thạch Xá, Chàng Sơn, Bình Phú là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia trong thời gian tới.

Đặc biệt, trong những ngày diễn ra lễ hội, Ban tổ chức Lễ hội huyện và UBND các xã thị trấn cần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ di tích, di vật, chống xâm hại cảnh quan di tích, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn cho du khách.

Lễ công bố Quyết định ghi danh “Hội chùa Tây Phương” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; kỷ niệm 10 năm 34 pho tượng được công nhận Bảo vật Quốc gia và Khai hội Chùa Tây Phương năm 2025 được huyện Thạch Thất tổ chức trong 3 ngày (từ ngày mùng 05 đến hết ngày 7 tháng 3 Âm lịch)./.

Chùa Tây Phương, hay còn gọi là Sùng Phúc tự, được xây dựng từ thời nhà Mạc (thế kỷ XVI) và trùng tu vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Ngôi chùa mang phong cách kiến trúc độc đáo với ba nếp chùa nằm trên ba tầng cao dần, gồm chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Để đến chùa, du khách phải chinh phục 239 bậc đá ong, một đặc trưng riêng của vùng đất Thạch Thất.

Nét đặc sắc của chùa Tây Phương không chỉ nằm ở kiến trúc mà còn ở hệ thống mái chùa chồng diêm hai tầng tám mái với những đầu đao cong vút mềm mại, đậm nét kiến trúc cổ Việt Nam. Toàn bộ công trình sử dụng vật liệu truyền thống như gỗ lim, đá ong, gạch nung, tạo nên vẻ đẹp cổ kính, bề thế nhưng vẫn hài hòa với thiên nhiên. Bên trong chùa, các cột, kèo đều được chạm khắc tinh tế với hoa văn rồng, phượng… thể hiện trình độ điêu khắc đỉnh cao của nghệ nhân xưa.

Một trong những điểm đặc biệt nhất của chùa Tây Phương chính là hệ thống tượng Phật bằng gỗ sơn son thếp vàng, được coi là kiệt tác điêu khắc của nghệ thuật tôn giáo Việt Nam. Trong số đó, nổi bật nhất là 18 pho tượng La Hán được tạc từ gỗ mít vào thế kỷ XVIII với những đường nét chạm khắc sống động, thể hiện rõ thần thái và tâm trạng của từng vị La Hán. Những bức tượng này không chỉ có giá trị nghệ thuật cao mà còn phản ánh tư tưởng Phật giáo sâu sắc.

Với giá trị đặc biệt, di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Tây Phương đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2014. Năm 2015, Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ 18 đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Lễ công bố Quyết định ghi danh “Hội chùa Tây Phương” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO