Văn hóa – Di sản

Lan tỏa giá trị thẩm mỹ của di sản vào đời sống đương đại

Bảo Nguyên 17:13 26/05/2023

Nhân tuần lễ Phật Đản 2023, Hội quán Di sản kết hợp với Sen Heritage và Holomia đã tổ chức sự kiện trưng bày và thuyết trình khoa học với chủ đề “Hình tượng Thích Ca sơ sinh trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam và Đông Á” vào tối ngày 25/5/2023, tại Đài quan sát tầng 65, tòa nhà Lotte, Hà Nội.

Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản (15/4 âm lịch) – kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời đã được Liên hợp quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Tuần lễ Phật Đản thường được tổ chức từ ngày 8/4 – 15/4 âm lịch hằng năm.

Tại sự kiện “Hình tượng Thích Ca sơ sinh trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam và Đông Á”, Ban tổ chức công bố những đề án đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam công nhận. Đó là bộ nhận diện Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2567 – DL 2023; Bộ vật Phật tượng Thích Ca sơ sinh phong cách thuần Việt và công bố bản Kim tượng Thích Ca sơ sinh bé nhất Việt Nam và thế giới với kích thước 3,8cm bằng vàng và bạc; Danh sách các chùa trên toàn quốc đã sử dụng app “Tắm Phật online”.

su-kien-khoa-hoc.jpg
Sự kiện “Hình tượng Thích Ca sơ sinh trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam và Đông Á”

Phát biểu tại sự kiện, người sáng lập Hội quán Di sản - anh Trần Thanh Tùng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Ban quản lý tòa nhà Lotte, đội ngũ đồng hành và cũng cho biết thêm: Hội quán Di sản đã đi qua một chiến dịch chuẩn bị công phu, từ khi được Giáo hội Trung ương lựa chọn yêu cầu thực hiện bộ nhận diện để phát triển toàn bộ hệ thống về chủ đề Phật Đản Việt Nam.

Bên cạnh đó, mẫu tượng Thích Ca sơ sinh được trưng bày tại sự kiện là kết quả của quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, tìm hình để tạo hình từ chất liệu đến mỹ thuật, mang phong cách hoàng gia thời Lý.

Qua đề tài nghiên cứu khoa học với chủ đề “Thụy tướng đản sinh: hình tượng Thích Ca sơ sinh trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam và Đông Á”, PGS. TS Trần Trọng Dương đã làm rõ sự khác nhau giữa hình tượng Thích Ca sơ sinh trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam theo chiều dài lịch sử Đại Việt nói riêng và so với các nước Đông Á, Nam Á nói chung.

pgs.ts-tran-trong-duong(1).jpg
PGS. TS. Trần Trọng Dương thuyết trình tại sự kiện

Theo PGS. TS Trần Trọng Dương, qua các hiện vật khảo cổ thời Lý và nghiên cứu của các học giả về long trụ Thăng Long của Đại Việt thời Lý mang phong cách hoàng gia mà đi đến hai giả thuyết: bệ Tu Di tòa của phật tượng Thích Ca thời Lý và bộ Tu Di đăng thời Lý mô phỏng ngọn núi Tu Di. Trong đó, Tu Di là một đỉnh núi thiêng trong vũ trụ quan Phật giáo, vừa mang hình hoa sen vừa có khả năng phát sáng về trí tuệ lẫn nghệ thuật.

Cho đến hiện tại, chưa có nhà khảo cổ học nào hay ai khác khai quật được một bức tượng Thích Ca sơ sinh thời Lý – Trần. Vì vậy, việc phỏng dựng bức tượng này vừa đòi hỏi nghiên cứu kỹ lưỡng vừa mang tính sáng tạo.

PGS. TS Trần Trọng Dương cũng cho biết: Ta có thể gặp tượng Thích Ca sơ sinh khi thì chỉ tay phải, khi thì lại chỉ tay trái lên trời, khi thì chỉ một ngón tay, khi thì lại hai ngón hay thậm chí là cả năm ngón… Điều này là do văn hóa của thời kỳ hoặc của đất nước sở tại. Ví dụ người Ấn Độ xem trọng bên phải hơn, nên tượng Thích Ca sơ sinh ở Ấn Độ thường sẽ chỉ tay phải lên trời. Còn trong văn hóa Nho giáo xem trọng bên trái hơn, thì tượng Thích Ca sơ sinh của thời thịnh Nho hoặc đất nước ảnh hưởng Nho giáo nhiều hơn sẽ chỉ tay trái lên trời. Và dù dáng vẻ của tượng thế nào cũng chỉ là hình tướng, đối với Đức Phật vô hình tướng thì điều này không quá quan trọng.

Tiết lộ về ẩn ý tại sao bản Kim tượng Thích Ca sơ sinh bé nhất Việt Nam hiện nay lại có kích thước 3,8cm, anh Trần Thanh Tùng cho biết: Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, mọi tương tác tới cả thế giới dường như thu nhỏ qua màn hình máy tính, điện thoại. Vì thế, với mục đích đưa di sản đến đương đại, việc tạo nên bản tượng với kích thước này như là để phù hợp với thế giới đương đại. Nỗi băn khoăn thường thấy của các nhà nghiên cứu, sáng tạo tạo nên bản tượng là sản phẩm của Việt Nam có đẹp không, có gì ấn tượng không? Làm thế nào để lan tỏa tới cộng đồng theo cách đơn giản nhất, tiện ích nhất cũng như tính ứng dụng trong việc có thể dễ dàng mang đi khắp nơi…

du-khach-ngam-tuong.jpg
Sự kiện trưng bày thu hút sự quan tâm của công chúng

Bên cạnh đó, trong sản phẩm bé nhưng hàm chứa tư tưởng lớn như bức tượng này cũng là một ẩn ý phá vỡ quan niệm rằng hễ tượng Phật bằng vàng thì phải rất lớn, rất nặng. Và cuối cùng, kích thước 3,8cm ẩn chứa mong muốn đưa di sản đến với lớp trẻ dễ dàng hơn trong hình dáng của sự tối giản, không quá nặng nề.

Cũng tại không gian Đài quan sát tầng 65 tòa Lotte, công chúng và khách mời được trải nghiệm VR3D và AR kiến trúc chùa Diên Hựu, vừa đeo kính vừa đi tha thẩn trong không gian ảo để ngắm chùa Một Cột thời Lý ở từng chi tiết. Bên cạnh đó là trải nghiệm công nghệ thực tế ảo – tắm Phật online.

Đây là một hoạt động mà du khách có thể truy cập online miễn phí thông qua app hoặc qua đường link hoặc quét mã QR và thao tác tắm Phật online theo hướng dẫn. Nghi lễ này đã ra đời và được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Mạng xã hội Phật giáo Butta phát động bắt đầu từ năm 2021, trong bối cảnh giãn cách vì đại dịch Covid-19, nhằm hạn chế tập trung đông người trong mùa Phật đản.

Bên cạnh việc giới thiệu nghi lễ Tắm Phật online, kiến trúc sư - người sáng lập và là giám đốc điều hành của Holomia Đinh Anh Tuấn cho biết, với mỗi lượt truy cập miễn phí và tương tác tắm Phật online vào một ngôi chùa tự chọn có trong danh sách, mỗi người đã góp 10.000đ công đức xây dựng chùa.

Với 54 lượt truy cập và tương tác tắm Phật online tại sự kiện, anh Đinh Anh Tuấn quyết định công đức 5 triệu đồng, góp vào quỹ xây dựng tu sửa chùa Kim Ngưu ở Hà Nội.

Với những nỗ lực góp phần lan tỏa giá trị thẩm mỹ của di sản vào đời sống đương đại, các học giả, các nhà nghiên cứu và các nghệ nhân đã bước đầu thành công trong việc đưa di sản từ bản vẽ đến sản phẩm hiện thực./.

Một số hình ảnh khác của mẫu tượng:

mau-tuong-thich-ca-so-sinh-thuan-viet-duoc-gioi-thieu-tai-su-kien.jpg
Mẫu tượng Thích Ca sơ sinh mang phong cách hoàng gia thời Lý của nhóm Sen Heritage
mau-kim-tuong-thich-ca-so-sinh.jpg
Mẫu Kim tượng Thích Ca sơ sinh mang phong cách hoàng gia thời Lý
Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa giá trị thẩm mỹ của di sản vào đời sống đương đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO