Kỹ năng tham mưu xây dựng chính sách pháp luật của cán bộ cấp chiến lược qua thực tiễn xây dựng pháp luật

VNHN| 08/02/2020 23:07

Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là những người có bản lĩnh, trí tuệ và có tầm nhìn tiên phát nhằm tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề mang tính định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kỹ năng tham mưu xây dựng chính sách pháp luật là khả năng của cán bộ cấp chiến lược trong việc vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề đặt ra trong công tác tham mưu xây dựng chính sách pháp luật. Bài viết giới thiệu về kỹ năng tham mưu, xây dựng chính sách pháp luật của cán bộ cấp chiến lược qu

Kỹ năng tham mưu xây dựng chính sách pháp luật của cán bộ cấp chiến lược qua thực tiễn xây dựng pháp luật

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói về công tác cán bộ. Ảnh: Internet 

1. Kỹ năng tham mưu xây dựng chính sách pháp luật

1.1. Về thuật ngữ

Kỹ năng tham mưu (Advisory skill) là sự thông thạo được phát triển thông qua quá trình đào tạo, rèn luyện, vận dụng vào việc xây dựng hoạch định chính sách. Kiến thức (Knowledge) chỉ là sự hiểu biết lý thuyết và thực nghiệm về một chủ đề nào đó (kinh tế, luật học, xây dựng...). Khả năng (Abilities) là những phẩm chất thể hiện khả năng làm một việc gì đó. Ba khái niệm này bổ sung cho nhau, đôi khi sử dụng trong thực tiễn thường đổi chỗ cho nhau. Tuy nhiên, muốn có kỹ năng tham mưu, trước hết cần phải có khả năng và kiến thức nhất định và phải đặt chủ thể có khả năng, kiến thức trong một môi trường công tác nhất định thì hiệu quả của kỹ năng tham mưu sẽ cao hơn (khả năng - kiến thức - kỹ năng).

Trong khoa học quản lý, khái niệm tham mưu chính sách pháp luật còn được xem là việc hiến kế, kiến nghị, đưa ra các ý tưởng, đề xuất các giải pháp khoa học, các sáng kiến, các phương án tối ưu, những dự báo chiến lược, sách lược và các giải pháp hữu hiệu cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Muốn làm được điều đó, cán bộ, công chức phải sử dụng kỹ năng tham mưu bao gồm một hệ thống thao tác trí tuệ và thực hành (đã được đào tạo, huấn luyện và kinh nghiệm) để thực hiện có hiệu quả hệ thống thao tác đó (từ khả năng, kiến thức khoa học, thực tiễn đã có đến cách trình bày, thuyết trình và vận dụng đúng đắn vào thực tiễn) để thực hiện công vụ, nhiệm vụ được giao.

Do đó, có thể hiểu kỹ năng tham mưu xây dựng chính sách pháp luật là năng lực (bao gồm khả năng và kinh nghiệm) của cán bộ, công chức thực hiện thuần thục một quy trình, quy phạm được quy định bởi các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (hoặc pháp luật) bằng cách lựa chọn tri thức, kiến thức đúng đắn, khoa học và vận dụng có hiệu quả vào thực tiễn để đạt được mục đích đề ra.

1.2. Về mối quan hệ giữa đường lối lãnh đạo của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước

Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối Nhà nước và xã hội. Đảng và các đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Đảng thực hiện đường lối của mình bằng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối lãnh đạo của mình. Đảng lãnh đạo thông qua đường lối, chủ trương đúng đắn, định hướng cho toàn xã hội trên các phương diện chính trị, kinh tế- văn hóa, xã hội để định hình cho đất nước phát triển. Mọi hoạt động của Nhà nước phải phù hợp với đường lối lãnh đạo của Đảng. Nói cách khác, đường lối lãnh đạo của Đảng là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của Nhà nước và xã hội. Như vậy, có thể khẳng định đường lối lãnh đạo của Đảng là cơ sở, là điều kiện tiên quyết để xây dựng chính sách pháp luật của Nhà nước.

Trong Từ điển tiếng Việt, “chính sách” được hiểu là sách lược và kế hoạch cụ thể nhằm đạt một mục đích nhất định, dựa vào đường lối chính trị và tình hình thực tế mà đề ra chính sách…”(1). Một chính sách tốt phải cân bằng giữa yếu tố chủ quan và khách quan và được đo lường, đánh giá bằng sự kiểm nghiệm của thực tế. Nếu chính sách chỉ mang tính chủ quan (ý tưởng) không được kiểm tra bằng thực tiễn (hoặc có tổng kết qua thực tiễn) sẽ khó đi vào đời sống. Ví dụ, chính sách thuế của một đất nước phải căn cứ vào tình trạng kinh tế (sự phát triển của sản xuất, GDP, kim ngạch xuất, nhập khẩu, đời sống người dân…).

Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về khái niệm chính sách pháp luật. Có quan điểm cho rằng, chính sách pháp luật là tổng thể các quan điểm, chủ trương của nhà nước về việc xây dựng và hoàn thiện (phát triển) hệ thống pháp luật(2) hoặc chính sách trong mối quan hệ với cơ chế là “những chủ trương thích ứng với các đặc điểm và điều kiện kinh tế - xã hội của từng giai đoạn phát triển nhằm vào việc bảo đảm cho sự vận hành đúng hướng, tích cực của cơ chế kinh tế”(3). Có tác giả cho rằng “chính sách pháp luật là hệ thống các quan điểm, lập trường tư tưởng, nguyên tắc hành động, chủ trương định hướng, chương trình và biện pháp hành động của nhà nước trong việc xác định vai trò và hướng điều chỉnh của pháp luật trong từng giai đoạn hoặc thời kỳ phát triển của đất nước, làm căn cứ và cơ sở để xây dựng pháp luật vào cuộc sống và duy trì hiệu lực pháp luật trong giai đoạn hoặc thời kỳ đó”(4).

Như vậy, chính sách pháp luật có thể hiểu là chính sách về pháp luật. Theo nghĩa này, để xây dựng pháp luật, trước hết phải có chính sách (bao gồm quan điểm, chủ trương, định hướng và thước đo hiệu quả của pháp luật hiện hành và trong tương lai) theo nhận thức của từng chủ thể thích ứng với từng giai đoạn phát triển cụ thể. Ở một nghĩa khác, chính sách pháp luật không chỉ là linh hồn, là căn cứ, là cơ sở để xây dựng pháp luật, xác định nội dung của pháp luật, mà chính sách pháp luật có thể là pháp luật (Hiến pháp - đạo luật cơ bản là cơ sở để xây dựng các đạo luật); chính sách pháp luật có thể là cơ sở để xây dựng các chính sách khác(5).Chính sách pháp luật được triển khai bởi hoạt động của chủ thể có thẩm quyền trong việc thể chế hóa đường lối lãnh đạo của Đảng thông qua hoạt động xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật.

Chính sách pháp luật (dù hiểu dưới góc độ nào) cũng là để thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh: “Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng các chủ trương, chính sách lớn, lãnh đạo thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách pháp luật”(6). Để thể chế hóa đường lối của Đảng, chính sách pháp luật bị chế ước bởi đường lối của Đảng, nhưng đồng thời tác động trở lại, góp phần điều chỉnh hợp lý đường lối của Đảng trong từng giai đoạn của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình thể chế hóa đó, chính sách pháp luật phản ánh và bảo vệ đường lối của Đảng. Một đường lối không thể coi là có hiệu quả, đủ sức đi vào đời sống thực tiễn nếu thiếu chính sách pháp luật - như một giới hạn, một tác nhân điều chỉnh. Cũng như vậy, trong hoạt động của hệ thống chính trị, sự cần thiết, tính hiệu quả của chính sách pháp luật sẽ nhanh chóng biến thành mặt trái ngược và có nguy cơ biến dạng nếu đường lối của Đảng không thật sự khách quan, khoa học và cách mạng, không lấy chính sách pháp luật làm công cụ thiết yếu để đưa đường lối đó vào cuộc sống. Như vậy, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật có mối liên hệ hữu cơ với nhau, vừa là điều kiện, tiền đề, vừa là hệ quả của nhau.

Trong các cơ quan Chính phủ hiện nay, chính sách pháp luật được hiểu rất rộng, từ đề xuất, xây dựng, thực thi, đến đánh giá, kiểm tra chính sách pháp luật. Một điều đáng chú ý là từ quy trình trên, các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan có thể tổng kết thực tiễn, rà soát lại hệ thống chính sách pháp luật và loại bỏ những bất cập, tiếp thu hoàn thiện những mặt tích cực cho việc xây dựng chính sách pháp luật mới phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng ngành, lĩnh vực.

2. Nguyên tắc và quy trình thực hiện kỹ năng tham mưu xây dựng chính sách pháp luật

2.1. Nguyên tắc

Thứ nhất, Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối trong hoạt động của của hệ thống chính trị. Nguyên tắc này đòi hỏi hoạt động công vụ và tham mưu chính sách pháp luật phải phù hợp với đường lối lãnh đạo của Đảng.

Thứ hai, phân định thẩm quyền giữa các cơ quan, người có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước trong quá trình tham mưu xây dựng chính sách pháp luật. Nguyên tắc này hướng tới việc minh bạch hóa hệ thống cơ quan nhà nước trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng chủ thể. Trong Chính phủ, làm rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, các thành viên Chính phủ (thẩm quyền tập thể và cá nhân); tương tự là với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp. Đây cũng là việc thực hiện nghiêm túc thẩm cấp của một nền hành chính mà cán bộ, công chức khi tham mưu cần nắm vững (chuyên viên tham mưu cho cấp vụ; cấp vụ tham mưu cho bộ trưởng; bộ trưởng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng). Chính quyền địa phương cũng phải có kỹ năng tham mưu theo thẩm cấp. Nguyên tắc này cũng là sự cụ thể hóa một luận điểm quan trọng của khoa học quản lý: “Mỗi việc cần được giải quyết dứt điểm ở một cấp” và “mỗi người cần làm công việc của chính mình”; vì vậy cần phải lựa chọn và bố trí người có khả năng tham mưu giỏi, có khả năng dự báo chính sách pháp luật.

Thứ ba, khách quan, khoa học, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm trong quá trình tham mưu xây dựng chính sách pháp luật.

Kinh nghiệm đã chỉ ra rằng, cán bộ, công chức khi tham mưu, nếu đặt lợi ích chung của đất nước, dân tộc làm mục tiêu của hoạt động công vụ thì khả năng phát triển hài hòa, đồng bộ kinh tế - xã hội sẽ có hiệu quả, bền vững; ngược lại, nếu vì cục bộ địa phương, ngành hoặc lợi ích nhóm, hiệu quả sẽ không cao và hạn chế tính bền vững của chính sách pháp luật.

Thứ tư, kỹ năng phối hợp trong tham mưu xây dựng chính sách pháp luật.

Xây dựng chính sách pháp luật là sự huy động trí tuệ của đội ngũ cán bộ, công chức của hệ thống chính trị. Một ý tưởng sáng tạo khó có thể được thực hiện khi không có sự phối hợp chặt chẽ, cùng vào cuộc của đội ngũ tham mưu tại các cơ quan, tổ chức. Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định chặt chẽ nhưng hiệu quả chưa cao, bởi lẽ việc phối hợp còn gặp rào cản bởi chính các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình lấy ý kiến phản biện, thẩm định, thẩm tra hoặc trong quá trình thực hiện và kiểm tra việc thực hiện pháp luật. Quan niệm bộ, ngành nào tham mưu, xây dựng, trình chính sách pháp luật, bộ, ngành đó tự chịu trách nhiệm đã dẫn đến tình trạng trên.

Phối hợp trong xây dựng chính sách pháp luật là một phương thức của quản lý. Một chính sách pháp luật ra đời là kết quả hoạt động của cả bộ máy “chính sách pháp luật là sự đánh giá cao của tính sáng tạo trong quá trình phối, kết hợp liên ngành của nền hành chính phát triển, là sự phủ nhận những ý tưởng đen tối của các cá nhân không biết đặt lợi ích của mình xuống dưới lợi ích chung”(7).

Thứ năm, nguyên tắc trách nhiệm của người làm công tác tham mưu xây dựng chính sách pháp luật.

Nguyên tắc này đòi hỏi người có nhiệm vụ tham mưu phải chịu trách nhiệm trước kết quả tham mưu của mình. Ngoài việc sử dụng khả năng, kiến thức để tham mưu, bản lĩnh trong tham mưu, người làm công tác tham mưu phải chịu trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý trong hoạt động xây dựng chính sách pháp luật. Phải xác định ai chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu để chính sách pháp luật ban hành chậm hoặc gây ra những hậu quả tiêu cực trong hoạt động quản lý. Hiện nay đã có quy chế làm việc của các bộ, ngành, của Chính phủ, nhưng chỉ là trình tự, thủ tục trình các dự án, văn bản mà chưa quy định rõ trách nhiệm của người làm công tác tham mưu xây dựng chính sách.

Thứ sáu, sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học trong quá trình đề xuất xây dựng chính sách pháp luật và thực thi pháp luật.

Kết quả tham mưu chính sách pháp luật của bất kỳ cơ quan quản lý nào cũng cần mang tính khoa học, sáng tạo. Tính khoa học thể hiện ở chỗ, những vấn đề lý luận và thực tiễn đòi hỏi phải có sự tương hỗ lẫn nhau. Lý luận có thể đi trước hoặc sau tổng kết thực tiễn, nhưng các ý tưởng tham mưu cần phải có sự bổ sung cho nhau về mặt lý luận và thực tiễn thông qua việc ứng dụng các công trình nghiên cứu khoa học. Phản biện khoa học của các chuyên gia, nhà khoa học góp phần cung cấp thông tin khoa học khi tham mưu, đặc biệt là quá trình đánh giá tác động của chính sách pháp luật. Quá trình lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học vừa là dự liệu các phương án khác nhau khi xây dựng, vừa là sự kiểm nghiệm tính ổn định khả thi của chính sách pháp luật trong quá trình thực thi.

2.2. Quy trình thực hiện kỹ năng tham mưu xây dựng chính sách pháp luật

Một là, ý tưởng xây dựng chính sách pháp luật.

Đây là giai đoạn tiền đề mà người làm công tác tham mưu cần nhận rõ. Ý tưởng có thể xuất hiện trong quá trình quản lý, điều hành kinh tế - xã hội của chủ thể có thẩm quyền, chẳng hạn ý tưởng về phát triển thương mại quốc tế của Việt Nam trong điều kiện cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra. Chủ thể tham mưu có thể là cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nhưng cũng có thể chính là người làm công tác tham mưu. Ý tưởng này phải căn cứ vào cơ sở chính trị, khoa học và pháp lý để phân tích, tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định.

Hai là, phân tích chính sách pháp luật.

Giai đoạn này đòi hỏi chủ thể tham mưu phải xem xét chính sách pháp luật ở nhiều góc độ, từ tính phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp lý của chính sách pháp luật, tính thời sự cấp bách, tính khả thi, tính dự báo hiệu quả chính sách pháp luật đến thời điểm có hiệu lực của chính sách pháp luật khi được ban hành. Việc phân tích chính sách pháp luật bao gồm: xác định rõ mục đích, yêu cầu của việc ban hành chính sách pháp luật; xây dựng kế hoạch nghiên cứu; thu thập tài liệu; lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học; khảo sát thực tiễn; xử lý tài liệu, thu thập; phân tích chính sách; đưa ra ý kiến về phân tích chính sách. Lưu ý, khi phân tích chính sách cần loại bỏ ý chí chủ quan và đưa ra các phương án thực hiện chính sách pháp luật (nếu có) và phải có lập luận cho từng phương án để trình cơ quan, người có thẩm quyền.

Ba là, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan đến chính sách pháp luật.

Tùy theo phạm vi chính sách pháp luật do chủ thể tham mưu đề xuất, cơ quan, người có thẩm quyền phải chủ động (hoặc theo đề xuất của người tham mưu chính sách pháp luật) phải gửi lại dự thảo chính sách đến các cơ quan có liên quan, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp chịu sự tác động của chính sách pháp luật (có thể gửi lấy ý kiến, tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề về nội dung chính sách pháp luật); đồng thời đề xuất việc tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến vào dự thảo chính sách pháp luật. Ý kiến tham gia góp ý phải được người làm công tác tham mưu nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo chính sách pháp luật.

Bốn là, đánh giá tác động của chính sách pháp luật.

Chủ thể làm công tác tham mưu xây dựng chính sách pháp luật phải tiến hành đánh giá tác động trong từng chính sách pháp luật. Nội dung đánh giá tác động của chính sách pháp luật phải đưa ra: vấn đề cần giải quyết; mục tiêu của chính sách pháp luật; các giải pháp thực hiện chính sách pháp luật; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp; lựa chọn các giải pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và lý do của việc lựa chọn; đánh giá tác động thủ tục hành chính; tác động về bình đẳng giới (nếu có).

Năm là, tổ chức lấy ý kiến phản biện việc xây dựng chính sách pháp luật.

Tùy theo từng ý kiến tham mưu xây dựng chính sách pháp luật, chủ thể tham mưu có thể tổ chức lấy ý kiến phản biện của các chuyên gia, các nhà chuyên môn có liên quan đến chủ đề tham mưu. Khác với lấy ý kiến nhân dân và đối tượng, thủ tục phản biện chính sách pháp luật thường được tổ chức hẹp, các ý kiến cần nói rõ, cụ thể ưu điểm và hạn chế của dự thảo chính sách pháp luật. Đây là kênh nhằm nâng cao tính khoa học, tính thực tiễn của chính sách pháp luật. Các nhà khoa học, giới chuyên môn có thể đưa ra các luận cứ và phương án khác nhau để chủ thể nghiên cứu, tiếp thu, báo cáo người có thẩm quyền. Phạm vi phản biện đi sâu vào ý tưởng và các nội dung quan trọng của chính sách pháp luật. Về lý thuyết, sử dụng công cụ trong khoa học chính sách công và khoa học quản lý tiên tiến. Về thực tiễn, vận dụng các quy luật đã và đang tồn tại trong đời sống xã hội hiện nay.

Sáu là, xây dựng dự thảo văn bản chính sách pháp luật.

Từ ý tưởng đến quy trình nêu trên được chủ thể tham mưu xây dựng thành dự thảo văn bản hoặc các cơ quan giao cho tổ chức, cá nhân khác xây dựng, hình thành văn bản hoặc một cơ quan chủ trì có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan. Các ý kiến tham mưu xây dựng chính sách đều được thể hiện bằng dự thảo và được trình theo quy chế làm việc của các cơ quan, tổ chức (trừ trường hợp theo yêu cầu trực tiếp của cơ quan, người có thẩm quyền).

Tuy nhiên, theo trách nhiệm công vụ, chủ thể tham mưu xây dựng chính sách pháp luật vẫn phải báo cáo cấp trên trực tiếp của mình (chẳng hạn, Thủ tướng yêu cầu một chuyên viên cao cấp hoặc thứ trưởng, bộ trưởng của một bộ, tham mưu về một chính sách pháp luật nào đó thì khi thực hiện phải báo cáo các cấp hành chính mà mình là thành viên (vụ trưởng, bộ trưởng). Đối với việc giao cho tập thể thực hiện (bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ) thì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải tiến hành các thủ tục nêu trên. Ủy ban nhân dân các cấp cũng thực hiện quy trình này.

Bảy là, thẩm định, thẩm tra chính sách pháp luật.

Thẩm định, thẩm tra là việc đánh giá toàn diện nội dung chính sách pháp luật xem có phù hợp với mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh; tính hợp hiến, hợp pháp và chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính (nếu có); tính hợp lý, khả thi; nguồn tài chính, nhân lực để thực hiện; ngôn ngữ, kỹ thuật và trình tự soạn thảo chính sách pháp luật (lưu ý, theo thẩm quyền của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các hình thức văn bản được quy định chặt chẽ; riêng đối với văn bản khác, chủ thể tham mưu xây dựng chính sách pháp luật có thể vận dụng linh hoạt các nội dung của thẩm định, thẩm tra để áp dụng vào quá trình tham mưu).

Tám là, trình ý kiến tham mưu xây dựng chính sách pháp luật.

Sau khi các thủ tục đã được hoàn tất, chủ thể tham mưu soạn thảo chính thức văn bản trình cấp có thẩm quyền. Nội dung trình, ngoài dự thảo cần cung cấp đầy đủ ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, các ý kiến phản biện và các phương án khác nhau; thuyết trình phương án và bảo vệ phương án (độc lập - chịu trách nhiệm về phương án do mình tham mưu). Theo thủ tục pháp luật hiện hành, chủ thể tham mưu tiến hành trình văn bản quy phạm pháp luật theo các yêu cầu của luật. Riêng các loại văn bản khác chưa được luật quy định thì tuân thủ quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức hoặc xin ý kiến trực tiếp của người phụ trách hoặc lãnh đạo cơ quan, tổ chức.

Chín là, ban hành và kiểm tra thực hiện chính sách pháp luật.

Chính sách pháp luật sau khi được thông qua sẽ được ban hành theo thủ tục hành chính đến công chúng hoặc các đối tượng chịu sự tác động bằng hình thức văn bản do pháp luật quy định. Để chính sách pháp luật được thực thi hiệu quả, chủ thể tham mưu phải thường xuyên theo dõi và kiểm tra tính khả thi của chính sách pháp luật. Đối với văn bản quy phạm pháp luật, Chương XV của Luật ban hành quy phạm pháp luật năm 2015 quy định rất rõ các chủ thể tham gia giám sát, kiểm tra theo nội dung các Điều 162-167. Tuy nhiên, chính sách pháp luật mà chủ thể tham mưu dưới hình thức văn bản khác hiện chưa có quy định cụ thể. Vì vậy, chủ thể tham mưu xây dựng chính sách pháp luật phải trực tiếp theo dõi, kiểm tra việc thực thi chính sách pháp luật đó và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền về tính khả thi (sự đồng ý hoặc phản ứng của xã hội); thời gian thực hiện (đối với các chính sách pháp luật về thí điểm khi chưa có pháp luật quy định); sự chồng chéo của hệ thống pháp luật; sự phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn ảnh hưởng đến chính sách pháp luật… và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc đình chỉ, hủy bỏ chính sách pháp luật; đề xuất các biện pháp khắc phục và đề nghị xử lý cơ quan, người thực thi chính sách pháp luật có sai phạm. Nếu chính sách pháp luật có mức độ sai phạm nghiêm trọng, chủ thể tham mưu chính sách pháp luật cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật tùy theo mức độ vi phạm của chủ thể đó.

3. Một số kiến nghị nâng cao kỹ năng tham mưu xây dựng chính sách pháp luật

Một là, đổi mới tư duy về kỹ năng tham mưu xây dựng chính sách pháp luật. Quán triệt quan điểm của Đảng về đổi mới công tác cán bộ, trong đó có cán bộ tham mưu cấp chiến lược, mỗi ngành, mỗi cấp phải triển khai tư duy đổi mới của Đảng về tính cấp thiết phải xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển lý luận nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay; kiến tạo lý luận xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; lý luận về hội nhập quốc tế; nhận diện nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc để tạo tư duy khoa học - cách mạng cho những người làm công tác tham mưu chính sách pháp luật. Tham mưu chính sách pháp luật giữ vai trò hết sức quan trọng, mỗi chính sách pháp luật là nền tảng, là tiền đề định hướng cho sự phát triển; thể hiện năng lực tư duy biện chứng cho sự phát triển, là thước đo năng lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hai là, xây dựng đội ngũ tham mưu xây dựng chính sách pháp luật phải giỏi về chuyên môn, kỹ năng, kiến thức và khả năng đáp ứng nhanh nhạy với các diễn biến phức tạp trên thế giới và sự phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời có phẩm chất chính trị tốt để triển khai, cụ thể hóa quan điểm của Đảng và nhà nước. Nâng cao trình độ, kỹ năng trên 4 phương diện: 1) Kiến thức chuyên môn; 2) Khả năng, sự hiểu biết (tầm nhìn) chiến lược; 3) Dự báo chiến lược tình hình kinh tế - xã hội; 4) Kiểm soát được việc thực thi chính sách pháp luật. Cần tăng cường mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo ngắn hoặc dài hạn cho chủ thể làm công tác tham mưu nâng cao kỹ năng xây dựng chính sách pháp luật; biên soạn tài liệu về kỹ năng tham mưu xây dựng chính sách pháp luật để đưa vào chương trình chính khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Ba là, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ nói chung, trong công tác tham mưu chính sách pháp luật nói riêng. Trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân về công tác tham mưu xây dựng chính sách pháp luật; trách nhiệm pháp lý về sản phẩm tham mưu trước cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền (được kiểm nghiệm bằng thực tiễn tham mưu như hiệu quả tích cực và hệ quả tiêu cực của chính sách); chống mọi biểu hiện cục bộ ngành, địa phương, lợi ích nhóm, “sân sau” trong quá trình tham mưu. Mặt khác, nêu cao tính khách quan, minh bạch trong quá trình tham mưu để làm tiền đề cho phát huy dân chủ trong các quyết định quản lý, phát huy trí tuệ tập thể, góp phần nâng cao chất lượng tham mưu chính sách pháp luật.

Bốn là, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các chủ thể tham gia xây dựng chính sách pháp luật để mỗi chính sách pháp luật khi được ban hành thật sự thể chế hóa đúng đắn đường lối lãnh đạo của Đảng, lợi ích kinh tế - xã hội của đất nước, của dân tộc; đồng thời, là sự phản ánh khách quan các khía cạnh của đời sống quản lý trong quá trình phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, cần xác định rõ chủ thể chủ trì và các chủ thể tham gia; quy định trách nhiệm của từng chủ thể và hậu quả pháp lý khi chính sách pháp luật không hợp pháp và không có hiệu quả trong thực tiễn; đồng thời, khen thưởng kịp thời, thích đáng những thành tích xuất sắc trong tham mưu xây dựng chính sách pháp luật.

Năm là, Chính phủ cần ban hành văn bản quy định chi tiết về kỹ năng tham mưu xây dựng chính sách pháp luật. Trong đó, có các nội dung: từ ý tưởng tham mưu, kỹ năng tham mưu, quy trình thủ tục, chất lượng cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, khen thưởng, kỷ luật đến việc thu hút nhân tài và trách nhiệm pháp lý đối với người làm công tác tham mưu chính sách pháp luật. Bởi lẽ, công tác tham mưu chính sách pháp luật rất đa dạng, thể hiện dưới nhiều hình thức; các quy định hiện nay còn thiếu, nếu có thì nằm rải rác ở các quy chế làm việc hoặc chưa thống nhất. Đây là việc cần làm ngay nhằm đáp ứng yêu cầu “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủnăng lực và phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…”(8) như Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XII của Đảng đã đề ra./.

--------------------------

Ghi chú:

(1) Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng và Trung tâm từ điển học ấn hành 1997, tr.157.

(2) Trần Thái Dương, Xây dựng chính sách pháp luật theo quan điểm bền vững, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 02/2009, tr.3

(3) Nguyễn Thanh Tuyền, Nguyễn Lê Anh, Mối quan hệ hữu cơ giữa thể chế, cơ chế, chính sách, cơ chế điều hành và hành vi ứng xử, Tạp chí Hội nhập và Phát triển, số 22, tháng 5/2015, tr.5.

(4),(5) Nguyễn Đức Minh, Bàn về khái niệm chính sách pháp luật, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 3/2017.

(6),(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, H.2016, tr.214, tr.432.

(7) Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ liên bang, Công báo Văn phòng Thủ tướng CHLB Đức, 1980, số 132, tr.567 (tiếng Đức).

TS Phạm Tuấn Khải

Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ;

Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ

https://vietnamhoinhap.vn/article/ky-nang-tham-muu-xay-dung-chinh-sach-phap-luat-cua-can-bo-cap-chien-luoc-qua-thuc-tien-xay-dung-phap-luat---n-26862

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Hà Nội phê duyệt đề án vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh
    UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 6004/QD-UBND về việc, phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố”.
  • Trường THCS Xuân La: Viết tiếp trang sử vàng truyền thống
    Hòa chung không khí hân hoan của cả nước chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 20/11, Trường THCS Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và tuyên dương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy năm học 2024.
Đừng bỏ lỡ
Kỹ năng tham mưu xây dựng chính sách pháp luật của cán bộ cấp chiến lược qua thực tiễn xây dựng pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO