Đọc qua các tác phẩm du ký giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX viết về biển đảo và duyên hải từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh (vùng 1 Hải quân, bao gồm các đảo trong Vịnh Bắc Bộ và 8 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) có thể thấy rõ dấu ấn vùng miền văn hóa, kể từ tâm thế chủ thể sáng tác, cách thức cảm nhận và phản ánh đời sống hiện thực cho đến cách quan sát, thụ hưởng vẻ đẹp thế giới tự nhiên, biển trời sóng nước, đưa đến những cách quan sát và cảm nhận sinh động, p
Kỳ thú Hạ Long – Các Bà
Các tác phẩm du ký về vùng biển đảo Đông Bắc thiên về phong cách ký sự, ghi chép, gia tăng bình luận ngoại đề, tiếng nói chính luận, mở rộng phản biện các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, phong tục, tập quán liên quan đến quốc kế dân sinh thấy xuất hiện rộng trên các báo: Nam Kỳ địa phận, Nam phong tạp chí, Khoa học, Ngày nay, Trung Bắc Chủ nhật, Tri tân tạp chí…
Trong du ký Đi chơi ngoài Bắc Kỳ, Huế và bên Tàu (Nam Kỳ địa phận, 1918), ký giả X. kể lại chi tiết những trải nghiệm, những điều mắt thấy tai nghe, nhấn mạnh bức tranh công nghiệp hiện đại, vị thế và hoạt động giao thương vùng biển đảo Đông Bắc: “Ai có dịp đi Hải Phòng thật là nên đi vũng Hạ Long lắm, vì lạ đến đỗi người Lang Sa, Hồng Mao và Huê Kỳ cũng rán đến đó mà coi, huống chi An Nam ta ở gần đó mà không đi thì là uổng biết chừng nào... Hồi chúng tôi đi thì có đi thẳng lên trên xa nữa, tới Port - Wallut là một nơi vùng có sò, hào và cá nhiều quá và rẻ lắm. Một giỏ hàu nặng hơn mười kilos giá có hai cắc rưởi mà thôi. Tàu chở mỗi ngày đem về Hải Phòng bán ra tứ phía Hà Nội, vân vân. Sau hết đi tới Sainte-Pagode và Mũi Ngọc là xa rốt hết, trọn hai chục giờ đồng hồ đường tàu chạy từ Hải Phòng mới tới đó, là cũng gần khít chỗ gọi là Mon Cay, ở giáp ranh nước Tàu nữa và là ở giữa đường đi Hà Nội lên Vân Nam (Younanfou). Ấy vậy chúng tôi đi được tới hai nơi giáp ranh nước Tàu là Lao Kay và Mũi Ngọc là gần Mon Cay, đứng Mũi Ngọc ngó qua thấy và đi ghe ba giờ đồng hồ thì tới”…
Theo nữ sĩ Vân Đài ngày trước đảo Cát Bà (Hải Phòng) có tên là Các Bà.
Đến với vùng duyên hải tiền tiêu biên viễn Quảng Ninh, Lệ Thần Trần Trọng Kim (1883-1953) trong Sự du lịch đất Hải Ninh (Nam phong Tạp chí, 1923) đặc biệt nhấn mạnh sự xâm nhập, bành trướng, lấn át của dân Khách trú với đủ mọi mưu lược, cách thức, phạm vi, mức độ mánh khóe buôn bán và lối cạnh tranh triệt phá nhau: “Hễ mà lúc nào An Nam ta có ai định mở cửa hàng buôn bán ganh nhau với người Khách thì họ bảo nhau mua đắt bán rẻ, làm thế nào cho mình đến vỡ cửa hiệu thì họ mới thôi”…; so sánh hai lối chế biến, tích trữ, phân phối nông hải sản: “Nghề nghiệp thì chỉ có chài lưới để kiếm ăn lần hồi. Mà đánh được cá cũng không biết làm gì để sinh lợi, lại đem bán buôn cho người Khách, người ta đem muối đi, đến lúc mình dùng đến lại đi mua, đắt gấp mấy cái giá mình đã bán. Thậm chí cái rau, củ khoai của mình trồng ra được cũng đem bán cho Khách, rồi sau lại sang mua lại mà ăn. Thành ra mình chỉ làm khó nhọc mà bao nhiêu cái lợi là người ta hưởng hết cả”…; thậm chí đến sản xuất cái bát cũng thành chuyện, cũng thua kém người, cũng thành vấn nạn: “Về đường công nghệ thì cả tỉnh Hải Ninh chỉ có nghề làm bát ở Mông Cái là thịnh nhất. Nhưng đấy là của Khách, chứ ta không có phần gì… Nguyên làm sao mà Khách lại sang thuê đất bên ta? Là vì những bát đĩa làm ở Mông Cái cốt để bán cho An Nam ta, vậy sang thuê đất bên ta thì họ khỏi phải chịu thuế nhập cảng, như thế thành ra họ đã được một mối lợi to rồi”… Từ đây học giả Trần Trọng Kim đi sâu đối sánh cán cân mậu dịch và yêu cầu bảo hộ, phát triển hàng nội hóa: “Tôi xem nước nào cũng lo làm những đồ cần dùng cho người trong nước để giữ lấy mối lợi, không cho người ta tranh chiếm mất. Mà nước mình từ xưa đến nay cứ nghiễm nhiên đem tiền đi mua của người mà dùng, mà không biết nóng ruột”… Tiếng nói tự phê phán, phản tỉnh, thức tỉnh của nhà du lịch - học giả Trần Trọng Kim cách một thế kỷ về trước mà thật sâu sắc, thậm chí đến ngày nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
Tương đồng với nhận xét của học giả Trần Trọng Kim, nữ sĩ Vân Đài (1903 - 1964) trong du ký Bốn năm trên đảo Các Bà (Tri tân tạp chí, 1944) kể lại cảnh đẹp cửa biển Sông Đào, Nam Triệu và làng cổ Tân Châu, Xuân Đám, đồng thời đánh giá cao vị thế kinh tế và mối lợi nghề cá vùng đảo Các Bà nhưng đi sâu nhận xét, cảnh tỉnh, cảnh báo mạnh mẽ việc người Tàu tìm cách lách luật, lợi dụng khai thác nguồn tài nguyên thủy sản vô giá của ta, làm giàu trên vùng biển của ta, ngay trên xứ ta với đủ các chiêu trò vay lãi, đóng thuyền to, thu gom và chế biến hải sản, buôn lậu đường biển. Nữ sĩ Vân Đài tỏ ra quyết liệt: “Chú L. một người đã quen đi buôn lậu, vẫn thường tự cao khoe với mọi người: “Đến Bạch Long Vỹ, tôi không sự gì nữa”… Cảnh đẹp kia không gây cho bọn buôn lậu một cảm giác mỹ quan nào hơn là giúp cho họ có những sào huyệt tốt… Về nghề buôn bán trốn thuế này, chỉ riêng người Khách đối với nhau một cách rất kín đáo… Tiện đây tôi xin cải chính một điều nhầm: xưa nay, người Nam ta vẫn tưởng các hải sản như mực Bắc Hải, bào ngư, hải sâm, vây cá là những thực phẩm ở bên Tầu đem sang. Trái lại, ở đây tôi thấy rằng: Tất cả các hải vị quý hóa đều xuất sản ở Các Bà, Côtô (Goutow), Bạch Long Vỹ, kế bao là những cù lao miền Nam hải của ta, chẳng qua bọn Khách trú cầm quyền “thao túng” đó thôi”…
Quyến rũ Sầm Sơn – Cửa Lò
Xuôi về xứ Thanh, Thư ký tòa soạn Phạm Mạnh Phan (1914-?) có Kỷ niệm Sầm Sơn (Tri tân tạp chí, 1942) mà ký giả duy danh là “bút ký”. Thiên du ký này là những trang tự thuật về một chuyến đi nghỉ ở biển, bắt đầu từ nguyên cớ “trước lúc ra đi”, “đường về Xứ Thanh” cho đến hiện thực “Sầm Sơn huyền ảo” và cuối cùng là những bâng khuâng lãng mạn “người đâu gặp gỡ” đậm đà dư vị ngày hè ở biển… Ba phần tư thế kỷ đã qua đi mà tâm trạng người xưa về một vùng biển đảo quê hương vẫn còn nguyên vẹn: “Sầm Sơn! Cả một bài thơ đẹp và mơ mộng! Sầm Sơn với non nghìn biệt thự xây rải rác ở các nơi theo một kiến trúc đặc biệt tối tân đã quyến rũ bao khách phương xa tấp nập. Sầm Sơn với trái núi đá quanh co khấp khuỷu, với chùa Độc Cước, với hòn Trống Mái, với bãi biển rộng rãi bao la đã là nơi tụ họp của biết bao trai tài gái sắc, đã là chỗ hẹn hò của biết bao trái tim đa cảm! Sầm Sơn với rừng thông xa tít, với rặng phi lao rào rạt, đã chứng kiến biết bao cuộc gặp gỡ nên thơ, đã được nghe biết bao lời ân ái trong khoảng đêm trường tĩnh mịch. Nơi nghỉ mát ấy đủ mãnh lực để ru ngủ lòng người, đủ phép tiên để hàn gắn những vết thương lòng và đủ quyền thế để chinh phục các khách viễn du phải say sưa và mến tiếc…
Ra Sầm Sơn khách chẳng muốn về. Lìa Sầm Sơn khách lòng bâng khuâng xao xuyến! Khách nhớ tới những buổi chiều tắm bể với những nàng tiên xinh đẹp với những thân hình trắng muột mà nước biển vô tình in hằn trên áo tắm những nét thẳng đường cong. Khách ôn lại những khi rỡn đùa với làn sóng bạc dồn dập tự ngoài khơi đưa lại với những lúc đêm khuya thanh vắng, tắm ánh trăng trong mà nghe gió rì rào cao hát trên ngọn thông xanh!”…
Quyến rũ biển Cửa Lò (Nghệ An)
Trong du ký Đi chơi ngoài Bắc Kỳ, Huế và bên Tàu in trên Nam Kỳ địa phận (1918) của ký giả Công giáo ở Sài Gòn ghi bút danh X có đoạn tả thực thú vị về chuyến du ngoạn Cửa Lò cách ngày nay vừa chẵn trăm năm: “Ngày 27 Novembre (1917). Mướn xe hơi đi chơi cho biết trong xứ. Đi Bến Thủy gần Vinh chừng mười ngàn thước. Xe lửa ở Hà Nội tới Vinh rồi chạy thẳng qua Bến Thủy ở đó vì là cùng đường, không đi xe được nữa. Tại Bến Thủy có sông tàu đậu cũng là bộn, có tàu đi Hồng Kông nữa đặng chở hàng hóa. Có hai cái nhà máy cưa cây, và nhà máy diêm cũng là một hàng với nhà ở Hà Nội. Đi Bến Thủy rồi chở lại chạy ra Cửa Lò xa được hai chục ngàn thước tây, mé biển mát mẻ, là nơi người Tây ra ở nghỉ hứng gió. Có thợ lưới cá biển đi ngoài biển mới về, họ không dùng thuyền dùng ghe, dùng bè bằng tre nhỏ nhỏ như ghe vậy, mỗi người một bè, đi như vậy không sợ chìm. Chúng tôi kêu mấy người thợ lại chụp hình chơi đặng để làm dấu tích. Người quê mùa thật thà vậy là dễ thương quá. Kêu lại biểu đứng ngay ngắn tử tế, người thì nhăn răng cười hoài không hiểu chi, người thì đứng tự nhiên phình bụng phơi rốn, người thì đang đứng xong xả rồi lại tính làm sao không hiểu, bộ ưa làm tốt làm sao, nên lại bỏ đó chạy xuống mé biển rửa chân tay cho sạch được chụp hình. Thiệt là tức cười quá, biểu đứng đó thì hay đứng đó chớ cũng không thấy hỏi làm chi. Quê như vậy cũng thật là có phước”…
Đến đây xin lược dẫn bài tường thuật Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh (Nam phong tạp chí, 1928-1929) của Tú tài Nguyễn Đức Tánh, giữ chức Giám thị ký túc xá ở Trường Vinh, dẫn đoàn học sinh đi tham quan các di tích lịch sử và danh thắng, trong đó có mục Cuộc đi chơi Cửa Lò: “Quan Đốc (chỉ ngài Le Breton, Giám đốc Trường Cao đẳng Tiểu học Vinh – NHS chú) lại đem địa đồ mà chỉ cho học trò biết rằng bờ biển mà bây giờ chúng tôi đứng trên núi trông thấy từ Đò Cấm cho tới Cửa Lò thì khác hẳn với hồi năm 1905 là hồi vẽ ra địa đồ ấy, vì rằng theo hình thế bờ biển bây giờ mà so với hình thế bờ biển vẽ trong địa đồ ấy thì mới có 23 năm mà bờ biển đã bồi ra được nhiều lắm rồi. Xem thế thì đủ biết rằng bờ biển bồi ra mau lắm, cho nên quan Đốc có nói rằng địa đồ về phần ở trên bờ biển thì ít ra cũng hai mươi năm phải họa lại một lần thì mới có thể trúng được. Cái bãi cát bây giờ ở kề biển đó tuy là còn cát trắng, nhưng chỉ trong vài mươi năm nữa thì sẽ đã có thể đắp đê mà cày cấy được”…; rồi ra thăm cửa biển: “Xem nại muối xong, thầy trò lại ra nhà mát Cửa Lò. Ra tới đây thấy hơi mát mẻ, khí trời trong sạch, trong mình nghe được khoan khoái, nhẹ nhàng hơn ở chốn thành phố nhiều, thì ai nấy đều lấy làm hớn hở. Nhờ ở biển có không khí trong sạch, mà không khí trong sạch rất cần cho sức khỏe, cho nên mấy người kẻ ở biển tuy họ dầm mưa dãi nắng lắm thì màu da ngăm ngăm đen, nhưng trông ra thì ai nấy đều sức vóc lực lưỡng, khí sắc hùng hào, khiến cho mấy người mình gầy sức yếu, trông thấy mà phải lấy làm thèm”... Từ đây tác giả bày tỏ cảm xúc, suy tư về cuộc sống người dân vùng biển và cõi biển mênh mang sóng nước: “Đứng trên bờ biển mà trông ra, xúc cảnh sinh tình, trong lòng lại sinh ra nghĩ tới điều này việc khác: Mặt biển mênh mông, không biết đến đâu là bờ là đáy, thì có khác gì việc học của mình, mình càng học lại thấy càng rộng càng sâu, nếu không có thầy giỏi, không tìm được cách hay, thì cũng như người vượt biển ra khơi, mà không thuộc lối, không có địa bàn, thì chắc phải đến nỗi thất lạc, không có khi nào tới bờ tới bến được. Cố nhân sở dĩ có chữ “học hải” tưởng cũng đã suy nghĩ kỹ càng lắm vậy. Lại như khi trông ra biển thấy gió thổi ầm ầm, mấy lớp sóng dựng lên như cồn như núi, như hình muốn đem mấy chiếc thuyền chài mà đổ xuống đáy biển thì trong lòng lại sinh ra một mối cảm tình đối với các làng ngư phủ, vì một cái kế thân gia mà phải liều mình đi làm cái nghề đã vất vả lại hiểm nghèo, suốt đời lo sợ. Thế mà người ta lại đem hoạn đồ mà ví với biển, mà đặt ra chữ “hoạn hải ba đào”, thì ra đường sĩ hoạn cũng nguy hiểm lắm sao?... Học trò ngồi chơi tới khi nhạt nắng thì xuống bến tắm, mãi tới gần năm giờ chiều mới lên xe trở về”…
Trên đây mới là những phác thảo sơ lược rút từ trên 500 trang du ký về vùng biển đảo và duyên hải từ Quảng Ninh tới Hà Tĩnh. Đọc tác phẩm du ký tức là “ngồi một chỗ mà thấy ngoài muôn dặm”, hơn nữa lại là du ký hồi đầu thế kỷ XX, chắc chắn sẽ giúp độc giả hôm nay hiểu hơn vẻ đẹp cũng như các vấn đề lịch sử - văn hóa vùng duyên hải và biển đảo Đông Bắc Tổ quốc một thời chưa xa.
....................................................................................
Đón đọc kỳ tới:
Du ký về biển đảo Quảng Bình – Bình Định nửa đầu thế kỳ XX