Kim Quan - dấu ấn ''cửa vàng''

HNMCT| 09/01/2022 17:19

Làng Kim Quan (cửa vàng) nay thuộc phường Việt Hưng (quận Long Biên), vài trăm năm trước là một thiết chế văn hóa và luôn được bảo lưu trong tình trạng “đóng” sau lũy tre làng. Sau 19 năm thành lập quận Long Biên, “cánh cửa” ấy được mở ra để đón nhận “làn gió mới”. Tuy vậy, để Kim Quan hội nhập, phát triển một cách vững vàng thì cần nghiên cứu giá trị, đánh giá thực trạng cụm di tích lịch sử - văn hóa đình, chùa, miếu Kim Quan, từ đó có biện pháp bảo tồn tương xứng.

Kim Quan - dấu ấn ''cửa vàng''
Đình Kim Quan.

Dấu tích làng cổ Kim Quan

Theo sách "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" của Quốc sử quán triều Nguyễn, sở Kim Quan đã có từ thời Lê Thánh Tông (1460 - 1496). Kim Quan vốn là một vùng đầm lầy, tiếp giáp với Lệ Mật, Hoa Lâm, Hoa Am (để tránh kỵ húy mẹ vua Thiệu Trị là bà Nguyễn Thị Hoa nên năm 1841, Hoa Lâm của Gia Lâm đổi thành Trường Lâm, Hoa Lâm của Đông Ngàn đổi là Mai Lâm, Hoa Am đổi thành Thanh Am...).

Kim Quan liền kề với Lệ Mật, chịu chi phối bởi con sông Nghĩa Trụ (còn gọi là sông Cầu Bây, Cầu Chùa, Đào Xuyên). Con mương chạy song song với đường Đoàn Khuê hiện nay chính là đoạn sông Nghĩa Trụ xưa. Sông Nghĩa Trụ là chi lưu của sông Hồng (đoạn đầu ở chỗ công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải) và nhập vào sông Thiên Đức. Theo truyền thuyết, hoàng tử Linh Lang sau khi đánh lui quân giặc rồi qua đời đã “chảy trôi” vào vùng đất thấp và được dân làng nhiều nơi, trong đó có Kim Quan đón nhận, tôn thờ làm Thành hoàng làng, với tư cách là thần chống lụt hay thần “tiêu thoát nước”.

Kim Quan cũng nằm kề với sông Thiên Đức, xa hơn một chút là sông Hồng ở đoạn ngã ba Mỏm Soi (Ngọc Thụy). Các con sông này nhiều lần gây lũ lụt. Ngay trong thần tích của làng Kim Quan cũng ghi lại: “Đại loại truy chép lại Thần tích và linh ứng của Thần rằng nghe lời truyền lại là nước sông Nhị dâng cao vỡ đê, tràn vào các xã của huyện Đông Ngàn gồm xã Chiêm Trạch, xã Phúc Lộc, xã Uy Nỗ, làm thành vực sâu tục gọi là vực Đáy. Nước lũ tràn xuống đầm lớn tục gọi là Đầm Dài ở xã Hoa Am (huyện Gia Lâm), tiếp giáp địa giới bản sở”. Trên thực tế, cánh đồng Kim Quan còn nhiều dấu tích vực xoáy do vỡ đê. Trụ sở quận Long Biên, ngôi miếu Kim Quan và hồ phía trước ngày nay là khu vực xoáy xưa kia, đã được san lấp, quy hoạch kể từ khi thành lập quận Long Biên.

Dấu ấn văn hóa trong hệ thống di tích

Như vậy, Kim Quan nằm trong địa thế gắn với sông nước. Người dân nơi đây đã chung đúc mở mang và phát triển làng quê thành một kho tàng quý giá được bảo vệ bởi “cửa vàng” - Kim Quan. Bởi luôn chịu tác động của sông nước nên họ đã ứng xử và tạo nên những giá trị riêng theo tinh thần chống lũ lụt. Những giá trị đó được thể hiện ở hệ thống di sản văn hóa còn lại đến ngày nay.

Đầu tiên là đình Kim Quan - nơi thờ 5 vị phúc thần, trong đó Linh Lang đại vương được coi là đức Thánh cả. Cùng với đó là Trình Đô đại vương, Phò mã đại vương Lê Đạt Chiêu, con rể vua Lê Hiến Tông (1461 - 1504) và Thiên Tiên Đào anh tôn thần, vốn là Thiên Kiều Đào Hoa công chúa và Phương Anh phu nhân tôn thần - được coi là tổ sư của nghệ thuật ca trù khi có tài nghệ ca hát dụ giặc đầu hàng. Ở nhiều nơi trong vùng, hai nữ thần được hóa thân thành hai mẹ con bà bán hàng nước, giúp Linh Lang đánh giặc. Linh Lang đại vương - thần chủ về nguồn nước hay vị thần “tiêu thoát lũ”, được thờ ở 269 nơi trong cả nước. Việc tôn thờ Linh Lang của người dân thể hiện niềm mong cầu về nguồn nước ổn định, mang lại mùa màng tươi tốt.

Miếu Kim Quan được dựng trên một gò đất cao, hướng tây nam, nhìn ra hồ thoáng đãng. Người dân Kim Quan truyền lại là dưới thời Lê, đê sông Thiên Đức bị vỡ, tạo thành vực xoáy ở cánh đồng Kim Quan. Sau đó dân làng đắp đê quai, ở mỏm đê chỗ vực xoáy dựng ngôi miếu thờ thần Hà Bá nhằm cầu đảo không gây lũ lụt vỡ đê để người dân cày cấy. Việc tôn thờ thần Hà Bá của cư dân Kim Quan là cách ứng xử tinh thần với sông nước. 

Chùa Kim Quan có tên chữ là Ân Quang, nghĩa là ánh sáng trí tuệ Phật rọi chiếu mà gia ơn cho muôn nhà. Chùa được xây dựng vào năm Duy Tân thứ 4 (1910). Văn bia chùa Ân Quang lập ngày 10 tháng 4 năm Khải Định 10 (1925) hiện còn ghi rõ: “Thôn Thượng Kim Quan có tên gọi cổ xưa là Bạch Thổ là một thắng tích. Từ trước vốn chưa có chùa. Từ năm Duy Tân thứ 4 (1910) các cụ kỳ lão trong làng bàn với cụ Trương Văn Nhân là Bồ tát giới tì khưu tăng chùa Quảng Bá trong Hà thành phát chặt cỏ cây ở khu đất bên làng. Khi phát chặt cây lộ ra một gò tịnh thổ, bèn bàn nhau dựng lên ở đây một ngôi chùa. Khi mới chặt cây san nền thì sóng to, gió lớn dữ dội đập vào nền gò. Đến năm sau xây xong thiền tịnh thì gió yên sóng lặng. Vì thế đặt tên chùa là Ân Quang...” (bản dịch của tác giả). Hiện trong chùa còn lưu giữ hệ thống tượng pháp mang phong cách nghệ thuật đầu thế kỷ XX, cùng với chuông, bia đá là minh chứng xác nhận sự hình thành và tồn tại ngôi chùa.

Những năm qua, cụm di tích đình - chùa - miếu Kim Quan đã được UBND phường Việt Hưng và quận Long Biên trùng tu, tôn tạo nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương đồng thời góp phần bảo tồn hệ thống di sản văn hóa gắn với đề án Phát triển làng nghề Lệ Mật, qua đó thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu về một ngôi làng còn nguyên những dấu ấn văn hóa đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Hồng.

(0) Bình luận
  • Hà Nội - 36 khúc giao thời: Khám phá sự giao thoa quá khứ và hiện tại của 36 phố phường
    “Hà Nội - 36 khúc giao thời” - chuỗi hoạt động khám phá 36 phố phường Hà Nội và những nét văn hóa đặc sắc từ Hà Nội xưa sẽ diễn ra vào ngày 15/12/2024 tại Cafe Phố Hàng (251 Phố Hồng Hà, Phường Phúc Tân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đến với không gian mang đậm dấu ấn đặc trưng của từng góc phố cổ Hà Nội, công chúng, đặc biệt là giới trẻ sẽ có cơ hội khám phá và hiểu hơn những giá trị văn hóa của Thủ đô.
  • Ký ức Hà Nội thời bao cấp qua di sản kiến trúc
    Lịch sử đô thị Hà Nội có tầng tầng, lớp lớp các công trình kiến trúc được chia thành nhiều giai đoạn. Nếu như các công trình kiến trúc Pháp là minh chứng cho bước đầu du nhập văn minh phương Tây thì những công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương lại là sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Những công trình kiến trúc thời kì 1954 - 1986 đã thể hiện một tiếng nói mới, có sự kế thừa, học hỏi và sáng tạo, mang bản sắc kiến trúc Việt Nam, góp phần kiến tạo xã hội trong tâm thế một dân tộc được làm chủ vận mệnh của mình.
  • Đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội là cơ sở hình thành văn hóa thanh lịch, giá trị sống hướng tới sự an bình
    GS-TS. Đặng Cảnh Khanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển, nhận định, đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội chính là cơ sở cho sự hình thành văn hóa thanh lịch và giá trị sống hướng tới sự an bình. Sự thanh lịch của con người đô thị Thăng Long, trước hết có lẽ được bắt đầu hình thành từ chính cảnh sắc của Thăng Long – Hà Nội.
  • Văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa
    Theo GS.TS. Đặng Cảnh Khanh (Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống và phát triển), tính chất thanh cao, tôn trọng sự hài hòa và an bình khiến cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa. Bởi vậy, UNESCO phong tặng danh hiệu “Thành phố hòa bình” cho Hà Nội là đúng đắn.
  • Đêm hồ Gươm kỳ diệu
    Sáng rực, lung linh, huyền ảo, thơ mộng - những vòm cây ven hồ sẫm tối nhả ra muôn ngàn trái quả nhấp nhánh như trong một đêm địa đàng, một vườn cổ tích. Ấy chính là quang cảnh hồ Gươm những ngày lễ Tết trong ký ức tuổi thơ tôi.
  • Chuyện ở hàng nước mắm
    Những năm 1958 - 1959, Hà Nội chưa bước vào nền kinh tế bao cấp, các cửa hàng tư nhân lâu đời vẫn hoạt động buôn bán ở khắp các phố phường. Dạo ấy, tôi đã bảy, tám tuổi nên thường được bà ngoại và mẹ sai đi mua những đồ lặt vặt cho gia đình.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Kim Quan - dấu ấn ''cửa vàng''
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO