Khúc loa kèn chào hạ

Thu Lan| 05/06/2017 10:30

Cuối tháng 3, đi ngang những con phố Hà Nội trong cái pha trộn ấm ức của nồm ẩm và gió oi ả ngày cuối xuân đầu hạ, tự nhiên thấy lòng muốn thoát lên, bung lên khoảng không gian cao hơn để gần với bầu trời thoáng đãng. Và bất chợt tâm hồn dịu lại khi bắt gặp một dòng sông loa kèn đang trôi theo từng ngõ phố. Những con phố xám ủ ê bỗng vươn mình dậy để trong veo, để háo hức rộn ràng đón tiết thanh minh, đón bầu trời xanh nhẹ bỗng.

Nàng từ nơi xa lắm về với xứ Việt. Nàng có nhiều tên gọi cao sang: Huệ tây, huệ trắng, hay bách hợp - được coi là biểu tượng của sự trong sạch, tinh khôi và thuần khiết. Người Hy Lạp coi loa kèn là loài hoa được sinh ra từ những giọt sữa của nàng Hera, vợ của thần Zeus - chúa tể của các vị thần. Loa kèn cũng là loài hoa được dâng tặng Đức Mẹ đồng trinh để tỏ lòng kính trọng đối với sự trong sạch của Người:

"Và trong ánh bạc sáng

lung linh

Những đoá loa kèn

trang nghiêm đứng đó

Như những nữ tu trinh bạch,

ngọc ngà

Trong bài kinh cầu nguyện

Nhả ra những làn hơi tinh khiết

Khiến không trung trở nên

thánh thiện

Và hương hoa tràn ngập

màn đêm, thơm ngát"

(Julia C.R. Dore)

Khúc loa kèn chào hạ

Còn theo thuyền thuyết thì đóa hoa loa kèn đầu tiên đã mọc lên từ những giọt nước mắt của nàng Eva khi nàng bước chân rời khỏi Vườn địa đàng. Giọt nước mắt của lòng kiêu hãnh, của sự vươn lên trước mọi định kiến và khẳng định tình yêu đôi lứa tự nó kiến tạo và xây đắp nên thế giới loài người.

Loa kèn đẹp từ vóc dáng mảnh mai mà không yếu ớt, đài các mà không kiêu kỳ, hương thơm dìu dịu, không quá hắc như hoa ly, một mùi thơm gợi mở những trầm mặc của Hà Nội phố lúc giao mùa. Nâng niu một nụ loa kèn đang hé nở, ta liên tưởng tới dáng vươn dịu dàng, mềm mại của thân hình thiếu nữ với cổ cao ba ngấn trong tà áo dài cổ truyền mà hoạ sĩ Tô Ngọc Vân đã khắc hoạ trong bức tranh nổi tiếng: "Thiếu nữ bên hoa Huệ". Khi hoa xoè cánh nở, dáng hoa không quá ngẩng cao, cũng không quá chúc thấp. Tầm nở ấy làm liên tưởng một nhân cách người Hà Nội hoà hiếu, thanh lịch, biết ta biết người...

Độ trắng phớt xanh thật tinh khiết, nhuỵ vàng thấm mật ngọt ngào, làm ta ngưỡng mộ, mê say!

Loa kèn xuất hiện không lâu, chỉ đôi ba tuần vào cuối tháng ba, đầu tháng tư. Sự ngắn ngủi đó cộng với khát khao thanh tẩy tâm hồn trong khắc giao mùa khó ở, khiến người Hà Nội không thể lãng quên những bông hoa thắp sáng không gian xám màu chì, hong khô những phiền muộn, những lo âu của cuộc sống đời thường.

Buổi sáng hôm ấy, trong làn mưa bụi ẩm nồm, ta bắt gặp những bà nội trợ, những cô thiếu nữ đang lựa những bông hoa loa kèn đầu mùa, miệng hỏi giá mà mắt ai cũng ánh lên niềm hân hoan, vui sướng. Tiếng mặc cả cũng chỉ là cách để người bán người mua sẻ chia niềm vui về một mùa trong sáng đang đến rất gần. Loa kèn tươi rất lâu, hương thơm lưu luyến không nỡ rời. Vậy nên mùa hoa tới chỉ có thể đôi ba bận ra chợ đón hoa về, để rồi bỗng một hôm, ta thấy lòng tiếc nuối khi vắng bóng hoa. Ừ, vẫn biết có nhiều loài hoa đẹp đang dâng tặng sắc hương cho đời, nhưng có điều thật lạ là loa kèn càng đẹp, càng toả hương khi về với từng ngôi nhà, từng căn phòng, quyện với hơi ấm con người, làm sáng bừng và thắp lên niềm hy vọng vào những yêu thương.

Những năm gần đây có giống hoa loa kèn lạ trái vụ, bán dông dài hơn tới dăm tháng. Nhưng dù bụ búp hơn, cánh dày dặn hơn thì dường như dáng cành, dáng nở kém phần mỏng mảnh ấy làm chất thanh tao của hương cũng vợi đi. Làn hương trái mùa ngày nắng, ngày rét, ngày hây hẩy gió thu cũng là quý hoá, là gợi nhớ nhưng dường như chỉ có không gian giao mùa cuối xuân đầu hạ mới thực là chốn loa kèn trắng được ước ao chờ đợi.

Thời tiết Hà Nội vốn khắc nghiệt hơn phương Nam. Nhưng bù lại, những mùa hoa yêu thương gắn với mỗi tiết trời dường như là món quà mà thiên nhiên ưu ái ban tặng để dung hoà và làm nên một Hà Nội thật đặc biệt, thật nên thơ. Khúc giao mùa tiễn xuân đón hạ được ca lên bởi khúc hoa loa kèn kiêu hãnh. Ôm bó hoa loa kèn đầu mùa, thấy lòng rung theo nốt nhạc thơ:

"Phố tràn hoa

Nắng vờn hoa

Hát tình ca

Ngân nga trên những

chuyến xe

Hoa chở mùa vào phố

Như những chú chim xanh

nằm ngoan

Chúm chím mỏ,

mơ màng ngủ...

Những đoá nở xoè - cong cong

kèn hoa, vang ca vành môi gió

Hương ngọt nụ cười thiếu nữ

Hoa loa kèn tươi mát đến

 bình yên."

(Thơ Lương Đình Khoa)

(0) Bình luận
  • Cơm cà muối mặn, rưng rưng ngày bão
    Đã hai ngày rồi, cơn bão ghé ngang qua nhà. Mẹ ngồi buồn bã trước thềm. Mưa gió, đàn vịt, đàn gà chẳng đi kiếm ăn được. Chúng nép mình dưới bụi chuối, co ro bởi đôi cánh đã ướt rượt. Đàn gà con nối đuôi nhau, lạc giọng tìm mẹ.
  • Nhớ những cơn mưa quê hương
    Đêm trời Âu, những tia chớp dọc ngang như xé toạc không gian thành trăm mảnh. Ngả nghiêng theo tiếng sấm là màn mưa lộp bộp, rì rào… rồi ào ào như thác đổ. Mưa mùa hạ. Đích thực là mưa mùa hạ...
  • Hương sen vương vấn sợi trà
    Những ngày còn công tác ở Hà Nội, ông ngoại tôi đã xin được giống sen Hồ Tây về trồng trong đám ruộng lầy cải tạo thành ao, bờ mòn dần hóa thành đầm sen đầu tiên ở bản. Những nhà hàng xóm ngắm bông sen to, đẹp thơm ngát một vùng thì đến xin vài ngó già.
  • Những cô hàng xén bây giờ ở đâu?
    Sớm mai, khi mà trời mới tảng sáng, có khi còn cả giăng với sao, có khi thì mờ sương chả rõ mặt người, người làng này, làng kia đã cùng đi chợ sớm. Ai cũng mong những bán sớm mua sớm cho chọn được hàng ưng ý. Có những khi mưa gió, áo tơi, nón che không nhận ra nhau.
  • Yêu một người Hà Nội
    Chuyến bay lúc 4 giờ chiều hạ cánh xuống sân bay Nội Bài với lời chào là bản nhạc "Nhớ về Hà Nội". Trống ngực tôi loạn xạ cứ như đang đến cuộc hẹn đã mong đợi từ lâu.
  • Gác nhớ
    Ở phố, đâu thiếu những nhà cao chọc trời nhưng vẫn thấy nhớ một căn gác nhỏ. Lạ nỗi, mỗi khi lên đó nhìn ra phố, tôi bỗng thấy cuộc đời này thật khác. Căn gác như một nơi trốn chạy thực tại, một cách yêu thương mình bằng những kỉ niệm.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Bài 2: Hà Nội phát huy truyền thống lịch sử, xứng danh Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến
    Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân khẩn trương khôi phục những cơ sở bị chiến tranh tàn phá, ổn định tình hình, từng bước vượt qua khó khăn, tổ chức lại sản xuất, bảo đảm đời sống Nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội.
  • Góc nhìn lịch sử mới mẻ, lãng mạn và hào hoa
    Sau gần 3 tháng phát động, Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) đã khép lại với Lễ trao giải thưởng và khai mạc triển lãm được tổ chức tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội (từ 10/8 đến 31/8). Những tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm góp phần tuyên truyền đậm nét về mốc son và ý nghĩa của Ngày Giải phóng Thủ đô, đồng thời mang đến những góc nhìn mới mẻ về lịch sử hào hùng của Thành phố nghìn năm văn hiến.
  • Tái hiện không gian Hà Nội thời chiến qua triển lãm trực tuyến 3D
    Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, vào ngày 20/9, UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức khai mạc triển lãm trực tuyến 3D “Hỡi đồng bào Thủ đô!”.
  • Unilever đồng hành cùng người dân miền Bắc khắc phục hậu quả cơn bão số 3
    Unilever thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Viện Pasteur TP.HCM và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) địa phương hỗ trợ hơn 100,000 sản phẩm chăm sóc cá nhân, tổng trị giá hơn 8 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ cộng đồng miền Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi.
  • Bộ NN và PTNT làm việc với Thừa Thiên Huế về công tác chống khai thác IUU
    Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Đừng bỏ lỡ
Khúc loa kèn chào hạ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO