Khi phim Việt hóa kịch bản: Thắng về doanh thu, mòn về sáng tạo

Thùy Nguyễn| 30/10/2018 11:13

Những năm gần đây, màn ảnh Việt có thêm những thước phim Việt hóa kịch bản hay còn gọi là phim remake. Phim remake là phim làm lại nhưng giữ đúng nguyên tác kịch bản gốc của nước ngoài đang là xu thế mới trong làng điện ảnh Việt Nam.

Bề nổi của sự khởi đầu

Với khởi đầu đầy ấn tượng, dòng phim Việt hóa này đã mang lại doanh thu thắng lợi lớn cho điện ảnh Việt. Mở màn là bộ phim "Em là bà nội của anh" của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh dựa trên bộ phim "Miss Granny" của Hàn Quốc đã đạt doanh thu hơn 102 tỷ đồng. Chưa kể bộ phim còn vươn xa ra khỏi lãnh thổ nước nhà, được trình chiếu tại các nước như Australia, New Zealand..., được mời tham dự Liên hoan phim Osaka ở Nhật Bản và được chọn trình chiếu trong chương trình Outside the Box tại trường điện ảnh Nam California (USC). 

Khi phim Việt hóa kịch bản: Thắng về doanh thu, mòn về sáng tạo
Phim "Em là bà nội của anh" của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh dựa trên bộ phim "Miss Granny" của Hàn Quốc là bộ phim mở màn cho dòng phim remake và có doanh thu lớn.
Tiếp nối thành công của "Em là bà nội của anh", một loạt phim điện ảnh Việt khác tính từ năm 2016 đến nay đã liên tục ra đời những tác phẩm remake như: “Bạn gái tôi là sếp” (remake từ phim “ATM tình yêu” của Thái Lan); “Sắc đẹp ngàn cân” (remake từ phim “200 Pounds Beauty” của Hàn Quốc); “Yêu đi đừng sợ” (remake từ phim “Spellbround” của Hàn Quốc)... và gần đây nhất là bộ phim “Tháng năm rực rỡ” cũng rất thành công về mặt doanh thu trên thị trường nước nhà được remake từ phim “Sunny” của Hàn Quốc. 

Bên cạnh các tác phẩm điện ảnh, trên lĩnh vực phim truyền hình, các đạo diễn cũng khai thác địa hạt của dòng phim remake và những bộ phim đó cũng thu hút được đông đảo sự quan tâm của khán giả như phim “Người phán xử” - phiên bản của phim “Ha - Borer” của Israel; phim “Cả một đời ân oán” - phiên bản của phim “Cô dâu bạc triệu” sản xuất năm 2014 của Trung Quốc. Những bộ phim này không chỉ mang lại doanh thu mà còn giúp nhà đài đạt lượng rating kỷ lục trên sóng truyền hình. Bản thân giải Cánh diều Vàng từng nói không với những phim remake nhưng đến năm 2017 đã mở cửa cho thể loại phim Việt hóa này khi nhận tới 4 trên tổng số 13 phim truyện điện ảnh tham dự. 

Chưa phải đổi mới tự thân?

Tuy nhiên, tất cả chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm. Xu hướng làm phim remake có thể giúp đạo diễn chữa cháy khi khan ý tưởng kịch bản nhưng liệu biện pháp chữa cháy này sẽ đưa nền điện ảnh đi về đâu khi bản chất của nghệ thuật là sáng tạo?

Nhìn bề ngoài, cho phép phim remake tham gia các giải thưởng ngang hàng như các tác phẩm điện ảnh chính quy khác là một cơ chế thoáng, nhưng nghĩ kỹ thì thật đáng buồn cho tinh thần sáng tạo của điện ảnh đích thực. Trên thế giới, không có một nền điện ảnh nào có thể phát triển vững mạnh dựa trên nền tảng những tác phẩm bắt chước. Phim remake thành công ra sao chưa ai hình dung được, mà trước mắt chỉ thấy rằng đó là sự khủng hoảng thiếu ý tưởng và bản lĩnh của những nhà làm phim hôm nay. 

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã bày tỏ nỗi băn khoăn: “Sự đổi mới của phim điện ảnh Việt Nam hiện nay mới chỉ là đổi mới của thị trường điện ảnh. Nhằm thỏa mãn nhu cầu của khán giả trẻ, chứ chưa phải đổi mới tự thân của nền điện ảnh”. Rõ ràng, một nền điện ảnh chỉ tập trung vào sản xuất theo trào lưu, doanh thu mà ít chú trọng vào chất lượng nghệ thuật vẫn là niềm day dứt khôn nguôi của những người yêu điện ảnh nước nhà. 

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, người đã làm những bộ phim có tiếng vang như “Vua bãi rác”, “Người đàn bà nghịch cát”, “Ký ức Điện Biên” đã thẳng thắn bày tỏ: “Chúng ta không có phim hay, vì chúng ta đã quá dễ dãi trong việc cho các đạo diễn làm phim. Nếu như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, đạo diễn trẻ ra trường vài năm còn chưa được giao phim, sau vài năm mới được làm phim một tập thì ở ta, vừa ra trường đạo diễn có thể đã làm phim, thậm chí là phim dài tập. Suốt 10 năm qua, chúng ta vẫn làm phim theo lối cũ, vẫn cách kể chuyện cũ, thậm chí là cũ hơn cả những phim làm từ giữa thế kỷ trước. Mọi thứ đều rõ ràng tốt xấu, phân định rõ địch, ta, đang kể câu chuyện của nhà này thì phải kể hết mới sang câu chuyện nhà khác. Cả chặng đường 10 năm qua, đã có cảnh quay nào hấp dẫn để chúng ta xem đi xem lại không chán? Lời thoại thì ngô nghê, quá thừa, không có câu nào đắt giá. Diễn viên đích thực không có, toàn ca sĩ, hoa hậu đi đóng phim”. 

Có thể đó là ý kiến gay gắt, nhưng đều xuất phát từ tâm huyết của những nhà làm phim chân chính cống hiến cho nghệ thuật. Lẽ ra, điện ảnh Việt phải ngày càng có hướng đi riêng, đột phá, có những tìm tòi khác lạ về kỹ thuật dàn dựng của giới làm phim, hoặc có những ý tưởng gai góc về nội dung của từng bộ phim. Đáng tiếc thay, điện ảnh Việt vẫn cứ lừng khừng dậm chân tại chỗ với những bộ phim nghệ thuật ít được quan tâm, những bộ phim ăn xổi thì lại được sản xuất ồ ạt. 

Nhìn lại, nền điện ảnh Việt từng có những bộ phim 100% thuần Việt mà vẫn gây sốt và được khán giả yêu mến. Ở mảng điện ảnh có “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, một bộ phim rất giản dị, gần gũi mà vẫn thành công vang dội. Phim sử dụng chính chất liệu văn học Việt Nam là cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Hay gần đây có “Em chưa 18” với doanh thu 175 tỷ đã trở thành phim điện ảnh có doanh thu cao nhất mọi thời đại ở Việt Nam. Ở mảng truyền hình, khán giả từng thổn thức với “Bỗng dưng muốn khóc”, “Dốc tình” hay gần đây bộ phim “Phía trước là bầu trời” từng vang bóng một thời bất ngờ gây sốt trở lại sau 17 năm. Rõ ràng, nền điện ảnh của chúng ta có rất nhiều tiềm năng, chỉ là chúng ta chưa thật tâm khai thác, chưa chú trọng phát triển nó. 

Remake cách nào?

Bên cạnh đó, cũng cần phải hiểu đúng về giá trị của phim remake. Suy cho cùng, nghĩ coi phim remake chỉ là bản copy kém sáng tạo là một định kiến sai lầm, khiến những phim remake tốt phải chịu thiệt thòi. Remake không phải là một hình thức xa lạ với điện ảnh thế giới, thậm chí có những phim remake còn vượt trội hơn so với bản gốc. Có thể kể đến “The Departed”, remake từ “Vô gian đạo” của Hồng Kông. Bộ phim không những thành công vang dội mà còn chiến thắng tới bốn giải Oscar cho các hạng mục “Phim hay nhất”, “Đạo diễn xuất sắc nhất”, “Kịch bản chuyển thể hay nhất” và “Biên tập phim xuất sắc nhất”. Những bộ phim remake thành công có sự đóng góp tích cực đối với văn hóa, nghệ thuật của đất nước. Đối với một bộ phim gây sốt châu Á mà lại có tính nhân văn cao như “Hậu duệ mặt trời” thì đến Thủ tướng Thái Lan cũng khuyến khích người dân nước mình xem và sẵn sàng tài trợ nếu như đất nước ông muốn làm một bộ phim tương tự. Vì thế nếu chưa có một kịch bản tốt cỡ “Hậu duệ mặt trời” thì làm phim remake cũng là một sự lựa chọn. Tuy nhiên, Việt hóa như thế nào lại là câu chuyện dài đáng bàn khi gần đây phiên bản “Hậu duệ mặt trời” Việt Nam bị phàn nàn rất nhiều về sự cứng nhắc và thiếu chính xác khi Việt hóa, diễn viên diễn không... ngọt.  

Remake một phim nước ngoài còn có thuận lợi chính ở chỗ kịch bản đã được "thử lửa" ở các thị trường khác, đã được chỉnh sửa để có một cấu trúc tốt. Thứ yếu nhất của kịch bản Việt Nam mà những người không có chuyên môn không thấy được, chính là cấu trúc kịch bản. Việc remake các phim nước ngoài giúp cho biên kịch lẫn đạo diễn có thêm cơ hội để học thêm về cấu trúc của kịch bản, và dĩ nhiên, chỉ những ai thật sự giỏi mới có thể học và sửa được. Các phim remake bị "gãy" đa phần do người làm phim không hiểu gì về cấu trúc của kịch bản và chỉ copy hoặc cố gắng chế ra thêm (chứ không phải là sáng tạo) để không bị gọi là copy. Bởi vậy bản chất của dòng phim remake không phải mối nguy hại cho điện ảnh, vấn đề là nếu ỷ lại vào dòng phim remake thì nền điện ảnh không mấy mà thui chột mất tài năng sáng tạo, sự chăm chỉ lao động vì nghệ thuật của các nhà làm phim. Dù sao, thành công của những phim remake, dẫu lớn cũng chưa vượt xa nhiều so với những phim thuần Việt. Qua đó có thể thấy khán giả Việt vẫn dành sự ưu ái cho những gì gần gũi, đậm chất con người Việt, văn hóa Việt chứ không phải là những cái tên rầm rộ nhưng lại làm ra một bản remake chưa tới. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Chân mây” - những vẻ đẹp dung dị của cuộc sống
    Nguyễn Linh Khiếu, thời gian qua đã khẳng định là một nhà thơ đương đại khác biệt. Ở văn xuôi, với tùy văn, ông cũng đang từng bước khai mở một con đường riêng. Với ba tập tùy văn “Beijing lá phong vàng” (2018), “Hoa khởi trinh” (2024) và “Chân mây” (2024), Nguyễn Linh Khiếu đã hé lộ cảm quan nhân sinh và cả tình yêu cuộc sống.
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Công bố khẩn cấp tình trạng sạt lở đê hữu Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ
    Ngày 22/11, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6068/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê hữu Bùi, Bùi 2, Gò Khoăm, sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
  • Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 tại Hà Nội với 7 môn thi sẽ diễn ra vào tháng 1/2025
    Theo kế hoạch, kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 18/01/2025; với 7 môn thi mỗi môn có thời gian làm bài 150 phút.
Đừng bỏ lỡ
Khi phim Việt hóa kịch bản: Thắng về doanh thu, mòn về sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO