Tác giả - tác phẩm

Khai mở hướng nghiên cứu mới về địa lý hành chính ở Việt Nam

Thụy Phương 19/02/2024 10:42

Tiếp nối bộ sách Nguyễn Văn Huyên được thực hiện từ năm 2016, Nhã Nam vừa giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Địa lý hành chính và tập quán của người Việt”.

Cuốn sách được xuất bản với sự tài trợ của Quỹ đổi mới sáng tạo (VINIF) đem tới bạn đọc hai nghiên cứu quan trọng chưa từng được công bố của Nguyễn Văn Huyên. Đó là công trình “Nghiên cứu tập quán của người Việt” xuất phát từ bài diễn thuyết của Nguyễn Văn Huyên ngày 18/7/1943 và công trình “Nghiên cứu về một tổng của người Việt: tổng Dương Liễu” là bản thảo viết tay được thực hiện năm 1944, hiện do gia đình tác giả lưu giữ. Do tình thế phức tạp những năm 1944-1945, các công trình này chưa có cơ hội được in thành sách, mà mới chỉ tồn tại ở dạng bản thảo của tác giả.

sach-nguyen-van-huyen.jpg
“Địa lý hành chính và tập quán của người Việt” đã cho thấy những nghiên cứu khoa học có tính chất kinh điển về học thuật của Nguyễn Văn Huyên.

Cả hai công trình trên đều là những nghiên cứu sắc sảo, có giá trị quan trọng của Nguyễn Văn Huyên về địa lý hành chính và về phong tục, tập quán của người Việt. Điểm nhấn của cả hai công trình này là Nguyễn Văn Huyên đều điều tra, khảo sát một đơn vị hành chính mà theo ông là mang nhiều nét điển hình của làng quê Việt Nam: tổng Dương Liễu.

Nếu như công trình thứ nhất đem đến cho bạn đọc bức tranh khái quát về tập quán của người Việt dựa trên một trường hợp cụ thể, thì ở công trình thứ hai lại đưa ra những phân tích hết sức chi tiết, tỉ mỉ về tổng Dương Liễu ở các khía cạnh: cư trú (sử dụng đất đai, các điểm tụ cư, giao thông,…) và dân số (tỷ lệ sinh/ tử, gia tăng dân số, kết hôn,…).

Trong cuốn sách “Địa lý hành chính và tập quán của người Việt”, bên cạnh đơn vị làng/xã vốn đã được bản thân Nguyễn Văn Huyên điều tra, khảo tả rất kỹ lưỡng trong các công trình trước đây, lần này tác giả nhìn nhận địa lý hành chính ở một tầng bậc cao hơn qua hai đơn vị tỉnh và tổng. Đây cũng chính là hai đơn vị hành chính riêng khác với nhiều nét đặc thù của Việt Nam truyền thống, ở đó thể hiện rất rõ sự phân tầng và quản trị của chính quyền phong kiến trung ương, cũng đồng thời bộc lộ một cách sinh động nhất đời sống của người dân quê vùng đồng bằng Bắc bộ.

Cũng trong hai công trình này, bạn đọc có thể nhận thấy phương pháp làm việc đặc biệt nghiêm cẩn và khoa học của Nguyễn Văn Huyên qua việc đi thực địa và vẽ lại sơ đồ các tổng/làng/xã, việc lập bảng số liệu để đối chiếu, so sánh. Riêng về sơ đồ tổng Dương Liễu, Nguyễn Văn Huyên, dù mới chỉ dừng ở bản vẽ tay chưa hoàn thiện, đã lập trên 20 sơ đồ khác nhau, ở cả cấp độ bao quát lẫn chi tiết, ở nhiều phạm vi, khu vực khác nhau. Hoặc khi khảo sát về vấn đề dân số ở tổng Dương Liễu, Nguyễn Văn Huyên cũng lập hàng chục bảng số liệu ở các thời điểm, giai đoạn hoặc nội dung khác nhau.

Vì thế, các kết quả nghiên cứu địa lý hành chính của ông đã vượt xa các ghi chép địa chí trước kia đồng thời đặt nền tảng cho các tri thức khoa học về Việt Nam truyền thống. Đây cũng chính là cơ sở cho phép ông đi sâu hơn, hiểu một cách cặn kẽ cũng như rộng rãi hơn những phong tục, tập quán trong đời sống của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Có thể nói, “Địa lý hành chính và tập quán của người Việt” đã cho thấy những nghiên cứu khoa học có tính chất kinh điển về học thuật của Nguyễn Văn Huyên. Bên cạnh những công trình đã được giới học thuật thừa nhận từ lâu, sự trở lại và xuất bản của các nghiên cứu chưa được công bố của ông cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc gợi mở những tham khảo cho hậu thế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành cải cách hành chính và thực hiện công cuộc chấn hưng văn hóa./.

Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) sinh tại Hà Nội, nguyên quán xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội là một trong những học giả lớn hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ XX.

Năm 1923, Nguyễn Văn Huyên sang Pháp du học. Ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Văn khoa tại Đại học Sorbonne, Paris năm 1934. Trở về nước (năm 1935), ông dạy học tại Trường Bưởi, sau đó chuyển sang nghiên cứu tại Trường Viễn Đông Bác cổ.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông giữ chức Tổng giám đốc Vụ Đại học thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục, kiêm Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ. Tháng 11/1946, Nguyễn Văn Huyên giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các công trình của ông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc định hình nên vốn hiểu biết căn bản về dân tộc và xã hội Việt Nam với những ảnh hưởng sâu rộng đến tận ngày nay.

Bài liên quan
  • Ra mắt cuốn sách "Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế"
    Nhân kỷ niệm 1884 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, hướng tới chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, NXB Chính trị quốc gia Sự thật đã giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách "Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế".
(0) Bình luận
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt tại Trung Quốc
    Trong khuôn khổ của Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 được tổ chức tại Thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) đã tổ chức lễ ra mắt sách “Vắt qua những ngàn mây” và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” ấn bản tiếng Trung vào chiều 16/11. Đây là lần đầu tiên sách Văn hóa Việt được dịch ra tiếng Trung và được xuất bản chính thức tại Trung Quốc. Sự kiện do Công ty Cổ phần Văn hóa Chi và NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây đồng tổ chức.
  • Họa sĩ Xu Man trở thành nguyên mẫu trong tác phẩm của nhà văn Trung Trung Đỉnh
    Lấy cảm hứng từ cuộc đời thực của họa sĩ người Bahnar Xu Man, trên phông nền là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc, nhà văn Trung Trung Đỉnh đã viết tác phẩm “Con thiêng của rừng”. Sách thuộc tủ sách Văn học thiếu nhi của NXB Trẻ, hướng đến bạn đọc từ 12 tuổi trở lên, nhưng đây cũng là một tác phẩm thú vị đối với người lớn.
  • Ra mắt cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
    Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Cuốn sách do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc chỉ đạo biên soạn.
  • “Vang danh nghề cổ” - series tranh truyện độc đáo về làng nghề thủ công Việt Nam
    NXB Kim Đồng vừa ra mắt bộ sách “Vang danh nghề cổ” - series tranh truyện độc đáo giới thiệu về các làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam dành cho bạn đọc nhỏ tuổi.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Khai mở hướng nghiên cứu mới về địa lý hành chính ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO