Tham dự sự kiện có các đồng chí: Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tá Mạc Đức Trọng, Cục phó Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cùng đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế, các bảo tàng, di tích trên địa bàn Hà Nội.
Ngày 27/1/1973, nhân dân hai miền Nam Bắc đón chào một sự kiện trọng đại sau gần 20 năm chờ đợi: Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Đây được xem là bước ngoặt lịch sử, một thắng lợi có ý nghĩa to lớn cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nửa thế kỷ đã trôi qua, sự kiện ký kết Hiệp định Paris vẫn được xem là thắng lợi của khát vọng hòa bình, của ý chí, tinh thần Việt Nam cùng sự đồng hành của nhân dân yêu chuộng hòa bình khắp năm châu.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Khát vọng về một nền hòa bình luôn là muốn mong của mọi người dân trên thế giới ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ thời điểm nào. Với một đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến trong lịch sử để bảo vệ nền độc lập, mỗi người Việt Nam hiểu sâu sắc ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng hòa bình. Khát vọng hòa bình đã trở thành lẽ sống của dân tộc Việt Nam, được bao thế hệ người Việt Nam, trong đó có lớp lớp phụ nữ Việt Nam, nối tiếp nhau không tiếc công sức và xương máu để vun đắp và gìn giữ”.
Ở Việt Nam, tên tuổi của những người phụ nữ đấu tranh cho nền hoà bình, độc lập của dân tộc đã đi vào huyền thoại: đó là nữ tướng Nguyễn Thị Định, người lãnh đạo và chỉ huy đội quân tóc dài lập nhiều kỳ tích trong phong trào Đồng Khởi năm xưa; bà Nguyễn Thị Bình nhà ngoại giao sắc sảo mà kiên định trên bàn đàm phán đã vinh dự được ký tên vào Hiệp định Paris.
Và cũng có rất nhiều những người phụ nữ Việt Nam khác, họ là dân công, liên lạc, chiến sỹ biệt động, những nữ thanh niên xung phong tuổi đời mới đôi mươi hăng hái lên đường ra trận “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, những chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất trước đòn roi của kẻ thù, luôn sẵn một tinh thần "Ngày chiến thắng chưa chắc đã có mình, trên con đường đi đến chiến thắng mình có thể hy sinh" để ngày hôm nay chúng ta được sống trong hoà bình, để tập trung xây dựng và phát triển đất nước.
Thay mặt cho lãnh đạo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh Hương bày tỏ sự đánh giá cao sáng kiến hợp tác và nỗ lực của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và Ban Di sản Ký ức để tổ chức thành công triển lãm đầy ý nghĩa này. Ký ức mang tầm vóc dân tộc được tái hiện qua những hình ảnh, tư liệu và câu chuyện từ các vị khách mời đặc biệt sẽ là hành trang, bài học quý giá và là nguồn cổ vũ động viên tinh thần to lớn để chúng ta cùng chung tay xây dựng cuộc sống hạnh phúc, phồn vinh trong thời đại mới.
“Sự kiện “Khát vọng Hòa bình” được tổ chức như một hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho Việt Nam. Vào thời điểm hiện nay, khi thế giới đang đứng trước những thách thức lớn về an ninh, cả truyền thống và phi truyền thống, đe dọa đẩy lùi những thành quả của phát triển, hơn lúc nào hết, hòa bình và an ninh càng cần được xây dựng và củng cố. Từ câu chuyện về hòa bình, tôi tin tưởng rằng mỗi chúng ta sẽ có những suy nghĩ và hành động thiết thực để đoàn kết đấu tranh và vun đắp vì một nền hòa bình chung cho mọi quốc gia, dân tộc đặc biệt là phụ nữ, trẻ em trên toàn thế giới", Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh.
Triển lãm “Khát vọng Hòa bình” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện bao gồm 2 chủ đề trưng bày: Đường tới hòa bình, Hiệp định Paris - Chiến thắng của khát vọng hòa bình. Triển lãm dẫn dắt người xem đến những câu chuyện về ý chí, sự kiên cường và anh dũng, bản lĩnh và trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam trên mọi mặt trận từ chính trị, quân sự, ngoại giao nhân dân... Đỉnh cao là việc ký kết Hiệp định Paris với vai trò đặc biệt của bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết, có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân Việt Nam, tạo mọi tiền đề để Việt Nam kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Thông qua những hình ảnh, tư liệu về các hoạt động đấu tranh vì hòa bình của nhân dân Việt Nam cùng sự đồng hành, ủng hộ của bạn bè quốc tế, thông qua nhiều câu chuyện lịch sử và những hành trình tiếp nối thực hiện sứ mệnh hòa bình của phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, triển lãm thể hiện khao khát hòa bình cho đất nước, cho dân tộc.
Từ bài học lịch sử về một Việt Nam anh dũng với những người phụ nữ bản lĩnh và đầy trí tuệ, triển lãm ngợi ca giá trị của hòa bình và truyền đi thông điệp: Hãy cùng chung tay vun đắp, dựng xây vì một nền hòa bình cho nhân loại.
Theo Thời báo Văn học Nghệ thuật.