Ghi nhận khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam

Theo Tin Tức| 16/07/2019 01:38

Cách đây 20 năm, ngày 16/7/1999, tại thành phố La Paz, thủ đô Bolivia, Hà Nội vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu nổi bật của Thủ đô Hà Nội trong quá trình đổi mới, cũng như khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.

Hà Nội – cởi mở, ấm áp, thân thiện

“Khi bạn đi quanh thành phố và tương tác với người dân sinh sống tại Hà Nội, bạn có thể cảm nhận rất rõ sự cởi mở, ấm áp và thân thiện. Sự thân thiện là nền tảng vững chắc cho hòa bình. Hà Nội đã khác rất nhiều so với 20 năm về trước, thành phố trở thành thành phố hiện đại hơn, trẻ trung hơn, một thành phố không chỉ quan tâm riêng đến vấn đề đối nội mà còn hướng ra khu vực và thế giới. Việc Hà Nội được chọn để diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 là ví dụ. Khi nhìn vào toàn cảnh Việt Nam ngày hôm nay, chúng ta sẽ thấy lợi ích của hòa bình đem lại”, ông Michael Croft, trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội chia sẻ.

Ghi nhận khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam
Du khách quốc tế thăm quan khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: XC

“Trong tầm nhìn của Hà Nội, chúng ta thấy được hình ảnh phản chiếu của đất nước Việt Nam trong thế kỷ mới - một Việt Nam hiện đại, trẻ trung, tự tin, chịu trách nhiệm đang được xây dựng trên một di sản hòa bình”, ông Michael Croft nói.

Còn Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi thì cho biết: “Hà Nội đang phát triển liên tục, nhanh chóng. So với 20 năm trước, Hà Nội đã mở rộng diện tích đất cũng như số lượng cư dân, kết hợp thành công sự đa dạng văn hóa, phát triển kinh tế mạnh mẽ và đảm bảo an sinh xã hội, như một phần bản sắc của mình. Tôi rất thích đi dạo tại khu vực phố đi bộ tại hồ Hoàn Kiếm. Những ngày cuối tuần, đây là điểm đến không chỉ cho người dân Hà Nội mà cả khách du lịch tới tận hưởng cuộc sống thanh bình và nền văn hóa giàu bản sắc. Hà Nội rất quyến rũ và để lại ấn tượng với du khách".

“Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh phát triển giữa các thành phố trong khu vực, Hà Nội vẫn gặp những vấn đề về dân số, giao thông và quy hoạch đô thị. Do đó, các kết quả trong thời gian qua phải được củng cố, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, an sinh xã hội và nâng cao mức sống, chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế của khoa học, công nghệ và truyền thống văn hóa. Tôi tin Hà Nội sẽ phát triển nhanh chóng, bền vững trong tương lai”, Đại sứ Ibnu Hadi nhận định.

Đúng như lời đại sứ Indonesia Ibnu Hadi nhận định về Hà Nội, nơi đây đang trở thành điểm đến của du khách khi đến Việt Nam. Năm 1999, Hà Nội mới chỉ có 336 cơ sở lưu trú và đón 380.000 lượt khách quốc tế. Cuối năm 2018, Hà Nội đã đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16 lần so với năm 1999). Hệ thống hạ tầng du lịch cũng được cải thiện với gần 3.5000 cơ sở lưu trú (tăng gấp 10 lần), trong đó có 74 khách sạn 3-5 sao. Khách nội địa cũng tăng từ hơn 1 triệu lượt vào năm 1999 lên gần 20,2 triệu lượt vào cuối năm 2018. Du lịch đóng vai trò ngành kinh tế tổng hợp, lan tỏa tới các ngành, lĩnh vực khác. Hình ảnh Thủ đô Hà Nội là một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới và được tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới đề cử là 1 trong 17 ứng viên vào hạng mục bình chọn giải thưởng “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới 2018”.

Phát huy giá trị danh hiệu

Trải qua hơn 1.000 năm hình thành và phát triển, Hà Nội đã khẳng định vị trí là trung tâm của cả nước về chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và kinh tế. Với truyền thống nghìn năm văn hiến, sự phát triển của Hà Nội trên thực tế đã dựa trên các nền tảng hòa bình, các truyền thống, giá trị văn hóa, chất lượng giáo dục, sự năng động sáng tạo, trở thành trung tâm kết nối mang tầm vóc toàn cầu.

Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội nhận định: "Nhìn lại chặng đường 20 năm, Hà Nội không chỉ tự hào, vinh dự với danh hiệu đã nhận mà còn xem đây là động lực để tiếp tục phát triển và cống hiến. Nhiều sự kiện đã diễn ra là minh chứng cho Hà Nội đã và đang nỗ lực phát huy giá trị “Thành phố Vì hòa bình”. Từ cuối năm 1999, ngay khi đón nhận danh hiệu và hướng tới kỷ niệm 990 năm Thăng Long, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án về văn hóa, giáo dục, truyền thống và bảo vệ môi trường, cảnh quan. Trong đó phải kể đến dự án quan trọng là chỉnh trang trùng tu khu tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, công trình mang ý nghĩa tôn vinh văn hóa dân tộc, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt Nam. Đến tháng 10/2000, Nhà Thái học đã được xây dựng xong để tổ chức các hoạt động văn hóa, khoa học của thành phố. Các năm tiếp theo, các hạng mục công trình đã được cải tạo, chỉnh trang như nhà bia, hồ Giám. Tháng 3/2010, Hà Nội đã vinh dự được UNESCO công nhận 82 bia tiến sĩ là Di sản tư liệu thế giới. Khuê Văn Các được chọn là biểu tượng của Hà Nội và Văn Miếu – Quốc Tử Giám là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến Hà Nội.

Hà Nội cũng mở rộng không gian công cộng. Năm 2000, thành phố đã lựa chọn vị trí tiếp cận đường vành đai 3 để xây dựng công viên Hòa Binh với quy mô gần 18ha. Công viên được xây dựng với nhiều hồ nước và tượng đài biểu tượng thành phố vì hòa bình làm trung tâm, xung quanh là cây xanh tượng trung cho 5 châu lục. “Hai mươi năm qua, kết quả về phát triển giáo dục, bảo vệ môi trường, xây dựng hạ tầng kỹ thuật là những minh chứng cho thấy Hà Nội luôn phát huy được danh hiệu -Thành phố Vì hòa bình”, tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm nhận định.

Ông Mai Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao) cho biết: Hà Nội được UNESCO vinh danh và trao giải thưởng thành phố vì hòa bình tại thành phố La Paz (Bolivia) vào năm 1999. Đây là sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng của Hà Nội vào việc xây dựng một nền văn hóa hòa bình thông qua những nỗ lực đổi mới, cách tiếp cận nhân văn trong giải quyết các vấn đề đô thị hóa, vấn đề xã hội cũng như cải thiện giá trị cuộc sống.

Cùng với đó, Hà Nội trở thành trung tâm kết nối mang tầm vóc toàn cầu. Hà Nội đã là nơi diễn ra nhiều sự kiện quốc nổi bật như: Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ (1997), các hội nghị cấp cao ASEAN, APEC, ASEM, Năm quốc tế về văn hóa vì hòa binh khu vực châu Á – Thái Bình Dương (2000)… và gần đây là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 thu hút sự chú ý của truyền thông và người dân thế giới. “Việc Hà Nội được chọn là địa điểm tổ chức hội nghị thượng định Mỹ - Triều lần 2 được một số nhà nghiên cứu thế giới cho rằng “di sản của chiến tranh là nguồn cả hứng của hòa bình”, lựa chọn Việt Nam không phải là ngẫu nhiên mà có sự cân nhắc kỹ lưỡng, thể hiện sự tin tưởng vào vai trò quốc tế cũng như khả năng tổ chức tốt hội nghị của Hà Nội, của Việt Nam. Đây có thể coi là kết quả cụ thể của đường lối đối ngoại của Đảng, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, là minh chứng cho tính chủ động và quyết tâm của Việt Nam trong đóng góp vào hòa bình, ổn định khu vực và thế giới, nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam”, ông Mai Phan Dũng cho biết.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội Nguyễn Lan Hương đánh giá: Sau khi nhận danh hiệu thành phố vì hòa bình, Hà Nội đã nỗ lực trong việc duy trì các tiêu chí theo yêu cầu của UNESCO gồm: Bình đẳng trong cộng đồng; quản lý phát triển đô thị bền vững; bảo vệ môi trường sống; thúc đẩy phát triển văn hóa giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ. Danh hiệu thành phố vì hòa bình tạo nên động lực để Hà Nội phát triển và cống hiến như phát huy các giá trị của di sản, xây dựng các biểu tượng của thành phố. Rõ nhất là lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đã tăng gấp 16 lần so với năm 1999. Hà Nội đã trở thành điểm đến an toàn thân thiện, được lựa chọn là nơi tổ chức các hội nghị quốc tế mà gần đây.

“Do đó, Hà Nội cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng và khơi dậy trong mọi tầng lớp nhân dân về tình yêu và khát vọng hòa bình, vươn lên phát huy giá trị của danh hiệu cao quý “Thành phố Vì hòa bình” để mãi xứng tầm, tiêu biểu cho cả khu vực và thế giới”, bà Nguyễn Lan Hương nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Quận Thanh Xuân: Kiên quyết nói “Không” giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông
    Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) Lê Hồng Thắng vừa cho biết, UBND quận mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trên địa bàn quận.
  • Khởi tranh Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup 2024
    Ngày 21/11, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi Họp báo và Công bố Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup lần thứ 8 năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Ghi nhận khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO