Quân đội Philippines cho biết, trùm khủng bố Hapilon - vốn bị Mỹ liệt vào danh sách “những kẻ khủng bố đang bị truy nã gắt gao nhất”- cùng với Omarkhayam Maute - kẻ thông đồng với Hapilon nhằm âm mưu chiếm thành phố Marawi - đều đã bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công dứt điểm.
Các tay súng IS đã xâm chiếm Marawi - TP miền Nam có đa số dân theo Hồi giáo tại một nước mà phần lớn dân số lại là người Thiên chúa giáo này- vào tháng 5-2017. Các lực lượng an ninh Philippines sau đó đã rất nỗ lực để bắt Hapilon. Tên này vốn là một nhân vật chủ chốt trong tổ chức Hồi giáo cực đoan tàn bạo ở Philippines khét tiếng với việc bắt cóc đòi tiền chuộc và nổi lên như một nhà lãnh đạo của IS tại Đông Nam Á vào năm 2016 sau khi xuất hiện một video quay cảnh các tay súng của tổ chức này kêu gọi các phần tử cực đoan hợp nhất dưới sự lãnh đạo của hắn ta.
Còn Omarkhayam Maute là lãnh đạo của nhóm phiến quân Hồi giáo Maute, xuất hiện từ cuộc nổi dậy đòi ly khai của người Hồi giáo kéo dài hàng thập kỷ ở đảo Mindanao thuộc miền Nam Philippines. Nhóm phiến quân của hắn cũng cam kết trung thành với IS và cùng hợp tác với lực lượng của Hapilon để chiếm Marawi.
Hapilon và Maute là hai tên trùm sỏ cực đoan cuối cùng kiên trì chiến đấu chống lại cuộc tấn công quân sự của quân Chính phủ Philippines nhằm tống cổ các tay súng IS ra khỏi Marawi. Tháng trước, Abdullah Maute- một lãnh đạo khác của nhóm Maute và cũng là anh trai của Omarkhayam - đã bị tiêu diệt.
Hapilon là “chìa khóa” cho nỗ lực thiết lập một căn cứ của IS ở Đông Nam Á bởi những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan đang mất dần "đất" ở Trung Đông. Các nhà phân tích cho rằng thông tin Hapilon bị tiêu diệt chắc chắn là một đòn chí mạng đối với những tay súng khủng bố của tổ chức này.
Kumar Ramakrishna, một chuyên gia về khủng bố thuộc trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, cho rằng cái chết của Hapilon chính là "một cú đánh” đầy hiệu quả và mang tính biểu tượng đối với các tổ chức khủng bố có liên kết với IS ở Mindanao cũng như đến “cơ quan đầu não” của IS ở Syria.” Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng còn lâu mới có thể xóa sổ IS khỏi miền Nam Philippines hay Đông Nam Á. Ông giải thích: “Cuộc vây hãm của IS ở Marawi sắp chấm dứt không có nghĩa là mối đe dọa từ IS sẽ kết thúc. Các tay súng có liên quan đến IS sẽ tập hợp lại… rồi 'án binh bất động' một thời gian, đó sẽ là lúc chúng củng cố sức mạnh.”
Ông Ramakrishna cho biết một tay súng người Malaysia là Mahmud Ahmad cũng đã tham gia vào cuộc vây hãm ở Marawi, và nếu hắn còn sống, nhiều khả năng hắn sẽ đứng lên lãnh đạo các tay súng IS ở miền Nam Philippines và giữ liên lạc với các tay súng ở Trung Đông. Theo một số nguồn tin, Mahmud Ahmad được cho là một giảng viên đại học tại Malaysia, người đã phụ trách việc huy động tài chính từ nước ngoài cho các tay súng và tuyển dụng các chiến binh mới.
Không rõ là có bao nhiêu tay súng IS ở khu vực Đông Nam Á với hơn 600 triệu dân này, tuy nhiên, rất nhiều thành phần khủng bố tại đây đã cam kết trung thành với IS. Hàng trăm chiến binh được cho là đã lũ lượt kéo đến Trung Đông để gia nhập IS, đặc biệt là từ Indonesia - quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, và Philippines. Sidney Jones, người đứng đầu tổ chức cố vấn an ninh thuộc Viện Phân tích Chính sách về Xung đột tại Jakarta, đã cảnh báo rằng hiện các nhà chức trách đang phải đối mặt với mối rủi ro ngày càng tăng khi các tay súng dày dặn kinh nghiệm trở về Đông Nam Á trong bối cảnh chúng bị đánh tan tác ở Trung Đông, với thành trì Raqa của IS ở Syria sắp bị phá hủy.
Trùm khủng bố Isnilon Hapilon và những kẻ ủng hộ hắn. ẢNH TƯ LIỆU |
Hiểm họa IS
Trong thời gian qua, những tay súng thánh chiến từng tuyên bố ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria đã tìm thấy một mặt trận gần hơn để giương cao ngọn cờ cực đoan: miền Nam Philippines. Thực tế này ngày càng khiến Washington lo ngại.
Cuộc tấn công của các tay súng thánh chiến tại TP Marawi đến nay đã khiến hơn 300 người thiệt mạng, càng phô bày sự yếu kém của các lực lượng an ninh địa phương và sự bành trướng của các nhóm cực đoan trong khắp khu vực, nơi bóng ma của chủ nghĩa khủng bố đang trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết.
Hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu trước Quốc hội rằng chiến dịch quân sự của Mỹ nhằm giúp các lực lượng Philippines kiềm chế các tay súng cực đoan đã bị hủy bỏ một cách vội vã từ ba năm trước, và hiện chỉ có một lực lượng đặc biệt quy mô nhỏ từ 50-100 người duy trì sự hiện diện tại đây với vai trò “cố vấn và hỗ trợ.” Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, Mỹ đang hỗ trợ Chính quyền Philippines giành lại Marawi, một thành phố không giáp biển với dân số khoảng 200.000 người, bằng việc triển khai máy bay P3 Orion tuần tra trên không. Washington cũng đã chuyển cho các lực lượng vũ trang của Philippines hơn 600 khẩu súng từ tuần trước.
Tuy nhiên, một số nhà lập pháp, trong đó có cả những thành viên đảng Cộng hòa, muốn Mỹ đóng một vai trò lớn hơn, cụ thể là đưa bộ binh tới khu vực này. Họ lo ngại nơi đây có thể trở thành bàn đạp cho các tay súng Hồi giáo cực đoan tại Đông Nam Á và hơn thế nữa. Các quan chức tình báo và chống khủng bố tại Mỹ nhấn mạnh tới thực tế là IS đã công khai chấp nhận những cam kết và tuyên bố trung thành của nhiều nhóm phiến quân ở Philippines. Trong một đoạn băng ghi hình hồi tháng 6/2016, tổ chức cực đoan này đã kêu gọi những kẻ ủng hộ tại Đông Nam Á tới Philippines nếu không thể tới được Syria. Quân đội Philippines cho biết khoảng 40 người nước ngoài, chủ yếu từ các nước láng giềng Indonesia và Malaysia, nằm trong số 500 tay súng đang tham chiến ở Marawi. Hơn 200 phiến quân đã thiệt mạng trong cuộc chiến hiện đang ở tuần thứ 4 này.
Giới chức Mỹ đang xác minh thông tin cho biết hiện có khoảng 1.000 công dân Đông Nam Á, từng tới Iraq và Syria trong những năm gần đây, đã và đang tham chiến tại TP Marawi, nơi có phần đông là người Cơ đốc giáo sinh sống. Họ lo ngại rằng các khu vực không được chính quyền quản lý, chủ yếu là nơi sinh sống của cộng đồng người Hồi giáo lân cận Marawi, có thể trở thành một điểm nóng khủng bố, tương tự những gì từng diễn ra vào những năm 1990. Khi đó, Philippines đã trở thành căn cứ để nhiều thủ lĩnh al-Qaeda như Khalid Sheikh Mohammed Ramzi Yousef, lên kế hoạch và triển khai nhiều chiến dịch khủng bố. Đây là những kẻ từng đứng đằng sau âm mưu đánh bom các máy bay dân sự tại vùng Thái Bình Dương trong những năm 1994-1995. Âm mưu này sau đó thất bại, song chúng cũng chính là những kẻ đã lên kế hoạch cho vụ tấn công kinh hoàng ngày 11-9-2001 nhằm vào nước Mỹ.
Các quốc gia khác hiện cũng rất lo ngại về tình hình tại Philippines và nguy cơ lan rộng. Singapore mới đây đã lên tiếng cảnh báo rằng IS đang tìm cách truyền bá các tư tưởng cực đoan một cách sâu rộng và mạnh mẽ “hơn hẳn” những gì mà al-Qaeda và Jemaah Islamiyah từng làm. Jemaah Islamiyah là nhóm khủng bố từng tiến hành các vụ tấn công lớn trong khu vực hồi những năm 2000. Trong khi đó, IS hiện được cho là có liên quan tới hàng loạt vụ tấn công tại Indonesia và Malaysia, cũng như âm mưu tấn công Singapore từ năm ngoái.
Hơn 500 nhân sự đặc biệt của Mỹ đã đồn trú tại khu vực Mindanao từ năm 2002-2014, làm nhiệm vụ cố vấn và huấn luyện các lực lượng Philippines chống lại nhóm khủng bố Abu Sayyaf, nổi tiếng về các vụ đánh bom và bắt cóc. Sau khi sứ mệnh này kết thúc, nhiều quan chức của cả Mỹ và Phillippines đều đã bày tỏ lo ngại rằng việc Mỹ rút quân có thể “dẫn tới sự gia tăng làn sóng tấn công khủng bố mới.” Vài tháng sau khi Mỹ rút khỏi Mindanao, Abu Sayyaf đã tuyên bố ủng hộ IS.
Chuyên gia về Đông Nam Á Zachary Abuza cho rằng Chính quyền Philippines có một phần lỗi không nhỏ trong việc để bùng phát các diễn biến bạo lực tại Marawi. Theo ông, nguyên nhân sâu xa là bởi Manila không thể hoàn thành thỏa thuận hòa bình ký từ năm 2014 với nhóm nổi dậy Hồi giáo lớn nhất ở trong nước, và điều này đã dẫn tới làn sóng bất mãn nghiêm trọng, khiến các nhóm cực đoan được IS khơi gợi cảm hứng dễ dàng chiêu mộ tân binh. Tại Đối thoại Shangri-La cách đây vài tháng, người đứng đầu Lầu Năm Góc James Mattis đã nhấn mạnh với các bộ trưởng quốc phòng khu vực rằng các nước “cần phải cùng nhau ngăn chặn mối đe dọa này.” Rõ ràng, với sự bành trướng và liên kết rộng rãi của IS, sự hợp tác của các nước khu vực nhằm ngăn chặn hiểm họa IS là vô cùng cần thiết.