Chuyển động Hà Nội

Huyện Đan Phượng quyết tâm cải thiện chỉ số cải cách hành chính

Trung Kiên 15:08 06/07/2024

UBND huyện Đan Phượng (Thành phố Hà Nội) cho biết, việc thực hiện cải cách hành chính (CCHC) trong năm qua đạt được các kết quả nổi bật, nhiều trục tiêu chí được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, một số trục tiêu chí chưa đạt kết quả như mong muốn. Chính vì thế, huyện Đan Phượng quyết tâm, nỗ lực cải thiện chỉ số CCHC năm 2024 với 7 nhiệm vụ trọng tâm.

Thời gian qua, huyện Đan Phượng đã tập trung chỉ đạo, điều hành CCHC theo tinh thần “3 rõ”: Rõ quy trình giải quyết, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc; Rõ thẩm quyền, trách nhiệm; Rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc, xử lý người đứng đầu trong thực thi công vụ đồng thời tiếp tục tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị. Cấp ủy, chính quyền huyện đồng thời ban hành các Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội.

dan-phuong.jpg
Cán bộ công chức hướng dẫn người dân làm quét mã QR code làm thủ tục hành chính tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng.

Tháng 2/2024, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức công bố chỉ số CCHC đối với các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã trong đó huyện Đan Phượng được đánh giá chỉ số đạt 93,86%, xếp thứ 21/30 quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố (tăng 2,13 %) và tăng 2 bậc so với năm 2022; tăng 4,6% và tăng 3 bậc so với năm 2021).

Kết quả CCHC cho thấy huyện Đan Phượng có nhiều trục tiêu chí được cải thiện rõ rệt: Công tác chỉ đạo điều hành được đánh giá 18,81/20 điểm đạt mức 93,55 % (xếp thứ 11/30 quận, huyện, thị xã); Công tác cải cách tổ chức bộ máy được đánh giá 7,98/8,25 điểm đạt mức 96,73 % (xếp thứ 12/30 quận, huyện, thị xã) - là một trong 4 đơn vị thuộc thành phố có điểm số tăng so với năm 2022 (tăng 3,29%); Công tác cải cách chế độ công vụ được đánh giá cao và ghi nhận mức điểm 12,49/13 điểm xếp thứ 4/30 quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, UBND huyện Đan Phượng đánh giá, một số trục tiêu chí chưa đạt kết quả tốt, đó là: Cải cách thể chế, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cải cách tài chính công. Đáng lưu ý, trục tiêu chí điều tra xã hội học đạt kết quả thấp.

Nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số CCHC năm 2024, đồng chí Nguyễn Văn Đức – Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, cho biết, đã ban hành kế hoạch thực hiện nội dung này. Trong đó, huyện Đan Phượng sẽ tập trung, nỗ lực và quyết tâm thực hiện hiệu quả 7 nhiệm vụ trọng tâm.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành, huyện Đan Phượng hợp nhất và duy trì hoạt động hiệu quả của Ban Chỉ đạo CCHC, Chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo Đề án 06 của huyện. Kế hoạch CCHC, Kế hoạch cải thiện khắc phục Chỉ số SIPAS, PARINDEX đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ nhiệm vụ, kết quả (sản phẩm) đầu ra, rõ thời gian hoàn thành; xác định rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì tham mưu và lãnh đạo UBND huyện phụ trách trong từng nội dung công việc, nhiệm vụ.

Bố trí kinh phí tập trung cho công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức qua phát hành tờ rơi, sách, tổ chức các Hội nghị, phóng sự, đối thoại. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ Thành ủy, UBND thành phố giao hoàn thành 100% đảm bảo tiến độ, chất lượng. Đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền CCHC, tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ SIPAS, PAPI đầy đủ, hiệu quả; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền.

Chủ tịch UBND huyện phụ trách trực tiếp công tác CCHC và Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND cấp xã định kỳ 6 tháng tổ chức đối thoại với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính (TTHC), giải quyết TTHC; lưu đầy đủ hồ sơ hội nghị đối thoại (biên bản, báo cáo, hình ảnh, video, văn bản chỉ đạo; văn bản chỉ đạo khắc phục các tồn tại qua đối thoại/hướng dẫn; báo cáo kết quả khắc phục các tồn tại qua đối thoại/ hướng dẫn).

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với tạo động lực cải cách trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra công vụ, kiểm tra CCHC. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Chủ tịch UBND cấp xã kiểm tra công vụ, giám sát thực hiện CCHC trong nội bộ cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn.

Về nhiệm vụ cải cách thể chế, huyện Đan Phượng tổ chức rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật, kịp thời. Tăng cường theo dõi, đôn đốc và phối hợp với các cơ quan trong việc soạn thảo, thẩm định, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền cấp huyện…

Bên cạnh đó, huyện Đan Phượng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông qua việc rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các quy định hành chính, theo yêu cầu tại Kế hoạch của UBND Thành phố, Kế hoạch công tác hàng năm. Tiếp tục triển khai rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong các cơ quan hành chính theo yêu cầu tại các Kế hoạch của UBND Thành phố về rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong các cơ quan hành chính nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

Nghiên cứu các mô hình sáng kiến trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và đề xuất tổ chức triển khai thực hiện; nghiên cứu các nội dung về tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin. Tăng cường kiểm soát hiệu quả cơ chế phối hợp liên thông giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện các thủ tục hành chính, quy định hành chính, thủ tục hành chính nội bộ…

Đối với nhiệm vụ cải cách tổ chức bộ máy, huyện Đan Phượng tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, Nghị định số 29/2023/NĐ-CP và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Hoàn thành sắp xếp, tổ chức bộ máy và cán bộ ở các xã, thị trấn thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 theo chỉ đạo của Thành phố. Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung kịp thời quy định chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc huyện theo quy định.

Về cải cách chế độ công vụ, huyện tiếp tục rà soát, đề xuất đổi mới hình thức tuyển dụng công chức, viên chức để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn và chất lượng công tác tuyển dụng. Triển khai hiệu quả Đề án, Kế hoạch của UBND huyện về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức huyện giai doạn 2022 - 2025, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nội dung về chuyển đổi số, kỹ năng số, nhất là kỹ năng giao tiếp, trả lời phản ánh kiến nghị của người dân, tổ chức trên môi trường số, không gian mạng. Thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo theo Nghị định của Chính phủ, Quy định của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch của UBND Thành phố.

Thực hiện nghiêm và chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với tăng cường quán triệt Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội, Kế hoạch của Huyện ủy, UBND huyện; tăng cường kiểm tra công vụ, kiểm tra đột xuất, tái kiểm tra; kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển những công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để công việc chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo, vi phạm đạo đức công vụ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xử lý nghiêm các vi phạm.

Trong cải cách tài chính công, huyện Đan Phượng tổ chức thực hiện các quy định về danh mục, định mức kinh tế - kỹ thuật, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước gắn với lộ trình chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ tài chính. Thực hiện hiệu quả cơ chế khoán kinh phí quản lý hành chính tại các cơ quan hành chính, cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc huyện, đảm bảo tăng tính chủ động của các cơ quan, đơn vị trong xây dựng...

kiem-tra.jpg
Đoàn khảo sát Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội kiểm tra hiện trạng hạ tầng công nghệ thông tin tại bộ phận Một cửa tại huyện Đan Phượng, tháng 5/2024.

Thực hiện đầy đủ các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trong việc sử dụng có hiệu quả tài sản công, kinh phí từ ngân sách nhà nước. Tiếp tục thực hiện hiệu quả lộ trình chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ tài chính...

Đặc biệt, huyện Đan Phượng đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Theo đó, huyện triển khai đồng bộ hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), hạ tầng dữ liệu… kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, phục vụ triển khai Chính quyền điện tử, xây dựng Chính quyền số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số theo chỉ đạo của Thành phố.

Huyện cũng sẽ ứng dụng CNTT vào đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước; giảm chi phí và thời gian xử lý công việc. Duy trì thực hiện nhiệm vụ trên hệ thống thông tin tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố theo thẩm quyền; tiếp nhận và thực hiện hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá tiến độ, chất lượng giải quyết TTHC theo triển khai của Thành phố. Tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả 4 hệ thống thông tin ứng dụng dùng chung quan trọng, cốt lõi phục vụ công tác quản lý, điều hành của UBND Thành phố đến cấp huyện, cấp xã theo thẩm quyền… ./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Huyện Đan Phượng quyết tâm cải thiện chỉ số cải cách hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO