Tin tức

Hợp tác quốc tế, đối ngoại Cảnh sát biển góp phần giữ gìn vùng biển hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển

Thiếu tướng Vũ Trung Kiên - Phó Tư lệnh Pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam 30/08/2023 15:47

Nằm trong chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, công tác hợp tác quốc tế, đối ngoại Cảnh sát biển là một trong những biện pháp công tác quan trọng giúp Cảnh sát biển Việt Nam nâng cao năng lực, xây dựng Lực lượng tinh nhuệ, hiện đại, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần giữ gìn vùng biển hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

1.-tin-2.jpg
Lãnh đạo Lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước trong khu vực thể hiện quyết tâm "Chung tay vì một vùng biển an ninh, an toàn và môi trường sạch".

Những năm qua, cuộc chạy đua vũ trang, cạnh tranh, đối đầu giữa các nước lớn, cùng với đó là xung đột quân sự kéo dài giữa Nga và Ukraina đã trở thành những mảng màu chủ đạo trong bức tranh về tình hình thế giới với những diễn biến phức tạp. Trên biển, các vùng biển có các tuyến giao thông quan trọng như: Eo biển Malacca, Vịnh Thái Lan, Biển Sulu và Biển Đông trở thành khu vực nhạy cảm để các cường quốc cạnh tranh chiến lược, gia tăng vị thế và tầm ảnh hưởng. Tranh chấp chủ quyền biển, đảo tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây căng thẳng, va chạm và xung đột giữa các nước. Bên cạnh đó, các thách thức an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống đã và đang đe dọa đến hòa bình, phát triển chung của nhân loại.

Trong bối cảnh tình hình đó, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác hợp tác quốc tế và đối ngoại Cảnh sát biển, coi đây là một trong những biện pháp công tác quan trọng giúp Cảnh sát biển Việt Nam nâng cao năng lực, xây dựng Lực lượng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần giữ gìn vùng biển hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

Từ khi được thành lập đến nay, Cảnh sát biển Việt Nam đã chủ động thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của 21 quốc gia và tổ chức quốc tế; đại diện cho Việt Nam tham gia 5 cơ chế, diễn đàn đa phương. Đặc biệt, với sự nỗ lực và hỗ trợ của các cơ quan có liên quan, Cảnh sát biển Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng khi ký kết 9 văn bản hợp tác bao gồm Bản ghi nhớ, Quy chế đường dây nóng, Nghị định thư, Ý định thư với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước: Hàn Quốc, Philippines, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Campuchia, Malaysia, Indonesia. Những văn bản hợp tác này là cơ sở pháp lý quan trọng để Cảnh sát biển Việt Nam triển khai các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của mình.

Năm 2018, Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra đời và có những quy định rõ ràng, cụ thể về công tác hợp tác quốc tế. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để Lực lượng Cảnh sát biển tích cực, chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong xu hướng hòa bình, cùng phát triển với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển khác trên thế giới. Theo đó, các nội dung hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam khá toàn diện và trọng điểm như: phòng chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền; phòng chống tội phạm ma túy, mua bán người, mua bán vũ khí trái phép, khủng bố, hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh bất hợp pháp; buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, khai thác hải sản bất hợp pháp; phòng chống ô nhiễm và phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển; kiểm soát, bảo tồn các nguồn tài nguyên biển; bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển; phòng chống, cảnh báo thiên tai; hỗ trợ nhân đạo, ứng phó thảm họa; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao trang bị, khoa học và công nghệ để tăng cường năng lực cho Cảnh sát biển Việt Nam…

2.-tin-2.jpg
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra chung với Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ.

Với nền tảng cơ sở pháp lý đã có, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại Cảnh sát biển đã được triển khai bài bản, thiết thực và đạt được nhiều thành tựu nổi bật, cụ thể:

Thứ nhất, Cảnh sát biển Việt Nam đã xây dựng và phát triển bền vững các mối quan hệ hợp tác song phương tin cậy, ổn định với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước láng giềng và trong khu vực.

Đối với Cảnh sát biển Trung Quốc, từ năm 2006 đến nay, hai Bên đã tổ chức thực hiện 19 chuyến kiểm tra liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ theo Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã ký ngày 25/12/2000, cùng 7 chuyến tuần tra liên hợp trên vùng biển lân cận đường phân định Vịnh Bắc Bộ theo thỏa thuận Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bên. Trong các chuyến tuần tra, kiểm tra liên hợp, hai Bên đều có các hoạt động giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực thi pháp luật trên biển và tổ chức luyện tập chung tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ... Hai Bên đã tổ chức cho tàu thăm nhau và hằng năm đều tổ chức cuộc họp cấp cao để đánh giá hoạt động hợp tác. Ngoài ra, Chương trình Giao lưu Sĩ quan trẻ Cảnh sát biển Việt Nam - Trung Quốc cũng là một điểm nhấn quan trọng trong hợp tác song phương giữa hai lực lượng, tạo cơ hội để sĩ quan trẻ hai Bên chia sẻ kinh nghiệm thực thi pháp luật trên biển, tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin, thắt chặt mối quan hệ. Mới đây, hai Bên vừa tổ chức thành công Chương trình Giao lưu Sĩ quan trẻ lần thứ 3 tại Việt Nam với quy mô và nội dung phong phú hơn, góp phần đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai Lực lượng.

Đối với Ủy ban Quốc gia an ninh hàng hải Campuchia, hai Bên đã trao đổi và ký kết Biên bản hợp tác từ năm 2014 và nâng cấp lên Nghị định thư về Cơ chế liên lạc đường dây nóng vào năm 2017. Theo đó, thông qua cơ chế liên lạc, hai Bên thường xuyên trao đổi tình hình an ninh, trật tự, an toàn trên vùng biển tiếp giáp hai nước; tình hình hoạt động nghề cá của ngư dân hai Bên trong vùng nước lịch sử; chia sẻ, nắm bắt thông tin liên quan đến hoạt động đánh bắt hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU); xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh trên biển. Hằng năm, trên cơ sở Nghị định thư, hai Bên luân phiên tổ chức họp song phương cấp cao và cấp Bộ Tư lệnh Vùng để tổng kết hoạt động hợp tác trong năm và thống nhất phương hướng hợp tác cho năm tiếp theo.

Đối với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước Malaysia, Indonesia, Philippines, trên cơ sở các văn bản hợp tác đã ký kết, Cảnh sát biển Việt Nam luôn chủ động duy trì và phát huy kênh liên lạc, trao đổi thông tin liên quan đến thực thi pháp luật trên biển, đặc biệt là chia sẻ thông tin về tìm kiếm, cứu nạn, khai thác IUU. Đồng thời, Cảnh sát biển Việt Nam cũng thường xuyên liên lạc, phối hợp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam hoạt động trên biển.

Đối với Trung tâm Chỉ huy hàng hải Thái Lan, mặc dù hai Bên chưa ký kết văn bản hợp tác, tuy nhiên, qua đầu mối liên lạc và qua kênh ngoại giao, hai Bên thường xuyên trao đổi thông tin liên quan đến thực thi pháp luật trên biển; trong đó, hai Bên chú trọng ưu tiên trao đổi thông tin về tìm kiếm, cứu nạn và hoạt động IUU. Hiện nay hai Bên đã đạt được sự đồng thuận về nội dung Bản ghi nhớ hợp tác và sẽ tiếp tục trao đổi để hoàn thiện các thủ tục liên quan, tiến tới chính thức ký kết trong thời gian sớm nhất.

Đặc biệt, để tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa Cảnh sát biển Việt Nam với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước trong khu vực, tháng 12/2022, Cảnh sát biển Việt Nam đã có sáng kiến và tổ chức thành công Chương trình Giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” với sự tham gia của lực lượng thực thi pháp luật 6 nước Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Philippines và Malaysia. Thành công của Chương trình đã góp phần tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tạo đồng thuận cao trong quá trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa Cảnh sát biển Việt Nam với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước trong khu vực.

Thứ hai, Cảnh sát biển Việt Nam đã thiết lập và cân bằng các mối quan hệ với Lực lượng Bảo vệ bờ biển của nhiều nước lớn trên thế giới, qua đó tiếp thu kinh nghiệm và tranh thủ các nguồn hỗ trợ về trang thiết bị, đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển.

Ngay từ ngày đầu mới thành lập, Cảnh sát biển Việt Nam đã tiếp nhận Dự án “Tăng cường năng lực quản lý và điều hành Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam” của tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế SIDA, Thụy Điển nhằm tăng cường năng lực thực thi nhiệm vụ. Các nội dung hợp tác trong khuôn khổ Dự án này bao gồm: hỗ trợ trang thiết bị cho Cảnh sát biển Việt Nam; đưa hàng chục cán bộ trung, cao cấp của Cảnh sát biển Việt Nam sang Thụy Điển học tập, nghiên cứu chuyên ngành Cảnh sát biển; tham quan cách tổ chức và hoạt động của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc; đào tạo kiến thức chuyên môn Cảnh sát biển cho gần 100 cán bộ quản lý trung cấp; đào tạo ngoại ngữ tiếng Anh cho 20 cán bộ Cảnh sát biển Việt Nam... Đây là hoạt động hợp tác quốc tế xây dựng năng lực đầu tiên của Cảnh sát biển Việt Nam, những kết quả đã đạt được rất đáng khích lệ, tạo tiền đề cho Cảnh sát biển Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế với các đối tác khác sau này.

Đối với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc, năm 2007, hai Bên ký Bản ghi nhớ hợp tác, đây là văn bản hợp tác đầu tiên mà Cảnh sát biển Việt Nam ký kết với đối tác nước ngoài. Trên tinh thần Bản ghi nhớ, hai Bên thường xuyên chia sẻ thông tin liên quan đến thực thi pháp luật trên biển và luân phiên tổ chức các hội nghị song phương; phía Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc đã cử 4 lượt chuyến tàu sang thăm Việt Nam và giao lưu, phối hợp luyện tập chung với Cảnh sát biển Việt Nam. Năm 2012, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc chuyển giao 3 tàu đã qua sử dụng cho Cảnh sát biển Việt Nam. Ngoài ra, hằng năm, Lực lượng BVBB Hàn Quốc đều mời cán bộ Cảnh sát biển Việt Nam tham dự các khóa tập huấn nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển và dự Triển lãm hàng hải quốc tế tổ chức tại Hàn Quốc.

Đối với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ, năm 2013, hai Bên đã ký Biên bản hợp tác chung. Phía Mỹ đã tài trợ cho Cảnh sát biển Việt Nam một số trang bị, tàu, xuồng, cơ sở hạ tầng, cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa, nâng hạ tàu, trung tâm huấn luyện, đào tạo tại các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển. Ngoài ra, phía Mỹ còn tài trợ cho Cảnh sát biển Việt Nam các chỉ tiêu tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế, các khóa đào tạo ngoại ngữ, huấn luyện chuyên ngành...

Đối với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản, kể từ khi hai Bên ký Bản ghi nhớ hợp tác tháng 9/2015, Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã luân phiên tổ chức 9 hội nghị song phương; phía Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã cử 8 lượt chuyến tàu sang thăm Việt Nam và giao lưu, phối hợp luyện tập chung với Cảnh sát biển Việt Nam. Cảnh sát biển Việt Nam đã cử 1 lượt chuyến tàu sang thăm Nhật Bản. Hai Bên đã tổ chức các chương trình tập huấn, học tập, chia sẻ kinh nghiệm tại cả Nhật Bản và Việt Nam. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), trong những năm qua đã có các dự án/phi dự án hỗ trợ cho Cảnh sát biển Việt Nam với các trang thiết bị cũng như các khóa học tập, đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, nghiệp vụ... Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản cũng đã thông qua dự án vốn vay ODA cho Việt Nam để đóng tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam.

Đối với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ, hai Bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác phòng chống tội phạm trên biển vào năm 2015 và luân phiên tổ chức các cuộc họp song phương. Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ đã cử 4 lượt chuyến tàu sang thăm Việt Nam và giao lưu, phối hợp luyện tập chung với Cảnh sát biển Việt Nam. Năm 2018, lần đầu tiên Cảnh sát biển Việt Nam đưa tàu sang thăm Ấn Độ. Hằng năm, nhận lời mời của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ, Cảnh sát biển Việt Nam cử nhiều cán bộ tham dự các chương trình hội nghị, hội thảo, đào tạo, huấn luyện liên quan đến thực thi pháp luật trên biển tại Ấn Độ. Hiện tại, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua dự án vốn vay ODA cho Việt Nam để đóng tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam.

Ngoài ra, với Anh và Australia, Cảnh sát biển Việt Nam đều tăng cường hợp tác nâng cao năng lực bằng việc cử cán bộ tham dự các khóa đào tạo tiếng Anh, tập huấn chuyên ngành tại Anh, Australia và đồng phối hợp tổ chức các khóa tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Cảnh sát biển Việt Nam tại Việt Nam.

Thứ ba, Cảnh sát biển Việt Nam đã có nhiều sáng kiến mang tính định hướng trong quan hệ hợp tác song phương và đa phương, khẳng định được vị thế trong các cơ chế, diễn đàn đa phương về thực thi pháp luật trên biển, được các đối tác đánh giá cao.

Trong hợp tác đa phương, Cảnh sát biển Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong 5 cơ chế, diễn đàn đa phương, gồm: Trung tâm Chia sẻ thông tin chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á; Hội nghị Những người đứng đầu lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước châu Á; Hội nghị thượng đỉnh Cảnh sát biển toàn cầu; Diễn đàn Thực thi pháp luật trên biển các quốc gia Vịnh Thái Lan; Đối thoại Thực thi pháp luật trên biển. Nổi bật là Cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Những người đứng đầu lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước châu Á lần thứ 17 vào tháng 12/2021 với sự tham gia của lực lượng thực thi pháp luật trên biển 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc tham gia tích cực, có trách nhiệm vào 5 cơ chế, diễn đàn đa phương một mặt góp phần nâng cao vị thế của Cảnh sát biển Việt Nam, mặt khác đã mở ra nhiều cơ hội cho cán bộ Cảnh sát biển Việt Nam tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo quốc tế nhằm giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn.

Có thể nói, trong 25 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, công tác hội nhập quốc tế, đối ngoại Cảnh sát biển đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các diễn đàn cả song phương và đa phương với nhiều cơ chế hợp tác khác nhau, qua đó góp phần quan trọng trong nâng cao năng lực cho Cảnh sát biển Việt Nam, đồng thời giúp tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, củng cố lòng tin chiến lược, chung tay với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước trong khu vực và trên thế giới xây dựng các vùng biển an ninh, an toàn, hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển.

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ đối ngoại, hợp tác quốc tế, Cảnh sát biển Việt Nam luôn thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển về công tác hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng; từng bước khẳng định được vị thế, trách nhiệm, uy tín của Cảnh sát biển Việt Nam đối với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước trong khu vực; xây dựng được mối quan hệ hợp tác tích cực, thực chất với các đối tác song phương và đa phương, trong đó, chú trọng việc phát triển cân bằng mối quan hệ với các nước lớn trong lĩnh vực Cảnh sát biển, nhằm tránh bị hiểu lầm về việc có xu hướng “chọn bên” trong phát triển các mối quan hệ hợp tác.

Thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi trong triển khai công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế Cảnh sát biển trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp mà Cảnh sát biển Việt Nam đã xây dựng với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước thời gian qua, Cảnh sát biển Việt Nam cũng sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh, tình hình thế giới liên tục biến động khó lường. Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và sự chủ động, trách nhiệm, đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao, tin tưởng rằng toàn Lực lượng sẽ thực hiện tốt hơn nữa công tác hợp tác quốc tế, đối ngoại Cảnh sát biển, từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác về nâng cao năng lực, góp phần xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Bài liên quan
  • Tàu cảnh sát biển Việt Nam lần đầu tiên cập cảng Ấn Độ
    Sáng 2-10, tàu cảnh sát biển 8001-Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 do Thượng tá Nguyễn Minh Khánh, Phó Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 làm trưởng đoàn, đã cập cảng Chennai-Ấn Độ an toàn, bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ theo lời mời của Chuẩn Đô đốc Paramesh, Tư lệnh Vùng phía Đông Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Xa - gần & tình yêu
    Reng. Reng. Reng. Là tiếng chuông điện thoại chứ không phải báo thức. Thơ giật mình, một lo lắng vơ vẩn cồn lên. Từ ngày ba mất, cô vốn sợ những tiếng chuông điện thoại vào những giờ bất thường, sáng sớm hoặc là tối khuya. Nhìn thấy số của Yên, Thơ hơi bất ngờ. Chưa bao giờ cô ấy gọi cho cô vào giờ này...
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • Lịch nghỉ học kỳ I và nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh
    Bộ GD&ĐT đã công bố lịch nghỉ Tết dương lịch năm 2025 và lịch nghỉ học kỳ một của học sinh cả nước.
  • Cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
    Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài nói gần đây đã nhấn mạnh đây là thời điểm Việt Nam “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới. Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác quốc tế, đối ngoại Cảnh sát biển góp phần giữ gìn vùng biển hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO