Mỹ thuật

Hơn 200 tác phẩm của cố hoạ sỹ Lê Lam được giới thiệu tại Triển lãm “Mùa Xuân bất diệt”

Việt Thương 07:46 16/03/2025

Chiều tối 14/3, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) diễn ra khai mạc triển lãm "Mùa Xuân bất diệt", giới thiệu tới công chúng hơn 200 tác phẩm đa dạng về thể loại và chất liệu của cố họa sĩ Lê Lam.

214745-483828193_1234911865303198_7890167190379246496_n.jpg
Đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật

Họa sĩ Lê Lam là một trong những đại diện tiêu biểu của nền mỹ thuật hiện thực cách mạng Việt Nam, ghi dấu ấn sâu đậm qua những bức ký họa sống động và chân thực về chiến tranh. Cả cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với phong trào cách mạng, từ những năm tháng kháng chiến cho đến khi đất nước thống nhất.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Lê Lam luôn giữ vững quan điểm rằng nghệ thuật hiện thực không chỉ đơn giản là tái hiện hình ảnh mà còn phải phản ánh tinh thần và bản sắc dân tộc.

Họa sĩ Lê Lam sở hữu khối lượng tác phẩm lớn nhờ phong cách làm việc cần mẫn, khả năng ký họa nhanh và tinh thần luôn sẵn sàng dấn thân vào thực địa trong suốt những năm tháng kháng chiến. Ông đã để lại hàng ngàn bức ký họa chiến trường, tranh cổ động và tranh khắc gỗ phục vụ cho công cuộc tuyên truyền cách mạng.

mm.jpg
Khách tham quan triển lãm. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật

Chia sẻ về họa sỹ Lê Lam, nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Như Hương nhấn mạnh, trong suốt sự nghiệp của mình, họa sỹ Lê Lam luôn giữ vững quan điểm rằng nghệ thuật hiện thực không chỉ đơn giản là tái hiện hình ảnh, mà còn phải phản ánh tinh thần và bản sắc dân tộc.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Như Hương, những đóng góp nổi bật của họa sỹ Lê Lam không chỉ nằm ở số lượng tác phẩm đồ sộ, mà còn ở giá trị tinh thần và lịch sử mà chúng mang lại.

Ông sở hữu khối lượng tác phẩm lớn nhờ phong cách làm việc cần mẫn, khả năng ký họa nhanh và tinh thần luôn sẵn sàng dấn thân vào thực địa trong suốt những năm tháng kháng chiến. Ông đã để lại hàng nghìn bức ký họa chiến trường, tranh cổ động và tranh khắc gỗ phục vụ cho công cuộc tuyên truyền cách mạng.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Như Hương cho rằng, di sản mà họa sỹ Lê Lam để lại không chỉ là những bức tranh, mà còn là biểu tượng của tinh thần yêu nước và khát vọng tự do. Nghệ thuật của ông là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, là lời nhắc nhở về những hy sinh to lớn của thế hệ cha ông.

146286593b-622a-4f35-994b-ae67a34247a8.jpeg
Một tác phẩm của họa sĩ Lê Lam.

Họa sĩ Lê Huy Tiếp, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: “Những kỹ thuật, chất liệu độc đáo cùng lòng yêu nước sâu sắc trong tranh của họa sĩ Lê Lam đã truyền cảm hứng cho nhiều họa sĩ trẻ Việt Nam. Ký họa chiến trường của ông gắn liền với hình ảnh gian khổ của cuộc kháng chiến, các chiến sĩ, cô giao liên, bà má… Từ những khung cảnh Kiev, Liên Xô... cho đến hình ảnh con người Việt Nam, tất cả đều được khắc họa bằng góc nhìn gần gũi, yêu thương và đầy tính nghệ thuật”.

Triển lãm “Mùa xuân bất diệt” là lời nhắc nhở về những hy sinh cao cả của thế hệ cha ông, khẳng định tinh thần cách mạng sẽ mãi tươi mới, như mùa xuân bất diệt trong lòng mỗi con người Việt Nam.

Triển lãm mở cửa đến ngày 20/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Họa sĩ Lê Lam (1931-2022) tên khai sinh là Vũ Ái Quốc. Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật khóa Kháng chiến tại Chiến khu Việt Bắc, do họa sĩ Tô Ngọc Vân trực tiếp giảng dạy.

Họa sĩ Lê Lam chủ yếu vẽ tranh hiện thực, về chủ đề chiến tranh, cách mạng, nổi bật như các bức: Tranh khắc gỗ “Chân dung Hồ Chủ tịch”, “Mừng xuân”, “Nguyễn Văn Trỗi”, “Du kích thanh niên xung phong”; tranh in lưới “Hết lòng vì tiền tuyến”; tranh cổ động “Bảo vệ chính quyền nhân dân”, “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội ta”… Bức tranh nổi tiếng nhất của ông là “Dừng lại” (sơn dầu) về một người phụ nữ ở Long An đã dũng cảm chặn xe địch đang càn qua đồng lúa sắp chín.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hơn 200 tác phẩm của cố hoạ sỹ Lê Lam được giới thiệu tại Triển lãm “Mùa Xuân bất diệt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO