Văn hóa - Xã hội

Hơn 10 nghìn cơ sở kinh doanh karaoke bị đình chỉ và ngừng hoạt động

Kim Thoa (T/h) 09:51 16/06/2023

Ngày 15/6, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá công tác triển khai thực hiện Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19-6-2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

anh-1-4822.jpg
Hơn 10 nghìn cơ sở kinh doanh karaoke bị đình chỉ và ngừng hoạt động (ảnh minh hoạ)

Theo thông tin tại hội nghị, số liệu tổng rà soát về an toàn PCCC và CNCH trên cả nước cho thấy, đã có 10.482/15.161 (chiếm 69%) cơ sở kinh doanh karaoke bị đình chỉ hoạt động và ngừng hoạt động, chủ yếu do các vi phạm: Lắp đặt biển quảng cáo không đúng quy định, không bảo đảm cho hoạt động PCCC; lắp đặt, sử dụng vật liệu dễ cháy; thiếu lối thoát nạn hoặc lối thoát nạn không bảo đảm quy định; không trang bị hoặc trang bị không đủ hệ thống, phương tiện PCCC; lắp đặt, sử dụng hệ thống, thiết bị điện không bảo đảm an toàn… theo Thông tư số 147/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an. Điều này cũng dẫn đến phát sinh nhiều kiến nghị mới đối với việc triển khai, thực hiện công tác PCCC trong tình hình thực tế.

Kiên quyết lập lại trật tự kỷ cương trong chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm trong công tác thẩm định cấp phép, kiểm tra theo dõi, báo cáo việc thực hiện những quy định về trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường cũng như tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, tuyệt đối không để cơ sở không đủ điều kiện an toàn về PCCC và CNCH được phép hoạt động.

Trình bày báo cáo tại hội nghị, bà Vi Thanh Hoài, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, cho biết sau gần 5 năm thực hiện, hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường đã dần đi vào nền nếp, nâng cao được hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước.

"Tuy nhiên, sau gần 2 năm đóng cửa vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, vừa hoạt động trở lại, hiện nay hàng loạt cơ sở karaoke lại tiếp tục phải đóng cửa do không bảo đảm quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Nhiều cơ sở karaoke đứng trước nguy cơ phá sản" - bà Hoài cho biết.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, cũng cho biết nhiều cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường tại địa phương mình cũng gặp những khó khăn về điều kiện bảo đảm phòng cháy, chữa cháy, diện tích kinh doanh...

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM cho biết đến thời điểm tháng 3-2023, trên địa bàn có 464 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 134 cơ sở kinh doanh karaoke đang hoạt động, 330 cơ sở đang trong thời gian tạm dừng hoạt động để khắc phục các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành liên quan và nhiều tỉnh, TP đã tham nêu lên những bất cập, khó khăn trong triển khai, thực hiện Nghị định 54 như một số quy định về PCCC hiện hành khó thực hiện với công trình có thay đổi, cải tại; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và lĩnh vực có liên quan được ban hành qua các thời kỳ không có sự thống nhất…

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy khẳng định ngành văn hóa cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với dịch vụ karaoke, vũ trường; tổ chức và hoạt động của đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các cấp đối với kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường theo thẩm quyền; chỉ đạo sở văn hóa, thể thao và du lịch, sở văn hóa và thể thao kiểm soát chặt chẽ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật trước khi cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh karaoke, vũ trường.

Cùng với đó, ngành Văn hóa đề nghị Bộ Công an rà soát các quy định tại Thông tư số 147/2020/TT-BCA về biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và CNCH đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi, bổ sung QCVN 06:2022/BXD đảm bảo phù hợp với tình hình mới; UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, đề xuất hoặc xây dựng quy hoạch về vị trí cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke bảo đảm phù hợp với các quy chuẩn về quy hoạch đô thị, PCCC của địa phương, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh karaoke chuyển đổi mục đích kinh doanh do không thể khắc phục được theo quy định của pháp luật về PCCC./.

Bài liên quan
  • Đề xuất hỗ trợ 100% kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi
    UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết “Quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi, người khuyết tật nhẹ, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2024 - 2025”.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hơn 10 nghìn cơ sở kinh doanh karaoke bị đình chỉ và ngừng hoạt động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO