Sự kiện & Bình luận

Hội nghị quân sự Trung Giã và cảm xúc tự hào của ngày chiến thắng

Đình Vũ 09:16 31/07/2024

Hội nghị quân sự Trung Giã (diễn ra từ ngày 4-27/7/1954) là sự kiện đặc biệt gắn liền với thắng lợi của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. 70 năm đã trôi qua, nhưng ký ức của người dân nơi đây vẫn còn nguyên cảm xúc tự hào khi kể về không khí hào hùng cùng thời khắc diễn ra hội nghị. Hội nghị Trung Giã đã góp phần quan trọng tạo nên thắng lợi của quân và dân Hà Nội trong những ngày tháng Mười, mùa thu lịch sử.

dsc02627.jpg
Tấm ảnh chụp lại thời điểm Tổng tham mưu trưởng Quân dội nhân dân Việt Nam Văn Tiến Dũng tiến vào Phố Nỷ đang được lưu giữ tại khu di tích.

Hoàn cảnh ra đời của Hội nghị quân sự Trung Giã.

Chỉ 1 ngày sau khi thua trận ở Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ngồi vào bàn đám phán tại Hội nghị Genève (8/5-21/7/1954) về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình Đông Dương. Diễn ra sau khi Hội nghị Genève đã đạt được những thống nhất cơ bản, Hội nghị quân sự Trung Giã là cuộc đối thoại trực tiếp giữa Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam và phái đoàn Bộ Tổng tư lệnh chỉ huy các lực lượng Pháp tại Việt Nam để bàn về cách thực hiện ngừng bắn và chính sách đối với tù binh, kiến nghị những vấn đề liên quan gửi đến Hội nghị Genève.

Đến Trung Giã dự hội nghị, đoàn Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam gồm: Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng, Trưởng đoàn; Ðại tá Song Hào, Chính ủy Ðại đoàn 308, Phó trưởng đoàn và các thành viên: Ðại tá Lê Quang Ðạo, Cục trưởng Cục Tuyên huấn; Trung tá Nguyễn Văn Long ở Cục Tác chiến, Trung tá Lê Minh (tức Lê Minh Nghĩa), phụ trách Cục Quân huấn; phiên dịch của Trưởng đoàn Việt Nam là Thiếu tá Nguyễn Văn Lê (tức Lưu Văn Lợi); phụ trách công tác tuyên truyền, báo chí của đoàn và phụ trách nhóm 10 phóng viên Việt Nam là: Ðào Tùng và Hồng Hà.

Ðoàn đại biểu Bộ Tổng chỉ huy các lực lượng Pháp tại Việt Nam do đại tá Len-nuy-ơ làm Trưởng đoàn cùng với bốn sĩ quan Pháp, ba sĩ quan ngụy.

Sau 24 ngày làm việc căng thẳng, Hội nghị quân sự Trung Giã kết thúc vào ngày 27/7/1954, chuyển thành Ủy ban Liên hợp Trung ương là cơ quan thi hành Hiệp định Genève và vẫn làm việc thời gian đầu ở Trung Giã, vẫn có Trưởng đoàn Việt Nam là Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, với chương trình thảo luận, giải quyết các vấn đề: Quy chế khu phi quân sự, trao trả tù binh, chuyển quân, tập kết lực lượng của hai bên, chuyển giao và tiếp quản các khu vực, trong đó có kế hoạch cụ thể ta tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Ðoàn đàm phán của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ở Hội nghị quân sự Trung Giã đã hoàn thành nhiệm vụ do Hồ Chủ tịch giao, dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, góp một trang sử huy hoàng vào pho sử vàng vẻ vang của nền ngoại giao Việt Nam.

dsc02630.jpg
Ảnh chụp đoàn xe của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào khu hội nghị trên đồi Xuân Sơn đang được lưu giữ tại khu di tích.

Sự tự hào vẫn còn nguyên trong ký ức của người dân Trung Giã.

Nhân kỷ niệm 70 năm sự kiện lịch sử Hội nghị quân sự Trung Giã chúng tôi tìm gặp Đại tá Nguyễn Văn Tuệ - Nguyên Trưởng phòng, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, nguời từng tham gia công tác dẫn đường và bảo vệ phái đoàn Pháp trong 24 ngày diễn ra hội nghị để tìm hiểu thêm về không khí của người dân Trung Giã thời điểm đó.

dsc02698.jpg
Đại tá Nguyễn Văn Tuệ.

Đại tá Nguyễn Văn Tuệ sinh năm 1933, thời điểm diễn ra Hội nghị quân sự Trung Giã ông đang công tác tại Đại đội 472 (huyện đội Đa Phúc). Giờ đây, ở cái tuổi 91 nhưng Đại tá Nguyễn Văn Tuệ vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, nói về sự kiện lịch sử Hội nghị quân sự Trung Giã ông chia sẻ: “Trước khi hội nghị diễn ra khoảng 1 tuần, chúng tôi được cấp trên thông báo sắp có một hội nghị quan trọng giữa ta và Pháp tại Trung Giã, chúng tôi phải sẵn sàng bảo đảm công tác an ninh hội nghị”.

Khi hội nghị diễn ra, tổ của Đại tá Nguyễn Văn Tuệ được giao nhiệm vụ đón và dẫn đường cho phái đoàn Pháp từ sân bay Lương Châu (sân bay dã chiến do Pháp xây dựng và sử dụng trong thời gian ngắn trước khi thua trận ở Điện Biên Phủ, khu vực nay thuộc thôn Lương Châu, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) về khu hội nghị, đoạn đường khoảng 5km. Theo Đại tá Tuệ, lúc bấy giờ ta và Pháp vẫn đang trong tình trạng chiến tranh nên họ sợ trên đường đi vướng phải mìn hoặc bị du kích ta tấn công do đó họ yêu cầu phía Việt Nam phải có xe đón và dẫn đường. Nói thêm về việc này ông Tuệ cho biết, trong suốt quá trình diễn ra hội nghị, đoàn của Pháp chỉ đến Trung Giã trong giờ làm việc, buổi trưa họ nghỉ lại khu vực hội nghị nhưng buổi tối lại quay về Hà Nội bằng máy bay.

Thời điểm đó khu vực đồi Xuân Sơn, xã Trung Giã (thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã ngày nay) được cả ta và Pháp đồng ý chọn làm nơi tổ chức hội nghị là bởi địa điểm này vừa nằm trên Quốc lộ 3 thuận lợi cho việc đi lại và đây cũng là khu vực nằm giữa vùng giải phóng của ta (Phố Nỷ) và nơi mà quân đội Pháp vẫn đang đồn trú (khu vực Núi Đôi).

Nói về thời khắc đoàn Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đến Hội nghị quân sự Trung Giã ông Tuệ cho biết, sáng sớm ngày 4/7/1954, khi những chiếc xe jeep và xe vận tải mô-lô-tô-va chở đoàn qua cầu phao trên sông Công tiến vào Phố Nỷ đã có cả một rừng người đứng kín hai bên đường chào đón. Họ là người dân Trung Giã. Mãi về sau này rất nhiều người già ở khu vực Phố Nỷ vẫn còn nhắc lại sự xúc động của thời khắc đó, đối với người dân của một đất nước đã phải chịu đựng nỗi đau gần 100 năm nô lệ thì giờ phút được đón đoàn quân chiến thắng đã trở thành giờ phút thiêng liêng. Rất nhiều người đã khóc nức nở.

“Những tấm ảnh chụp thời điểm đoàn xe của tướng Dũng tiến vào Phố Nỷ đến giờ vẫn đủ gây xúc động cho tất cả những ai nhìn thấy. Trên Quốc lộ 3 đầy bụi đất, hàng nghìn người dân và bộ đội đứng kín hai bên đường, nón, mũ, hoa hay bất kể thứ gì đang có trong tay đều cố giơ thật cao để vẫy chào. Đi trên chiếc xe jeep có sơn dòng chữ “Xe của tướng De Castries, chiến lợi phẩm Ðiện Biên Phủ”, đáp lại tình cảm của người dân và bộ đội ta, tướng Dũng đã đứng lên vẫy tay với cả rừng người. Tất cả là thật, là hoàn toàn tự nhiên chứ không có sự chuẩn bị hay sắp đặt nào bởi lúc ấy thông tin về giờ giấc cũng như lộ trình của đoàn là hoàn toàn bí mật”, đại tá Tuệ chia sẻ.

Trong những câu chuyện kể về hội nghị, Đại tá Nguyễn Văn Tuệ cho biết, 70 năm trôi qua, những người đã từng được chứng kiến giờ phút Đại tướng Văn Tiến Dũng dẫn đầu đoàn Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào Trung Giã giờ chỉ còn lại rất ít. Mong mỏi lớn nhất của ông là thấy thời khắc lịch sử đó được lưu truyền mãi đến những thế hệ sau. Những tư liệu và hình ảnh về Hội nghị quân sự Trung Giã ngày ấy vẫn còn được gìn giữ nhưng điều kiện về cơ sở vật chất của địa danh lịch sử đồi Xuân Sơn - nơi diễn ra hội nghị chưa được đảm bảo phục vụ công tác bảo quản, trưng bày. Được xếp hạng di tích cấp thành phố từ năm 2002 nhưng công tác tu bổ, tôn tạo khu vực hội nghị vẫn chỉ dừng lại ở mức độ bảo vệ di tích, chưa đủ điều kiên trở thành không gian trưng bày và giới thiệu tư liệu đến đông đảo người dân cũng như du khách.

Khu di tích Hội nghị quân sự Trung Giã là một địa danh có ý nghĩa lịch sử đặc biệt bởi đây chính là nơi sau gần 100 năm chịu ách nô lệ, sau gần 9 năm kháng chiến gian khổ, đoàn Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã lần đầu tiên đại diện cho nhân dân Việt Nam trực tiếp đối diện với người Pháp trên vị thế của người chiến thắng.

Đồng chí Ngô Thế Bích, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Trung Giã cho biết, UBND huyện Sóc Sơn đã có báo cáo đề xuất chủ chương đầu tư dự án tôn tạo, tu bổ di tích Hội nghị quân sự Trung Giã. Theo kế hoạch, công tác khảo sát, thẩm định sẽ được tiến hành ngay trong những ngày sắp tới. Với ý nghĩa lịch sử đặc biệt, chính quyền và nhân dân Trung Giã đều mong mỏi khu di tích sẽ sớm đủ điều kiện về cơ sở vật chất để có thể trở thành nơi tham quan, tìm hiểu của đông đảo người dân cũng như có thêm một không gian để giáo dục truyền thống cách mạng và lịch sử Thủ đô cho thế hệ trẻ./.

Bài liên quan
  • Tinh thần Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ muôn năm!
    Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) diễn ra tại TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhấn mạnh: “Tinh thần Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ muôn năm!”.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị quân sự Trung Giã và cảm xúc tự hào của ngày chiến thắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO