Hội nghị Quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp
Sáng 24/7, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Nghị định số 26/2024/NĐ-CP ngày 01/3/2024 của Chính phủ về Quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) Phạm Quang Hưng cho biết, hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo để nghiên cứu kinh nghiệm, tri thức và thu hút các nguồn lực quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và góp phần xây dựng ngoại giao nhân dân, là nền tảng của các lĩnh vực hợp tác khác.
Trong bối cảnh hiện nay, với những diễn biến phức tạp, khó lường, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng vô vàn thách thức, vì vậy việc đảm bảo an ninh, an toàn trong hợp tác quốc tế là vô cùng quan trọng.
Tham dự và phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, thời gian qua, có thể nói hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GD&ĐT đã phát triển sâu rộng. Các hoạt động hợp tác quốc tế nói chung được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội rất quan tâm.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, có nhiều văn bản, chủ trương của Đảng và Nhà nước liên quan đến hợp tác quốc tế trong GD&ĐT. Đó là Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, trong đó có một nhiệm vụ quan trọng, là chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo.
Cùng với đó là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Luật Điều ước quốc tế 2016, số 108/2016/QH13 của Quốc hội; Luật Thỏa thuận quốc tế 2020, số 70/2020/QH14 của Quốc hội; Luật Giáo dục 2019, số 43/2019/QH14 của Quốc hội; Luật số 34/2018/QH14 của Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, số 34/2018/QH14 của Quốc hội; Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; Nghị định 86/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.
Đặc biệt, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 26/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2024, quy định về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu, thực tiễn đề ra đối với hợp tác quốc tế, hội nhập sâu rộng của đất nước với những cơ hội và thách thức.
Nghị định này quy định về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp bao gồm nguyên tắc, nội dung, hình thức hợp tác, thực hiện hợp tác và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức Việt Nam trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc mong muốn, qua hội nghị, các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT sẽ nắm bắt cụ thể, chấp hành nghiêm những quy định của Nghị định; cập nhật những văn bản, quy định mới nhất; cũng như đảm bảo công tác an ninh, bảo vệ chính trị nội bộ trong hợp tác quốc tế.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Tư pháp cũng đã chia sẻ những điểm mới, những nội dung quan trọng của Nghị định số 26/2024/NĐ-CP; quy định của Đảng và Nhà nước về đối ngoại, hợp tác quốc tế. Đại diện Bộ Công an cũng chia sẻ một số vấn đề cần lưu ý về công tác đảm bảo an ninh chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước trong quá trình triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.