Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội: Tiếp tục tăng cường và đổi mới phương thức hoạt động
Sáng ngày 28/7, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Tham dự hội nghị có các đồng chí Thường trực Hội, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp, Chủ tịch các hội chuyên ngành cùng đại diện một số sở, ban, ngành của Thành phố Hà Nội.
Nhiều hoạt động phong phú, đa dạng
Theo báo cáo sơ kết tình hình hoạt động của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2023, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội luôn giữ vững tính định hướng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, vươn tới các giá trị nhân văn chân chính trong hoạt động sáng tạo, gắn bó chặt chẽ với thực tiễn xây dựng Thủ đô đang lớn mạnh và đổi mới từng ngày. Hội đã thường xuyên trau dồi việc học tập và làm theo tấm gương tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, quan tâm gìn giữ và xây dựng lối sống người Hà Nội, phong cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phục vụ cho mục tiêu phát triển Thủ đô toàn diện và bền vững. Mặc dù khó khăn về kinh phí, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp cũng như Ban Chấp hành 9 Hội chuyên ngành đã nỗ lực rất lớn trong việc chỉ đạo, quản lý, tổ chức các hoạt động văn nghệ cũng như công tác chuyên môn.
Trong hoạt động chuyên môn, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp cũng như Ban Chấp hành 9 Hội chuyên ngành đã nỗ lực rất lớn trong việc định hướng và tổ chức sáng tác cho hội viên. Các cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm học thuật, các chuyến đi thực tế được các hội chuyên ngành tổ chức tạo được tiếng vang về học thuật và không khí phấn khởi sáng tác trong toàn thể các hội viên. Đáng chú ý, cuối tháng 5 vừa qua, Hội đã tổ chức đoàn văn nghệ sĩ Thủ đô đi giao lưu và ký kết Chương trình phối hợp Văn học nghệ thuật 3 thành phố: Hà Nội - Thừa Thiên Huế - Thành phố Hồ Chí Minh tại Thành phố Huế; Tiếp đó là Hội đã tổ chức Trại sáng tác đa ngành tại Nhà sáng tác Tam Đảo cho 15 hội viên của các hội chuyên ngành trong thời gian 15 ngày (10 – 24/6), thu được 43 tác phẩm có chất lượng.
Hoạt động triển lãm và liên hoan nghệ thuật cũng rất phong phú và đa dạng. Hội Mỹ thuật tham gia triển lãm giao lưu Mỹ thuật với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Nghệ An với 15 tác phẩm của 15 họa sĩ; Hội Sân khấu cử Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long tham gia dự thi 3 trích đoạn (1 chèo, 2 cải lương) tại “Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023” tại Hà Nam đều giành Huy chương Vàng; Hội Nghệ sĩ Múa phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thành phố tổ chức thành công Liên hoan nghệ thuật múa không chuyên Hà Nội năm 2023 với 69 tác phẩm múa, phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức thành công Cuộc thi nhảy múa thiếu niên nhi đồng năm 2023; Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật tổ chức Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội lần thứ X năm 2023; Hội Kiến trúc sư tổ chức triển lãm “Kiến trúc công trình Thể thao và Giải trí cho các kiến trúc sư trẻ” tại Hoàng thành Thăng Long.
Sinh hoạt chuyên môn thường kỳ hằng tháng được các Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Văn nghệ dân gian duy trì thường xuyên, nhằm mở rộng cho kiến thức sáng tác cho hội viên. Các tập sách nghiên cứu, các công trình khoa học, các tuyển tập về VHNT được các Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Văn nghệ dân gian quan tâm đầu tư và triển khai có hiệu quả.
Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức vận động hội viên sáng tác VHNT kỷ niệm các ngày kỷ niệm của Thủ đô và đất nước như: kỷ niệm 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”… Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô sắp tới, Hội tổ chức cuộc vận động sáng tác với chủ đề: “Hà Nội - đổi mới và phát triển” tới đông đảo hội viên các hội chuyên ngành.
Tạp chí Người Hà Nội làm tốt công tác tuyên truyền các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Thành phố, đăng tải các bài viết có chất lượng của hội viên về văn hóa – văn nghệ, mở thêm chuyên trang Lễ vật trong hội làng Hà Nội và chuyên mục người Hà Nội thanh lịch, văn minh; phối hợp với Hội Cựu Chiến binh của Văn phòng Quốc hội tổ chức chương trình Khúc quân hành lần thứ VII năm 2023 tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Ngoài ra, các hội chuyên ngành cũng đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn tùy theo đặc thù của ngành mình và đạt được những kết quả đáng ghi nhận…
Tiếp tục tăng cường và đổi mới phương thức hoạt động
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được thì vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế đó là: Việc huy động chất xám đóng góp xây dựng Thành phố và phản biện xã hội của hội viên còn hạn chế; các thành viên trong Ban Chấp hành Hội Liên hiệp hoạt động tích cực nhưng chưa đồng đều; Việc phối hợp hoạt động giữa các Hội chuyên ngành còn hạn chế, chưa thường xuyên nên chưa thực sự kích thích các hoạt động sáng tác của hội viên. Chưa thu hút được sự tham gia của hội viên vào các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác lớn của Hội và Thành phố.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, đồng thời để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, trong 6 tháng cuối năm 2023, Hội Liên hiệp tiếp tục triển khai các kế hoạch hoạt động của Liên hiệp và 9 hội thành viên theo chương trình đã dự kiến.
Cụ thể, Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền tới hội viên về Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII và Đại hội Hội Liên hiệp lần thứ XIII; Hoàn thiện các đề án, dự án của Hội Liên hiệp và các hội chuyên ngành trong Chương trình phối hợp hợp tác để báo cáo UBND Thành phố; Phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Trại sáng tác tại Đồng Mô, Sơn Tây cho văn nghệ sĩ Thủ đô; Tổ chức xét hỗ trợ các công trình, tác phẩm xuất sắc năm 2023 cho hội viên 9 hội chuyên ngành; Hướng dẫn các Hội chuyên ngành tổ chức các đợt sáng tác, triển lãm, chương trình ca múa nhạc chào mừng các ngày kỷ niệm của Thủ đô và đất nước; Xây dựng các kế hoạch, dự toán kinh phí các đầu việc dự kiến hoạt động năm 2024 của Hội Liên hiệp và 9 hội chuyên ngành để báo cáo UBND Thành phố đồng thời thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Thành phố.
“Về tổ chức sáng tác, Hội sẽ tiếp tục tổ chức có hiệu quả các đợt sinh hoạt chuyên môn, hội thảo chuyên đề, tọa đàm sáng tác, trao đổi về tác phẩm mới sáng tác của hội viên, đặc biệt chú trọng và đề cao trước nhất là chất lượng tư tưởng và giá trị thẩm mỹ của tác phẩm với các xu hướng cách tân, khát vọng đổi mới cách thể hiện, hình thức hài hòa với nội dung, phù hợp với sự không ngừng nâng cao dân trí nhằm tương xứng với trình độ công chúng và yêu cầu của Thủ đô, ngày một tinh tế hơn,có đòi hỏi cao hơn về tính thẩm mỹ, tính hiện đại kết hợp với truyền thống. Về đầu tư sáng tác: Tập trung đầu tư có trọng điểm, không dàn đều và mang tính bình quân chủ nghĩa. Tích cực vận dụng cơ chế “ký hợp đồng làm tác phẩm theo điều kiện thỏa thuận” để phát huy tối đa sáng kiến và sự năng động của hội viên, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả tài năng phát huy được hết năng lực và tâm huyết, có hoài bão dồn tâm lực vào những “tác phẩm có chất lượng”, NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cho biết.
Góp ý cho dự thảo Báo cáo sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, nhiều thành viên trong Ban chấp hành Hội đánh giá cao các kết quả mà Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời nêu một số vấn đề còn tồn tại trong hoạt động của Hội. Tiếp thu ý kiến của các thành viên trong Ban chấp hành, NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cho biết, thời gian tới Hội sẽ tiếp tục củng cố, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tạo điều kiện tối ưu cho các hội chuyên ngành phát huy tiềm năng, thế mạnh để góp sức cho sự phát triển của văn học nghệ thuật Thủ đô./.