Tham dự hội nghị, về phía thành phố Hà Nội còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành và huyện Mê Linh.
Về phía tỉnh Vĩnh Phúc có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Vinh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Mở ra cơ hội mới cho cả hai địa phương
Phát biểu mở đầu hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định, việc Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị hợp tác, phát triển không chỉ với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, mà còn là tình cảm chân thành, ấm áp mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô dành cho tỉnh Vĩnh Phúc láng giềng.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tin tưởng hội nghị chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho hai địa phương; đưa việc hợp tác giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả; tạo động lực cho hai bên cùng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Trình bày báo cáo kết quả hợp tác giữa hai địa phương thời gian qua và định hướng những năm tiếp theo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, hai địa phương đã triển khai tốt việc phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Sự hợp tác phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc được thể hiện trên 8 nội dung.
Trong đó, hai địa phương đã phối hợp hoàn chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết đường Vành đai 5 (trong quy hoạch Vùng Thủ đô), phối hợp xác minh quy hoạch xây dựng các khu đô thị, các dự án hạ tầng kỹ thuật vùng giáp ranh, các tuyến đường vành đai nằm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp của Hà Nội đầu tư vào tỉnh. Năm 2018, Hà Nội đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch với 5 tỉnh, trong đó có Vĩnh Phúc. Ngành Công Thương hai bên đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác, trao đổi thông tin về quy hoạch phát triển thương mại, cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng thương mại. Đáng chú ý, Hà Nội và Vĩnh Phúc đã phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng, thi công và đưa vào sử dụng dự án đường trục trung tâm khu đô thị Mê Linh, rút ngắn thời gian lưu thông giữa hai địa phương...
Công an hai tỉnh, thành phố đã phối hợp duy trì 6 cụm liên kết bảo đảm an ninh trật tự vùng giáp ranh; ký Quy chế phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường; tài nguyên khoáng sản; trật tự giao thông đường thủy và bảo vệ đê điều...
Tuy nhiên, kết quả hợp tác đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và khoảng cách địa lý, cũng như thế mạnh của hai địa phương.
Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận; nêu nhiều giải pháp, đề xuất nội dung tăng cường hợp tác. Đáng chú ý, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất 3 nhóm việc có thể tăng cường hợp tác, phát triển giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc. Trong đó, những lĩnh vực có thể đẩy mạnh hợp tác ngay sau hội nghị là văn hóa, thể thao, du lịch và xúc tiến đầu tư.
Khẳng định ở gần Thủ đô là lợi thế lớn và nếu không có điều này, tỉnh đã không có sự phát triển như ngày nay, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì đề nghị thành phố Hà Nội giúp đỡ tỉnh phát triển công nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nghề và xây dựng một công trình văn hóa tại thành phố Vĩnh Yên...
Tăng cường hợp tác vì sự phồn vinh của hai địa phương
Trên cơ sở thảo luận, hai bên thống nhất, thời gian tới sẽ cùng đưa quan hệ hợp tác giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc phát triển toàn diện và hiệu quả hơn trên 4 nhóm nội dung công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và 9 nhóm nội dung phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, hai địa phương sẽ hỗ trợ nhau về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, xây dựng văn kiện và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025...
Vĩnh Phúc hỗ trợ Hà Nội thực hiện Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Hai bên phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; tạo điều kiện để các doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn. Hai bên nhất trí sẽ có cơ chế chia sẻ thông tin mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường, liên kết ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu, giữ gìn vành đai xanh Thủ đô...
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khuyến khích, tạo điều kiện để các ban Đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các sở, ngành tăng cường gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác trên các lĩnh vực công tác. Mỗi địa phương phân công một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan chức năng thảo luận, thống nhất chương trình, cụ thể hóa nội dung hợp tác.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, sau 20 năm tách ra từ tỉnh Vĩnh Phú, từ địa phương nghèo thuần nông, Vĩnh Phúc đã trở thành trung tâm công nghiệp của cả nước, quy mô nền kinh tế đã đạt trên 100.000 tỷ đồng. Ở khu vực phía Bắc, tỉnh chỉ đứng sau Thủ đô Hà Nội về thu nội địa; từ năm 2014, đã tự cân đối thu chi ngân sách và có đóng góp cho Trung ương.
Mục tiêu của Vĩnh Phúc trong nhiệm kỳ này và các nhiệm kỳ tiếp theo là trở thành tỉnh công nghiệp, du lịch và dịch vụ của vùng và cả nước, trong đó công nghiệp là nền tảng và động lực. Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh xác định, một trong các giải pháp quan trọng là phải tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng Thủ đô và trên cả nước, đặc biệt là với thành phố Hà Nội. Vĩnh Phúc sẽ luôn nỗ lực để xứng đáng với vai trò cửa ngõ của Thủ đô.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, Hà Nội và Vĩnh Phúc đã có sự gắn bó sâu sắc, hiện nay cùng là thành viên và có vai trò quan trọng trong 3 vùng kinh tế khu vực phía Bắc.
Đồng chí Hoàng Trung Hải chúc mừng những thành tích toàn diện mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được thời gian qua, nhất là chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh đã trở thành trung tâm công nghiệp với cơ cấu kinh tế hiện đại, bền vững. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, xây dựng nông thôn mới đều có tiến bộ.
Khẳng định hội nghị hợp tác, phát triển giữa hai địa phương có ý nghĩa rất quan trọng và đã thành công tốt đẹp, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhất trí với những nội dung hợp tác được nêu, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu để bổ sung vào biên bản hội nghị, làm căn cứ triển khai thực hiện.
Đồng chí Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, nội dung hợp tác cần quan tâm số một là quy hoạch và kết nối giao thông. Chỉ có làm tốt hai vấn đề này mới có thể tạo ra động lực để phát triển giữa hai địa phương. Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị hai bên tập trung đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng Đảng, bảo đảm an ninh - quốc phòng. Bởi mỗi địa phương đều có những sáng kiến, cách làm hay rất đáng học tập.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tin tưởng, sự hợp tác giữa hai địa phương trong thời gian tới sẽ ngày càng hiệu quả hơn, góp phần quan trọng giúp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh, thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ Trung ương giao, đem lại sự phồn vinh, ngày càng nâng cao đời sống nhân dân.
Nhân dịp này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã trao tặng tỉnh Vĩnh Phúc 3 tỷ đồng để phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội.