Hà Nội ưu tiên đảm bảo chỗ học trong năm học mới 2024 – 2025
Chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các phòng GD&ĐT tăng cường công tác tham mưu với chính quyền địa phương nhằm bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh.
Trong năm học 2024-2025, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh với hơn 2,3 triệu em, hơn 2.900 trường học. Trước thực tế số học sinh toàn thành phố mỗi năm tăng từ 40.000-60.000 em, chính quyền các cấp cũng như ngành giáo dục đã có những giải pháp kịp thời, bảo đảm đủ chỗ học cho mọi học sinh cư trú trên địa bàn thành phố.
Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội được xây mới, sửa chữa, cải tạo khang trang, hiện đại với trang thiết bị được đồng bộ, sẵn sàng bước vào năm học mới 2024-2025. Với mục tiêu không để học sinh nào thiệt thòi, ngay khi kết thúc năm học 2023-2024, các quận, huyện, thị xã và các nhà trường trên địa bàn thành phố đã khẩn trương triển khai nhiều dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, cũng như xây dựng bổ sung, nhất là tại các trường ở địa bàn đông dân cư.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, với mạng lưới trường lớp hiện nay, Hà Nội bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh. Việc quá tải trường học chỉ xảy ra cục bộ ở một số địa bàn tập trung đông dân cư. Hiện nay, sĩ số trung bình cấp tiểu học của toàn thành phố chỉ khoảng 37,5 học sinh/lớp. Việc giảm sĩ số học sinh/lớp luôn là mục tiêu, giải pháp của ngành giáo dục Hà Nội để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhiều trường đã tiến hành tu bổ, bổ sung trang thiết bị đồ dùng dạy học; sửa chữa bàn ghế, thiết bị điện chiếu sáng. Đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, dù trong thời gian nghỉ hè hay thời điểm cận kề năm học mới, các thầy, cô vẫn tích cực tham gia các chương trình tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng chương trình sách giáo khoa mới, bồi dưỡng chính trị hè. Đặc biệt, các giáo viên tích cực giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm dạy học giáo dục lịch sử địa phương...
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm học tới, ngành giáo dục Thủ đô xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm học mới là rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Đồng thời, đề nghị các Phòng GD&ĐT tăng cường tham mưu chính quyền địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường lớp, ưu tiên bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu vực đông dân cư, địa bàn có khu công nghiệp để xây dựng trường công lập.
Các phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường nghiên cứu, tham mưu chính quyền địa phương việc sáp nhập, chia tách trường hoặc gom các điểm trường lẻ phù hợp điều kiện thực tế./.