Hà Nội triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2025
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em: 111 (miễn phí 24/7). Đường dây nóng Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội: 0243.22.33.111.
.jpg)
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 83/KH-UBND triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2025 với chủ đề “Ưu tiên nguồn lực hoàn thành các mục tiêu vì trẻ em”, diễn ra từ ngày 01/6 đến 30/6/2025.
Kế hoạch nêu rõ yêu cầu 100% các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2025 phù hợp điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.
100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định được quan tâm, hỗ trợ và tặng quà đầy đủ, kịp thời trong Tháng hành động vì trẻ em, đặc biệt nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6. Việc tặng quà đảm bảo đúng chính sách, đúng đối tượng, công khai, dân chủ.
100% các quận, huyện, thị xã quan tâm đầu tư kinh phí, vận động xã hội hóa nhằm nâng cấp, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị vui chơi giải trí trên địa bàn; tổ chức dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; rà soát để bổ sung, đảm bảo 100% các địa điểm có nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ em được cắm biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn…; tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi giải trí an toàn, bổ ích cho trẻ em gắn với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em và phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Lễ phát động cấp thành phố dự kiến diễn ra vào 8h00 ngày 28/5/2025 tại Cung Thiếu nhi Hà Nội.
Thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại, tai nạn thương tích, đặc biệt là cung cấp thông tin về các kênh hỗ trợ khẩn cấp:
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em: 111 (miễn phí 24/7). Đường dây nóng Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội: 0243.22.33.111.
Các hoạt động trọng tâm gồm thường xuyên rà soát, quản lý trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng để có giải pháp ngăn ngừa, can thiệp, trợ giúp kịp thời tại cộng đồng; thực hiện đảm bảo việc tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách pháp luật về trẻ em, các chương trình, kế hoạch về bảo vệ chăm sóc trẻ em do Trung ương và Thành phố chỉ đạo; tập trung giải quyết, can thiệp, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại nhằm đảm bảo quyền trẻ em.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quyền trẻ em, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại địa phương, đồng thời xem xét kết luận, kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các đối tượng vi phạm, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở giáo dục, cơ sở trợ giúp trẻ em... trong việc chậm trễ, thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, bao che hành vi, vụ việc vi phạm quyền trẻ em.
Đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em như Diễn đàn trẻ em; lấy ý kiến trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em; sự tham gia của trẻ em vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục...
Đẩy mạnh hoạt động các câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em; các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện tại địa phương; các hoạt động khác nhằm thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, giúp các em tự tin, thực hiện tốt quyền và bổn phận của mình.
Quan tâm thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em và các cơ sở trợ giúp xã hội công lập có chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6.
Bên cạnh đó cần vận động các nguồn lực để hỗ trợ, tặng quà, dụng cụ phục hồi chức năng, xe đạp, sách vở, đồ dùng học tập, trao học bổng, trao sổ tiết kiệm, nhận đỡ đầu... cho trẻ em, ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em tại các xã vùng dân tộc miền núi, trẻ em tại các địa bàn khó khăn; quan tâm tặng quà tới các nhóm trẻ em sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội, trẻ em đang học tập, sinh hoạt tại các cơ sở giáo dục, trẻ em đang điều trị bệnh tại các cơ sở y tế...nhân dịp Tháng hành động vì trẻ em.
Tổ chức các chiến dịch truyền thông về tầm soát bệnh tật bẩm sinh cho trẻ em, chiến dịch uống Vitamin A, khám sức khoẻ cho trẻ em...
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình chăm sóc sức khỏe cho trẻ em như: chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; cấp phát thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi; tổ chức khám, chữa bệnh, hỗ trợ phẫu thuật, chỉnh hình, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh phải điều trị dài ngày theo quy định...
Tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, giao lưu... với nội dung bổ ích, hình thức phong phú cho trẻ em; khuyến khích trẻ em tham gia các trò chơi tập thể và các trò chơi dân gian, trò chơi sáng tạo phát triển trí tuệ. Định hướng, giáo dục trẻ em giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc văn hóa hiện đại...
Tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế hỗ trợ cho trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em nói riêng;
Hỗ trợ các chương trình chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng, các mô hình hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; Đầu tư xây dựng các công trình dành cho trẻ em, các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em, thay thế, bổ sung các trang thiết bị vui chơi giải trí, dụng cụ thể dục thể thao…phù hợp cho trẻ em tại cộng đồng.
Kiểm tra Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2025 để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các đơn vị, địa phương chưa nghiêm túc triển khai, thực hiện Tháng hành động vì trẻ em và biểu dương, khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia và có nhiều thành tích nổi bật trong Tháng hành động vì trẻ em.../.