Văn hóa - Xã hội

Hà Nội triển khai 6 giải pháp khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo của Hội Nông dân

Trung Kiên 08:52 11/09/2024

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030” trên địa bàn thành phố, nhằm phát huy, nâng cao vai trò của Hội Nông dân và sức mạnh nội lực của nông dân Hà Nội trong việc xây dựng, phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Kế hoạch hướng tới mục tiêu chung là nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể (KTTT); vai trò, vị trí của KTTT, nhất là hợp tác xã (HTX) kiểu mới trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

rau-cnc-ctuyen.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thăm, động viên sản xuất tại vùng trồng rau ở xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. (Ảnh tư liệu/minh họa).

Đồng thời nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp của Hội Nông dân; khơi dậy tinh thần hợp tác, khởi nghiệp, sáng tạo của hội viên, nông dân trong thu hút ngày càng nhiều hội viên, nông dân, cá nhân và tổ chức tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của thành viên, hộ gia đình, thực hiện vai trò và trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, tập hợp, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia các hình thức KTTT, xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm tạo việc làm, nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của Thành phố Hà Nội. Xây dựng các tổ hợp tác (THT), HTX trên cơ sở các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp và xây dựng các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp ở những tổ chức KTTT có điều kiện góp phần phát triển về quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng các loại hình KTTT một cách bền vững, hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn. Kế hoạch thực hiện triển từ năm 2024 – 2030, chia làm 2 giai đoạn (Giai đoạn 1 đến năm 2025, giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2030). UBND Thành phố đặt ra 6 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án.

Thứ nhất, tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, vận động, thu hút hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp với việc đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; phát huy vai trò các cơ quan truyền thông của Hội Nông dân trong tuyên truyền về KTTT trong nông nghiệp; chú trọng tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến các mô hình KTTT trong nông nghiệp hoạt động hiệu quả, các tấm gương, điển hình tiên tiến về hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Tổ chức các Diễn đàn, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu về vai trò của KTTT, HTX; vai trò của tổ chức Hội Nông dân trong phát triển KTTT, HTX.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật để phát triển KTTT; tổ chức sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng nguyên liệu lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu. Phát động phong trào thi đua “Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp”; tổ chức tôn vinh, khen thưởng, tổng kết, nhân rộng các mô hình KTTT trong nông nghiệp điển hình do Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập; biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong phát triển KTTT trong nông nghiệp.

Thứ hai, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của THT, HTX nông nghiệp do Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập. Tư vấn hoàn thiện, sửa đổi điều lệ, quy chế nội bộ; hướng dẫn thủ tục sắp xếp, củng cố lại tổ chức, hoạt động, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của THT, HTX nông nghiệp và thành viên. Hỗ trợ nâng cao số lượng và chất lượng các dịch vụ đối với THT, HTX nông nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của Thành phố, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu…

Thứ ba, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thành lập, phát triển các THT, HTX nông nghiệp, mở rộng đối tượng tham gia. Hỗ trợ xây dựng thí điểm các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ nông sản an toàn mà các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc làm nòng cốt, hạt nhân thành lập THT, HTX nông nghiệp. Phát triển chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp thành THT, HTX; Hỗ trợ HTX ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh…

rau-cnc.jpg
Mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm. (Ảnh: Nguyễn Quang).

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tổ chức KTTT trong nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ. Hàng năm, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý điều hành, tổ chức tham quan học tập cho THT, HTX nông nghiệp; tập trung các nội dung: Xây dựng kế hoạch, kỹ năng quản trị kinh doanh; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản trị kinh doanh, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc trở thành giám đốc HTX nông nghiệp. Tổ chức, phối hợp đào tạo, tập huấn, cung cấp thông tin, tư vấn, phổ biến quy định pháp luật về KTTT, HTX; các tổ hợp tác có nhu cầu, tiềm năng phát triển thành HTX. Tổ chức thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước cho THT, HTX nông nghiệp, chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành và tham gia hỗ trợ phát triển KTTT trong nông nghiệp của Hội Nông dân các cấp. Phối hợp trong công tác tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phương pháp, kỹ năng công tác cho cán bộ Hội các cấp; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân Thành phố trong đào tạo, bồi dưỡng về kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Hàng năm, tổ chức các đoàn khảo sát tham quan, giao lưu, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế THT, HTX…,

Cuối cùng, tổ chức xúc tiến thương mại giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của các THT, HTX và biểu dương khen thưởng các THT, HTX tiêu biểu. Phối hợp với Liên minh HTX Thành phố, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Thành phố và đơn vị liên quan tổ chức tuần hàng, hội chợ xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm của các THT, HTX. Hàng năm, Hội Nông dân Thành phố chủ trì phối hợp tổ chức biểu dương khen thưởng các THT, HTX tiêu biểu./.

Theo UBND Thành phố Hà Nội, tổng kinh phí dự kiến thực hiện Kế hoạch trên, đến năm 2030 là 16.832.580.000 đồng, đề nghị từ nguồn ngân sách Thành phố cấp, trong đó giai đoạn 1 (năm 2025) là 3.297.890.000 đồng và giai đoạn 2 (2026 - 2030) là 13.534.690.000 đồng.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội triển khai 6 giải pháp khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo của Hội Nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO