Y tế - Giáo dục

Hà Nội tăng 48.000 học sinh năm học 2024 - 2025

Đình Thế 30/08/2024 15:52

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Vương Hương Giang cho biết, năm học 2024-2025, Hà Nội tăng 39 trường mầm non, phổ thông các cấp, tăng 48.000 học sinh…

0b4308575552f20cab43.jpg
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Vương Hương Giang thông tin tại Hội nghị.

Sáng 30/8, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị thông tin chuyên đề về công tác triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) và công tác chuẩn bị năm học mới 2024-2025 trên địa bàn Thủ đô.

Báo cáo về công tác chuẩn bị năm học mới, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Vương Hương Giang cho biết, năm học 2024-2025, Hà Nội có tổng số 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp (tăng 39 trường so với năm trước); với 2.238.000 học sinh, 70.150 lớp (tăng 48.000 học sinh so với cùng kỳ năm trước); và 130.000 giáo viên; có 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.

Trong đó, trường công lập có 2.310 trường (tăng 26 trường so với cùng kỳ năm trước) với 1.905.000 học sinh, 51.000 lớp (tăng khoảng 38.000 học sinh so với cùng kỳ năm trước) và 92.000 giáo viên.

Về kết quả tuyển sinh, đã tuyển sinh trực tuyến với 120.168 hồ sơ lớp 1 (đạt 90,89%) và 130.829 hồ sơ lớp 6 (đạt 90,06%) đăng ký thành công.

Với tuyển sinh vào lớp 10 THPT, Hà Nội có 117.361 lượt thí sinh đăng ký dự thi. Kết quả, toàn thành phố đã có gần 121.382 số học sinh nhập học chính thức (chiếm 87.72% chỉ tiêu), trong đó khối công lập có 71.302 học sinh (chiếm 96,75% chỉ tiêu) nhập học chính thức.

Trong đó, các trường THPT công lập tuyển sinh 73.368 học sinh, đạt tỷ lệ 100.52% so với chỉ tiêu được giao; các trường THPT công lập tự chủ tuyển sinh được 3.675 học sinh, đạt 89.74% chỉ tiêu; THPT tư thục tuyển sinh được 28.709 học sinh, đạt 73.07% chỉ tiêu; các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên tuyển sinh được 10.233 học sinh, đạt 83.36% chỉ tiêu được giao…

Về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tổng số thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2024 của Hà Nội là 104.034 thí sinh, đạt 99.81%, tăng 0,25% và tăng 5 bậc so với năm 2023. Trong đó, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông khối giáo dục thường xuyên đạt 99,12% - cao hơn 2,24% so với tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đối với giáo dục thường xuyên của cả nước (96,88%), là kết quả cao nhất trong 5 năm qua.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Vương Hương Giang cũng thông tin về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và thu học phí năm học mới 2024-2025.

Về thu học phí năm học 2024-2025, các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố thực hiện mức thu học phí theo quy định tại Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND ngày 29/3/2024 của HĐND Thành phố Hà Nội.

Đối với cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý; thực hiện công khai theo quy định của pháp luật.

4ab04166dd12084c5103.jpg

Về việc tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2024-2025, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Vương Hương Giang cho biết, Lễ khai giảng sẽ được tổ chức thống nhất trên toàn địa bàn thành phố vào sáng ngày 5/9/2024.

Sở GD&ĐT đã lưu ý Lễ khai giảng cần được tổ chức gọn nhẹ, với học sinh là trung tâm, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh. Sau khai giảng, các trường cần duy trì nền nếp hát Quốc ca trong các buổi sinh hoạt đầu tuần, lễ kỷ niệm, tổng kết, tuyên dương, khen thưởng… tất cả các cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện hát Quốc ca trong không khí trang nghiêm, đúng lời, đúng giao điệu.

Đối với cấp học Mầm non: Tổ chức khai giảng theo hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo với nội dung phù hợp đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, nhằm tạo ấn tượng tốt, đảm bảo an toàn, sức khỏe của trẻ và bảo vệ môi trường trong ngày đầu tiên của năm học mới. Thời lượng tổ chức tối đa 60 phút.

Các cơ sở giáo dục ổn định và duy trì nền nếp học tập ngay sau Lễ Khai giảng; hướng dẫn tổ chức các hoạt động đầu năm học phù hợp với lứa tuổi của học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tiễn của địa phương; chú trọng xây dựng văn hóa học đường, đảm bảo an ninh an toàn trường học ngay từ những ngày đầu năm học; phối hợp với cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận, chia sẻ, hỗ trợ ngành giáo thực hiện tốt nghiệp vụ năm học./.

Bài liên quan
  • Bài 2: Ngành giáo dục Thủ đô tự tin bứt phá sau ngày thống nhất non sông
    Sau khi thống nhất đất nước (30/4/1975) và trong 30 năm đổi mới (1986-2016), ngành giáo dục Thủ đô đã có những bước chuyển biến căn bản toàn diện. Từ những lớp bình dân học vụ, bổ túc văn hóa... dưới sự chỉ đạo, quan tâm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, kết hợp với truyền thống hiếu học, trọng học từ ngàn đời, ngành giáo dục Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy nhân tố con người nhằm thúc đẩy sự phát triển Thủ đô và đất nước trong kỷ nguyên mới.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tăng 48.000 học sinh năm học 2024 - 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO