Chuyển động Hà Nội

Hà Nội phấn đấu đưa hai huyện Đông Anh và Gia Lâm thành quận trong năm 2024

Phan Anh 22:32 07/08/2024

Ngày 7-8, tại trụ sở UBND Thành phố, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo Thành phố).

anh-078-5-1723013907306711286751.jpg
Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, phấn đấu ít nhất đến cuối năm 2024, huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm được công nhận thành quận.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của thành phố Hà Nội; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn; các Phó Chủ tịch UBND thành phố: Hà Minh Hải, Nguyễn Mạnh Quyền và lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương dự hội nghị.

Báo cáo kết quả thực hiện Đề án của 5 huyện 6 tháng đầu năm 2024, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân, huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm đã hoàn thành các tiêu chí và đủ điều kiện theo tiêu chuẩn tối thiểu quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện, hai huyện đang phối hợp với Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Xây dựng xem xét, công nhận các tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dự kiến thành lập quận, phường, làm cơ sở hoàn thiện Đề án thành lập quận.

Đối với huyện Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng, về nhóm tiêu chuẩn “Diện tích tự nhiên” và “Quy mô dân số”, cả ba huyện đều đạt tiêu chí thành lập quận; tuy nhiên, tiêu chí thành lập phường cả 3 huyện đều chưa đạt. Nhóm tiêu chuẩn “Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế-xã hội” và “Hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị”, cả ba huyện đều chưa đạt 100% tiêu chí thành lập phường, thành lập quận.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050, 4 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng vẫn còn diện tích đất nằm ngoài khu vực phát triển đô thị. Trong đó, huyện Đan Phượng là đơn vị khó đáp ứng được yêu cầu quy hoạch đô thị toàn bộ ranh giới huyện. Về thực hiện các tiêu chí, hầu hết các xã của 5 huyện chưa bảo đảm tiêu chí tự cân đối thu, chi ngân sách.

Trong thời gian còn lại của năm 2024, ông Lê Anh Quân cho biết, đối với huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan hoàn thiện công tác lập hồ sơ đề án và làm việc với các bộ, ngành trung ương thẩm định; phấn đấu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt Đề án thành lập quận của huyện Đông Anh, Gia Lâm vào quý IV/2024 hoặc đầu quý I/2025.

Huyện Thanh Trì và huyện Hoài Đức chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án thuộc đối tượng đạt tiêu chí, đề án; phấn đấu huyện Thanh Trì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt Đề án thành lập quận vào quý II/2025 và huyện Hoài Đức vào quý III/2025. Huyện Đan Phượng chủ động phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Đề án.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, Thành phố đã tạo nhiều cơ chế, chính sách đầy đủ để các huyện có cơ hội hoàn thiện các bộ tiêu chí huyện thành quận, đồng thời quyết tâm đưa 5 huyện hoàn thành chương trình nông thôn mới nâng cao bằng những chính sách cụ thể.

Đối với vấn đề chỉ tiêu cân đối thu chi ngân sách tại các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, bà Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các huyện đẩy nhanh tiến độ đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư dự án, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu tự cân đối ngân sách cấp huyện; đối với cân đối ngân sách cấp xã, thành phố sẽ báo cáo Bộ Tài chính về việc khi thực hiện chính quyền đô thị, cấp phường chỉ là cấp dự toán.

Bà Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo cập nhật các quan điểm mới, xác định quy trình chuẩn trong thiết lập hồ sơ, bảo đảm thuyết trình đầy đủ, thuyết phục trình cấp có thẩm quyền; đồng thời UBND Thành phố cần phối hợp với các bộ, ngành thống nhất một số quan điểm trước khi hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, quan điểm của thành phố triển khai xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận nhằm thay đổi một cách thực chất về cơ sở vật chất, đời sống người dân ở tất cả các mặt.

"Đây là cơ hội rất tốt cho Hà Nội nhằm thay đổi tư duy về triết lý phát triển đô thị, phát triển Thủ đô", ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, phấn đấu ít nhất đến cuối năm 2024, huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm được công nhận thành quận; năm 2025, thành phố tập trung đưa huyện Thanh Trì và huyện Hoài Đức thành quận.

Để đạt được mục tiêu này, các sở, ngành thành phố, với vai trò đầu mối, phối hợp cùng cơ quan chuyên môn của các bộ, cơ quan trung ương để chủ động giải quyết những khó khăn, tạo điều kiện cho các huyện hoàn thành các tiêu chí và thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Khát vọng người lính trẻ
    Tôi tìm gặp Nho bên bờ sông. Nho đang ngồi xếp bằng, cúi mặt, tay xé mấy cọng lục bình. Nho buồn rười rượi…
  • Cơm cà muối mặn, rưng rưng ngày bão
    Đã hai ngày rồi, cơn bão ghé ngang qua nhà. Mẹ ngồi buồn bã trước thềm. Mưa gió, đàn vịt, đàn gà chẳng đi kiếm ăn được. Chúng nép mình dưới bụi chuối, co ro bởi đôi cánh đã ướt rượt. Đàn gà con nối đuôi nhau, lạc giọng tìm mẹ.
  • Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát triển Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” từ chính sách mới về tài chính, ngân sách, đầu tư
    Kết luận số 80-KL/TƯ gần đây, Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã xác định việc xây dựng và phát triển Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” là nhiệm vụ trọng tâm. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngoài tinh thần “Hà Nội vì cả nước – Cả nước vì Hà Nội”, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua đã có các chính sách mới về tài chính, ngân sách, đầu tư, huy động nguồn lực phát triển Thủ đô.
  • Hà Nội: Báo động lũ trên sông Bùi, sông Tích
    Hiện tại mực nước sông Bùi, sông Tích đang lên nhanh đáng báo động, cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm khi lũ lên cao gây sạt lở đất ở vùng ven sông, nguy cơ mất an toàn đối với các tuyến đê thuộc huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất,...
  • [Podcast] Nhà hát Lớn Hà Nội - Nơi hồi còi báo hiệu lễ thượng cờ lịch sử
    Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, Nhà hát Lớn Hà Nội là Di tích kiến trúc và lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia. Nơi đây gắn liền với Cách mạng tháng Tám 1945 và những năm đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng là nơi đã vang lên hồi còi báo hiệu lễ thượng cờ lịch sử vào 15 giờ ngày 10/10/1954 trước khi hàng vạn người dân Thủ đô hướng về Cột cờ Hà Nội để thực hiện nghi lễ chào cờ đầu tiên trong ngày giải phóng.
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội phấn đấu đưa hai huyện Đông Anh và Gia Lâm thành quận trong năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO