Hà Nội mở tuyến du lịch nội đô đầu tiên kết nối trung tâm với ngoại thành
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội”, là tuyến du lịch nội đô chính thức đầu tiên được công bố trong kế hoạch phát triển hệ thống các tuyến du lịch kết nối trung tâm Thủ đô với các địa phương ngoại thành Hà Nội.
Tối 12/4, cùng với lễ khai hội truyền thống Bình Đà xuân Giáp Thìn tại Đình Nội Bình Đà ( xã Bình Minh, huyện Thanh Oai), Sở Du lịch Hà Nội phối hợp cùng UBND huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức tổ chức Lễ công bố tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội”.
Trước đó, trong ngày 12/4, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức chương trình khảo sát, trải nghiệm tuyến du lịch kể trên tại 3 điểm đến du lịch đại diện cho hành trình khám phá di sản Nam Thăng Long - Hà Nội, đó là Đình Nội Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai); Làng nghề tăm hương xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa); Làng nghề dệt xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức).
Chiều cùng ngày, tại UBND huyện Thanh Oai (TP. Hà Nội), Sở Du lịch Hà Nội và UBND huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức phối hợp tổ chức tọa đàm “Giải pháp phát triển tuyến du lịch trung tâm Hà Nội – Thanh Oai - Ứng Hòa – Mỹ Đức thúc đẩy kết nối các điểm di tích – di sản và làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo 3 huyện trong tuyến du lịch kể trên, cùng các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành du lịch tại Hà Nội.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, cho biết, đây là tuyến du lịch nội đô chính thức đầu tiên được công bố trong kế hoạch phát triển hệ thống các tuyến du lịch kết nối Trung tâm Hà Nội với các địa phương ở ngoại thành Hà Nội và xa hơn là kết nối với các tỉnh, thành phố khác trong vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng.
Định hình nên các tuyến du lịch nội đô, trên cơ sở đó các đơn vị, doanh nghiệp du lịch sẽ đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, cung cấp các dịch vụ có chất lượng phục vụ du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt sẽ hình thành các chương trình du lịch đa dạng với chủ đề khác nhau, kết nối các điểm du lịch trên một hay nhiều tuyến du lịch.
“Khu vực phía Nam của Thủ đô Hà Nội với đậm đặc các làng nghề, di tích - văn hóa - lịch sử,… gắn với sự phát triển nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng, lịch sử đất nước và đặc biệt là lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Kết nối Trung tâm Hà Nội với ba huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa và Mỹ Đức thông qua trục quốc lộ 21B đã tạo ra những nét đầu tiên của bức tranh du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội”; kết hợp với nhiều tuyến du lịch đường bộ, đường thủy, thậm chí là đường sắt trong khu vực phía Nam Hà Nội chúng ta sẽ có đầy đủ chi tiết và sắc màu cho bức tranh phát triển du lịch phía Nam của Thủ đô”, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, nhấn mạnh.
Tại cuộc tọa đàm, Ban tổ chức đã nhận được các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thành phố và các địa phương để tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội – Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức trở thành tuyến du lịch có khả năng kết nối hiệu quả với các điểm di tích - di sản và làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đa số các ý kiến cho rằng đây là tuyến du lịch rất độc đáo, sự độc đáo thể hiện ngay từ tên gọi. Việc Sở Du lịch Hà Nội và huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức xây dựng nên “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội” là một dấu ấn của du lịch Thủ đô. Tuyến du lịch này sẽ góp phần phát huy giá trị làng nghề trong phát triển du lịch Hà Nội, nếu khai thác tốt tuyến du lịch sẽ tạo thành hình mẫu để nhân rộng ra nhiều địa phương khác của Hà Nội.
Tuy nhiên, để tuyến du lịch này phát triển, các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu điểm đến, xây dựng các dịch vụ, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư nguồn nhân lực và tuyến du lịch cần được kết nối, sự quan tâm của các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành./.
Đình Nội Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) gắn với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ - Truyền thuyết về tổ tiên của người Việt Nam. Sự khéo léo và cần cù của người Việt sống trên đồng bằng Bắc Bộ đã hình thành ra bao nhiêu làng nghề với đa dạng sản phẩm. Tất cả đã phát triển đến những đỉnh cao khác nhau về tính nghệ thuật trong nghề truyền thống.
Làng nghề tăm hương (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) nổi tiếng với điểm chụp ảnh bởi sự hấp dẫn về màu sắc và cách sắp đặt tăm hương; là điểm đến không chỉ để chụp ảnh mà du khách còn được khám phá nhiều nét đẹp khác về nghề và văn hóa ở địa phương này.
Làng nghề dệt (Xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức), thường gọi theo sản phẩm độc đáo Làng tơ tằm - tơ sen Mỹ Đức. Từ các công đoạn trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt vải, trồng sen làm sợi tơ sen, dệt thêu tơ sen đã làm cho sản phẩm trở nên độc đáo, đặc biệt là vải và thêu tơ sen, vải tơ tằm do con tằm tự dệt.
Tuyến du lịch bằng hành trình với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ gợi nhớ cho du khách về truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc; tăm hương kết nối trong tín ngưỡng, tâm linh, đời sống tinh thần đã đạt tới tầm nghệ thuật; sợi tơ tằm, tơ sen kết nối kỳ diệu hệ sinh thái tự nhiên với cuộc sống đời thường của người dân qua bàn tay khéo léo của người thợ hay “nhả vàng” của con tằm, tất cả những điều đặc biệt đó sẽ tiếp thêm động lực cho du khách gần xa dành nhiều thời gian hơn khám phá văn hóa, lịch sử trên “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội – Điểm về nguồi cội”.