“Hà Nội là hình mẫu Thành phố Sáng tạo cho các thành phố khác của Việt Nam và thế giới”
Đó là khẳng định của ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam về việc Hà Nội trở thành Thành phố Sáng tạo của UNESCO từ năm 2019, đã có nhiều hoạt động, đóng góp để thực hiện các cam kết và phát triển mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO.
“Ngay từ những ngày đầu, Thành phố Hà Nội đã dành sự nghiêm túc đặc biệt cho danh hiệu Thành phố Sáng tạo. Là một Thành phố Sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã xây dựng một loạt hoạt động mà thành phố dự định thực hiện trong những năm tiếp theo. Và tôi đánh giá Hà Nội đã thực hiện đúng những cam kết đó thời gian vừa qua” – ông Jonathan Wallace Baker, chia sẻ.
Thực tế đã chứng minh Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, đồng thời thu về nhiều kết quả tích cực khi gia nhập mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO từ năm 2019 thông qua các hành động, việc làm cụ thể. Điển hình là Hà Nội đã tổ chức thành công 3 mùa Lễ hội Thiết kế Sáng tạo, cùng đó Lễ hội năm 2024 diễn ra từ ngày 9/11 đến 17/11 tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo. Lần đầu tiên, “Giao lộ sáng tạo” được Hà Nội thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Thủ đô với hơn 100 hoạt động sáng tạo sôi nổi thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hoá như: kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo,…
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2024 với “Giao lộ Sáng tạo” không chỉ thí điểm một tuyến trải nghiệm về “Kinh tế sáng tạo” cho thành phố trong tương lai, mà còn là nơi thể hiện tiềm năng sáng tạo của Thành phố Hà Nội, góp phần cộng hưởng, kết nối và thu hút các nguồn lực sáng tạo; đánh thức tinh thần sáng tạo của các thế hệ người Hà Nội.
Đặc biệt, thông qua Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 giúp Thành phố có thêm nhiều sáng kiến sáng tạo, kết nối di sản thủ đô, thúc đẩy các nhà thiết kế trẻ. Lễ hội tạo nên sự cộng hưởng và nguồn cảm hứng sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân Thành phố, với một khát vọng được góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước bước vào kỉ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chia sẻ về việc Hà Nội chọn lĩnh vực thiết kế để gia nhập Thành phố Sáng tạo, ông Jonathan Wallace Baker, cho rằng, Hà Nội muốn gửi gắm thông điệp rằng thiết kế gắn liền với tất cả các lĩnh vực văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa và các ngành công nghiệp sáng tạo. Ở trong các ngành đó, chúng ta đều nhìn thấy sự sáng tạo và những nét độc đáo riêng của các loại hình thiết kế. “Tôi cho rằng đây là một sự lựa chọn hoàn toàn chính xác khi Hà Nội xây dựng hồ sơ đề cử. Hà Nội với những di sản phong phú được thể hiện trong hồ sơ kèm theo những cam kết và chương trình hành động của mình đã hoàn toàn thuyết phục được hội đồng thẩm định”, ông Wallace Baker đánh giá.
Kể từ khi được UNESCO công nhận là Thành phố Sáng tạo đầu tiên tại Việt Nam, Thành phố Hà Nội đã nỗ lực chung tay bảo tồn cả di sản vật thể và phi vật thể, qua đó nêu bật sự giao thoa giữa lịch sử của Hà Nội với những yếu tố hiện đại và đổi mới sáng tạo. Quyết tâm cao của chính quyền thành phố Hà Nội trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công - tư để phát triển nền công nghiệp văn hóa sáng tạo lấy giới trẻ làm nòng cốt. Có thể thấy, thành phố Hà Nội đã xác định rõ văn hóa là một động lực phát triển kinh tế - xã hội quan trọng
Bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, Trưởng đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Jonathan Wallace Baker khẳng định: “ Hà Nội là thành viên rất tích cực trong mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO và đã trở thành hình mẫu cho các tỉnh, thành phố khác ở Việt Nam như Hội An, Đà Lạt và các thành phố khác trong khu vực và trên thế giới.
Tôi nhấn mạnh những điểm đặc biệt trong công việc của Hà Nội với tư cách là Thành phố Sáng tạo, đó chính là khả năng kết hợp giữa tinh hoa truyền thống lâu đời mà Hà Nội đã gìn giữ như nghề thủ công, sơn mài hay làm lụa và kết hợp với các ý tưởng thiết kế hiện đại để mang đến một sự hòa quyện giữa sức trẻ và thế hệ mới và sự đa dạng mà thành phố có cùng với kho tàng tri thức, kỹ thuật truyền thống. Và đó là điều tạo nên sự đặc biệt mà Hà Nội đã thực hiện trong 5 năm qua”.
Ông Jonathan Wallace Baker cho rằng, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội chính là một phần quan trọng trong các hoạt động mà Thành phố đã triển khai thời gian qua với tư cách là một thành phố sáng tạo về thiết kế. Lễ hội không chỉ mở ra cơ hội để người dân Hà Nội hiểu hơn về sự sáng tạo phong phú của thành phố mà còn tạo cơ hội cho giới trẻ khám phá thêm về những tiềm năng sáng tạo của Thủ đô Hà Nội. Lễ hội Thiết kế Sáng tạo đồng thời cũng trở thành sân chơi cho các nghệ sỹ và những người sáng tạo tham gia, chia sẻ và kết nối.
“Đây là thời khắc quan trọng một dấu một đáng nhớ đối với cả thành phố và UNESCO. Chính vì vậy, chúng tôi rất vui mừng khi được đồng hành và hỗ trợ những nỗ lực của Thành phố Hà Nội trong việc tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo hàng năm, và cũng rất vui được tham gia vào sự kiện lần này. Khơi dậy sự sáng tạo của bạn, kiến tạo tương lai cho Hà Nội” - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Jonathan Wallace Baker, khẳng định.
Đến nay, sau 5 năm tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, có thể khẳng định đây là hướng đi đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng đối với Hà Nội trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, nhất là nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới hấp dẫn hơn cho Hà Nội.
Với thương hiệu “Thành phố Sáng tạo” về lĩnh vực thiết kế, đây sẽ là nền tảng, động lực để Thủ đô Hà Nội thu hút đầu tư quy mô lớn, phát triển đô thị, phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa gắn liền với tầm nhìn phát triển bền vững. Đặc biệt, đây cũng là động lực để Hà Nội đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó là các nhóm ngành như làng nghề, thời trang, kiến trúc, mỹ thuật, sân khấu điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn…
Thành phố Hà Nội chuẩn bị các điều kiện ra mắt Trung tâm điều phối hoạt động sáng tạo Hà Nội nhằm kết nối các đơn vị tổ chức cá nhân, chuyên gia, nghệ sỹ, nhóm cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Đồng thời thu hút kết nối các nguồn lực sáng tạo ở địa phương và quốc tế; giới thiệu, chia sẻ, hỗ trợ triển khai thí điểm các ý tưởng mới, bước đầu hình thành trung tâm ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, hoạt động thiết kế sáng tạo đỉnh cao là tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội thường niên hàng năm.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà.