“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và những ký ức không quên

Quỳnh Vân| 07/12/2022 17:30

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972 đã lùi xa cách đây nửa thế kỷ. Là người may mắn được gặp gỡ một số vị tướng từng là những người lính tham gia chiến dịch này, tôi đã được nghe họ kể lại nhiều câu chuyện trong những ngày tháng khói lửa đạn bom ngút trời Hà Nội. Những vị tướng ấy nay người còn người mất, nhưng câu chuyện mà họ sẻ chia vẫn như những thước phim quay chậm hào hùng và vô cùng ý nghĩa.

Hạ gục chiếc B-52 đầu tiên trong chiến dịch
Đối với Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu - nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân thì trận đánh hạ gục tại chỗ chiếc B-52 đầu tiên vào đêm 18/12 luôn in đậm trong ký ức. Ông bảo, sở dĩ ông rất nhớ bởi đây là một trong những trận đánh then chốt có ý nghĩa rất lớn cả về chính trị, quân sự và nghệ thuật chiến dịch, có tác dụng cổ vũ và động viên quân và dân ta giành nhiều chiến thắng lớn hơn.

Rồi ông kể lại, đêm 18/12, Mỹ huy động 90 lần chiếc B-52 ném 3 đợt bom xuống Thủ đô Hà Nội. Để đánh trả cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ, trước đó Bộ Tư lệnh Quân chủng đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm và bàn cách đánh B-52. Theo đó, tài liệu “Sách đỏ” cũng được phổ biến rộng rãi đến tất cả các kíp chiến đấu. Qua nghiên cứu tài liệu, cộng với qua quan sát thực tế hoạt động của máy bay B-52, bộ đội tên lửa đã sớm tìm ra quy luật hoạt động của chúng. Việc phân biệt B-52 thật, B-52 giả cũng được bộ đội nghiên cứu rất kỹ. Hiểu rõ được kẻ thù, tinh thần chiến đấu và quyết thắng của bộ đội ngùn ngụt lên cao. Tất cả các trận địa của binh chủng pháo cao xạ, tên lửa, ra đa, không quân, pháo binh… đều sẵn sàng.

chuan-bi-ten-lua-cho-chien-dich-phong-khong-thang-12-1972(1).jpg
Chuẩn bị tên lửa cho Chiến dịch Phòng không tháng 12/1972.

19 giờ 10 phút, các đài ra-đa cảnh giới của Binh chủng Ra đa báo cáo về Sở chỉ huy trung tâm: “B-52 đang bay vào hướng Hà Nội”. 19 giờ 25 phút, không quân ta được lệnh cất cánh đón đánh các tốp máy bay chiến thuật Mỹ (F-4, F-8, F-111, A-6, A-7...). Cùng lúc ở Tam Đảo, Việt Trì, các đài quan sát dồn dập báo về Sở chỉ huy trung tâm: Máy bay F-111 ném bom sân bay Nội Bài, Kép... Lập tức, còi báo động từ Nhà hát Lớn, quảng trường Ba Đình, ga Hàng Cỏ và nhiều nơi nội và ngoại thành nổi lên khẩn cấp. Từ 19 giờ 20 phút đến 20 giờ 18 phút, nhiều tốp máy bay B-52 liên tiếp dội bom xuống khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm...

Tại trận địa Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261 đứng chân trên địa bàn Cổ Loa. Kíp chiến đấu đã bắn tốp B-52 đầu tiên, nhưng không tiêu diệt được mục tiêu do chúng gây nhiễu quá dày đặc. Trận địa bị trúng bom, xe đài chỉ huy rung lắc mạnh, nhưng anh em ngay lập tức đã kịp tổ chức rút kinh nghiệm để chuẩn bị đánh đợt 2.
20 giờ 13 phút, tốp máy bay B-52 mang số hiệu 671 bay từ sườn Tam Đảo vào đánh Đông Anh. Phát hiện dải nhiễu hết sức mịn màng trên màn hiện sóng, xác định đúng B-52, các trắc thủ thay nhau báo phương vị, cự ly của tốp B-52. Khi chúng vào gần, được lệnh của Tiểu đoàn trưởng, Sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận mở máy phát sóng bắt mục tiêu B-52 ở cự ly 30km, các trắc thủ điêu luyện bám sát dải nhiễu B-52. Sau tiếng hô “Phóng!” của Tiểu đoàn trưởng, Dương Văn Thuận liền ấn nút phóng 2 quả tên lửa bằng phương pháp T/T. Tên lửa gặp máy bay B-52 nổ tung. Tín hiệu nhiễu đậm mịn trên màn huỳnh quang vụt tắt. Các trắc thủ đồng loạt hô: “Mất nhiễu”. Đồng chí trắc thủ quan sát mắt cũng hô to: “Cháy rồi, cháy rất to!”. Cùng với tiếng hò reo như muốn nổ tung trận địa là hình ảnh xác B-52 biến thành bó đuốc khổng lồ rơi xuống cánh đồng Chuôm, cách trận địa chưa đầy 10km, 3 giặc lái bị bắt sống…

Theo Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, đây là chiếc B-52 bị hạ tại chỗ đầu tiên trong chiến dịch. Tin Tiểu đoàn 59 bắn rơi B-52 tại chỗ được báo về Sở chỉ huy Quân chủng. Qua “đường dây nóng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương cán bộ, chiến sĩ Đoàn Phòng không Hà Nội, đặc biệt là bộ đội tên lửa đánh giỏi, lập công xuất sắc. Đây thật sự là niềm cổ vũ lớn lao đối với quân và dân Thủ đô Hà Nội đồng thời củng cố lòng tin về cách đánh B-52 đối với toàn quân.
Bảo đảm đạn tên lửa cho chiến dịch 12 ngày đêm

Cách đây vài năm khi Trung tướng Lương Hữu Sắt còn sống tôi may mắn được gặp ông. Lúc ấy, dẫu đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nhắc về một thời trận mạc, giọng ông như sang sảng hơn. Ông kể: “Ngày ấy tôi vinh dự được cấp trên giao nhiệm vụ cùng với đội ngũ cán bộ Cục kỹ thuật Quân chủng tổ chức bảo đảm vũ khí trang bị cho các đơn vị hỏa lực của Phòng không - Không quân đánh máy bay Mỹ, trong đó có việc bảo đảm đạn cho các đơn vị tên lửa. Đầu năm 1972, ta mở chiến dịch Trị Thiên trên đã lệnh cho Cục Kỹ thuật chuyển 700 quả đạn vào chiến trường. Thế nhưng do đường xa hiểm trở, địch lại đánh phá rất ác liệt nên ròng rã suốt 4 tháng trời mới chỉ chuyển được 400 quả đạn. Tháng 4/1972, đế quốc Mỹ ném bom ra miền Bắc, việc vận chuyển đạn phải ngừng lại. Trước tình hình đạn tên lửa ở miền Bắc lúc ấy khá khó khăn, Cục Kỹ thuật phải tính toán phục hồi 300 quả đạn hỏng đang nằm ở kho Sóc Sơn (Quảng Ninh) để cấp phát cho các đơn vị. Tháng 8/1972, số đạn Liên Xô hỗ trợ cho ta mới đến ga Đồng Đăng. Quân chủng giao cho Cục Kỹ thuật lập trạm tiếp nhận ở Lạng Sơn”.

be-phong-ten-lua-cua-tieu-doan-59-trung-doan-261-da-ban-roi-chiec-b-52-dau-tien.jpg
Bệ phóng tên lửa của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261 đã bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên.

Tuy nhiên, để số đạn tên lửa kia về được mỗi trận địa, ông cùng đồng đội phải sử dụng xe chuyên dụng vận chuyển những thùng đựng đạn đến nơi cất giấu an toàn cách đó vài chục cây số, mà phải di chuyển trong đêm để tránh con mắt cú vọ của kẻ thù. Cứ ròng rã tuần tự như thế, đến tháng 11/1972, 1.000 quả đạn tên lửa đã được chuyển an toàn từ nước bạn về Việt Nam.

“Khi ta bước vào chiến dịch 12 ngày đêm, các đơn vị tên lửa trên miền Bắc cũng có một số đạn dự trữ, nhưng không đáng kể. Để phục vụ cho các trận địa tên lửa của Hà Nội và thành phố Hải Phòng, có hai tiểu đoàn, hai dây chuyền sản xuất đạn. Họ được bổ sung thêm quân liên tục thay nhau sản xuất cả ngày lẫn đêm để kịp có đạn cho bộ đội chiến đấu. Tuy nhiên, mới chỉ qua hai đêm đầu tiên của chiến dịch, nguy cơ thiếu đạn tên lửa đã xảy ra. Ngay cả khi Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân chủ trương dành tên lửa chỉ đánh B-52 thì hầu như đêm nào cũng có những tiểu đoàn phải đánh đến quả đạn cuối cùng. Để khắc phục tình trạng thiếu đạn tên lửa, Tư lệnh Quân chủng trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi phải chỉ đạo tìm phương án tháo gỡ. Lúc đó ta có Tiểu đoàn kỹ thuật 95 đang sản xuất đạn phía bắc sông Hồng và Tiểu đoàn 80 sản xuất đạn ở Phùng. Tôi đề nghị điều tiểu đoàn kỹ thuật của Trung đoàn 274 tăng cường cho dây chuyền sản xuất tên lửa của Tiểu đoàn 80; điều đội lắp ráp đạn của xưởng A31 xuống tăng cường tiếp cho Tiểu đoàn 80. Với khẩu hiệu “Tất cả cho chiến đấu!”, “Tất cả cho sản xuất đạn tên lửa”, cả guồng máy lắp ráp đạn tên lửa được vận hành hết công suất. Sản lượng tăng gấp đôi. Thêm vào đó, trước đây ta bố trí các bãi lắp ráp đạn tên lửa ở xa nhau là để giảm tổn thất nếu bị Mỹ ném bom, nay tốc độ lắp ráp này không thể nào đáp ứng nổi. Phải cải tiến quy trình, thao tác, để làm sao trong một ngày đêm có thể cung cấp được một số lượng đạn tên lửa nhiều hơn. Qua nhiều ngày đêm cùng anh em trong đơn vị tìm tòi, Tiểu đoàn trưởng kỹ thuật Dương Quảng Châu đã đề ra sáng kiến mới: Nạp nhiên liệu sẵn, lắp ráp đạn ngay trên xe kéo đạn và hợp lý hóa một số động tác kỹ thuật, vì thế mà năng suất lắp ráp đạn trong một ngày đêm tăng lên gấp đôi. Cục Hậu cần Quân chủng còn cho mở kho, xuất đường, sữa, thịt hộp, lương khô... vốn là tiêu chuẩn dành riêng cho cán bộ, chiến sĩ đi B để bồi bổ sức khỏe cho các anh em các tiểu đoàn kỹ thuật. Cả những viên thuốc làm dịu thần kinh, chống cơn buồn ngủ cũng được gửi đến tận tay chiến sĩ. Nhờ những biện pháp tích cực nói trên, tình trạng lắp ráp đạn không theo kịp yêu cầu chiến đấu đã cơ bản được giải quyết. Khi địch đưa B-52 ồ ạt vào ném bom Hà Nội, ta đã có đủ cơ số đạn tên lửa để nghênh tiếp chúng. Điển hình là đêm 26/12, địch sử dụng 105 lần chiếc B-52 đánh liên tục, tập trung vào nhiều mục tiêu quan trọng ở Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên; có 8 máy bay B-52 bị lưới lửa phòng không của ta bắn hạ”, Trung tướng Lương Hữu Sắt kể.

81 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 34 máy bay B-52 là con số thật ấn tượng, làm nức lòng quân dân cả nước khi nói về chiến thắng 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972. Trong chiến công chung ấy, có một phần đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ ngành Kỹ thuật Phòng không - Không quân. Họ đã thể hiện rõ nét tính chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, không quản ngày đêm gian nan, vất vả để lắp ráp và vận chuyển đủ cơ số đạn tên lửa cho các trận địa trút lửa xuống đầu thù. Với Trung tướng Lương Hữu Sắt, đó là một chiến công thầm lặng mà chứa đựng rất nhiều ý nghĩa.

Bài liên quan
  • Khai mạc trưng bày “Hà Nội, ký ức 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không”
    Hướng tới Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022), sáng 5/12, Trung tâm Lưu trữ lịch sử TP Hà Nội (Chi cục VTLT Hà Nội) phối hợp Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục VTLT Nhà nước) tổ chức trưng bày “Hà Nội, ký ức 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không”.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Từ trong ta một tiếng người...
    Trong môn chạy bộ đường dài Marathon, vận động viên không chỉ cần có sức bền tốc độ và phải có các bước bứt phá, mới hy vọng trở thành người thắng cuộc. Có sức bền tốc độ, đã khó. Có các bước bứt phá tiếp theo, xem ra còn khó khăn hơn nhiều. Không đáp ứng cùng lúc hai đòi hỏi trên, vận động viên không thể giành được thứ hạng cao. Trong văn chương nói chung và thi ca nói riêng, cũng vậy!
  • Nhà văn trẻ Cao Việt Quỳnh mắt bộ tiểu thuyết kì ảo “Lục địa rồng”
    “Lục địa rồng” bộ tiểu thuyết dài 5 tập của tác giả Cao Việt Quỳnh vừa được NXB Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc. Bộ sách được hoàn thiện vào năm 2023 khi tác giả 15 tuổi, không chỉ thể hiện bước trưởng thành trong sáng tác của Cao Việt Quỳnh mà còn cho thấy tín hiệu đáng mừng từ dòng truyện fantasy thuần chất Việt.
  • Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát triển văn hóa, Hà Nội là địa phương tiên phong
    Tại Hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sáng 29/10 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, bà Phạm Thị Thinh – Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, cho biết, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hà Nội là địa phương tiên phong, có nhiều cách làm cụ thể để phát triển văn hóa như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944 - 2024).
  • Miền Bắc hửng nắng trước khi rét diện rộng
    Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, ngày 30/10, miền Bắc sắp đón thêm đợt không khí lạnh khá mạnh, nhiệt độ nhiều nơi sẽ giảm sâu, trời rét. Trong khi đó, khu vực Trung Trung Bộ tiếp tục có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có nơi mưa to.
  • Lễ hội Khinh khí cầu Tràng An - Cúc Phương đón khoảng 35 nghìn lượt khách
    Đây là hoạt động trong chuỗi các hoạt động văn hóa, du lịch chào mừng kỷ niệm 10 năm Quần thể Danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (2014 - 2024),
Đừng bỏ lỡ
“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và những ký ức không quên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO