Hà Nội đề xuất trợ cấp thêm cho người có công và thân nhân
Hà Nội đề xuất trợ cấp người có công và thân nhân 0,5 lần mức chuẩn, tương đương 1.027.500 đồng/tháng.
Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH xin ý kiến xây dựng Nghị quyết HĐND TP quy định chính sách đặc thù hỗ trợ trợ cấp đối với người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng của thành phố Hà Nội.
Theo đó, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, hiện nay, Hà Nội đang quản lý và thực hiện chế độ chính sách với trên 800.000 đối tượng hưởng chính sách người có công với cách mạng, trong đó có gần 80.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 55/2023/NĐ-CP của Chính phủ thì mức trợ cấp ưu đãi đối với một số đối tượng người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng còn thấp dưới mức thu nhập bình quân đầu người/tháng của người trong hộ có mức sống trung bình khu vực thành thị của Thành phố Hà Nội (mức 2.500.000 đồng/người/tháng).
Bên cạnh đó, người có công với cách mạng và thân nhân đa số tuổi cao, sức khỏe yếu (trên 90% người có công là người cao tuổi, mắc các bệnh mãn tính hoặc bệnh hiểm nghèo) cần được chăm sóc, giúp đỡ thường xuyên;
Chủ yếu hưởng trợ cấp hằng tháng từ nguồn trợ cấp ưu đãi, có trên 65% người có công và thân nhân không có lương hưu, 40% đang sống một mình hoặc sống nhờ sự hỗ trợ của gia đình dòng họ, trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng của thành phố Hà Nội cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Vì vậy, để hỗ trợ kịp thời người có công nhằm nâng cao mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã nghiên cứu, tham mưu UBND TP trình HĐND TP xây dựng Nghị quyết quy định chính sách đặc thù hỗ trợ trợ cấp đối với người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng của thành phố Hà Nội.
Đối tượng áp dụng chính sách hỗ trợ trợ cấp là người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng của TP Hà Nội theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, bao gồm:
+ Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945;
+ Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
+ Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
+ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
+ Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;
+ Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993; người hưởng chính sách như thương binh;
+ Bệnh binh;
+ Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;
+ Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;
+ Người có công giúp đỡ cách mạng;
+ Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất ưu đãi hàng tháng.
Mức hỗ trợ dự kiến bằng 0,5 lần mức chuẩn người có công theo quy định của Chính phủ.
Đề xuất này của UBND TP Hà Nội là để hỗ trợ kịp thời người có công nâng cao mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn TP. Và đây cũng là một giải pháp đảm bảo về mặt an sinh xã hội cũng như thể thiện sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đối với người có công với cách mạng và phù hợp với các quy định pháp luật, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công./.