Hà Nội: các ngành nghề tăng trưởng ổn định, cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số được đẩy mạnh
Đây là thông tin được UBND Thành phố Hà Nội công bố tại cuộc họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội quý II năm 2024, diễn ra chiều 26/6.
Đồng chí Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cùng đồng chí: Trương Việt Dũng – Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội; Nguyễn Thị Mai Hương – Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông chủ trì họp báo. Ngoài ra, dự họp báo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của Thành phố cùng phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương, Thủ đô Hà Nội. Buổi họp báo cũng được kết nối trực tuyến đến các trụ sở UBND 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Khách quốc tế đến Hà Nội tiếp tục tăng, đạt 2,150 triệu lượt
Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội Lê Trung Hiếu, cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 252.054 tỷ đồng, đạt 61,7% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ, trong đó các khoản thu từ xuất nhập khẩu, từ dầu thô và thu nội địa đều tăng so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 47.973 tỷ đồng, đạt 34,0% dự toán, tăng 24,2% so với cùng kỳ, trong đó Chi đầu tư phát triển 22.871 tỷ đồng, đạt 28,2% dự toán, tăng 43,6%.
Cùng đó, 6 tháng đầu năm 2024, GRDP Hà Nội ước tăng 6,0% (cùng kỳ tăng 5,97%). Trong đó: Dịch vụ tăng 6,55% (cùng kỳ tăng 7,54%); Công nghiệp và xây dựng tăng 5,37% (cùng kỳ tăng 3,28%); Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,94% (cùng kỳ tăng 2,24%); Thuế sản phẩm tăng 4,38% (cùng kỳ tăng 2,41%). Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 8.891 triệu USD, tăng 11,0% (cùng kỳ giảm 2,7%). Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 19.668 triệu USD, tăng 14,9% (cùng kỳ giảm 16,3%).
Chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 5,32% (cùng kỳ tăng 1,22%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, chỉ có nhóm hàng giảm giá là bưu chính viễn thông. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định; công nghiệp tăng khá.
Đáng chú ý, theo ông Lê Trung Hiếu, du lịch Thủ đô duy trì tăng trưởng khá. “Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) ước đạt 3,042 triệu lượt, tăng 36,9% (cùng kỳ tăng 46,5%); trong đó: khách quốc tế 2,150 triệu lượt, tăng 48,4%; khách nội địa 892 nghìn lượt, tăng 15,4%. Tổng thu ước đạt 55.385 tỷ đồng, tăng 22,8%” - ông Lê Trung Hiếu, cho biết. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp Thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm tiếp tục phát triển ổn định; thu hút đầu tư nước ngoài đạt khá; tình hình doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, số đăng ký mới giảm.
Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số
Cùng với những kết quả kể trên, theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, Thủ đô là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID) trên địa bàn thành phố Hà Nội (Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND ngày 15/5/2024 của HĐND Thành phố; trong đó hỗ trợ 100% mức phí phải nộp cho công dân Việt Nam thường trú trên địa bàn thành phố Hà Nội có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID).
Trước đó Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND Thành phố; trong đó, mức thu bằng “không” áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến).
Hà Nội đã thực hiện vận hành chính thức nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Thành phố (LGSP), kết nối với 7 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của Thành phố và 14 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của quốc gia và các Bộ, ngành. Một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp đang được triển khai thử nghiệm nhằm xây dựng thành phố thông minh, hiện đại như: Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi); Hồ sơ sức khỏe điện tử Thành phố trên VneID, Cấp lý lịch tư pháp trên VneID; Ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) cho vận tải hành khách công cộng; Thí điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt, nhằm tạo sự minh bạch trong công tác thu phí trông giữ phương tiện và giảm ùn tắc ở trung tâm thành phố;…
Một số mô hình kinh tế số, xã hội số điển hình đã được các quận, huyện triển khai tích cực, trong đó một số mô hình nổi bật như: “Thanh toán không dùng tiền mặt”, “Chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt”, “Chuyển đổi số trong trường học” như: đăng ký sử dụng chữ ký số cho giáo viên; lưu trữ hồ sơ điện tử; thu học phí không dùng tiền mặt, nộp thuế điện tử qua app eTax Mobile (theo hướng dẫn của ngành Thuế), “Bộ phận Một cửa Hiện đại - Chia sẻ - Hỗ trợ”, triển khai hạ tầng mạng không dây, Internet miễn phí phục vụ người dân…
Văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển
Kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và tu bổ, tôn tạo di tích được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện. Một số di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Tập trung triển khai phát động và tổ chức các chương trình hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục giữ vững, đoàn Hà Nội tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi cấp quốc gia; đảm bảo tổ chức an toàn, hiệu quả cho 108.573 thí sinh của Hà Nội thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được cải thiện, dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ; Hệ thống giám sát, phát hiện bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng phòng chống dịch bệnh tiếp tục được duy trì. An sinh xã hội được đảm bảo; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng; Kết quả đến ngày 14/6/2024 đã có 686/724 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khởi công, đạt 94,8% kế hoạch, trong đó có 272 nhà đã hoàn thành (114 nhà xây mới; 158 nhà sửa chữa) với kinh phí 30,81 tỷ đồng./.
6 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã đẩy nhanh công tác quy hoạch; xây dựng và phát triển hạ tầng, đô thị; Quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường được tăng cường; Hoàn thiện Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với những cơ chế vượt trội để phát triển Thủ đô; Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng đồng bộ giữa cải cách thủ tục và cải cách bộ máy, thể chế; tiếp tục quan tâm công tác dân tộc, tôn giáo; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, lãng phí; Công tác quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; các hoạt động đối ngoại tiếp tục duy trì và phát triển…
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội Thành phố đã thực hiện tốt quy chế phối hợp với UBND Thành phố triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, kế hoạch công tác gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tích cực triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đã tiếp nhận ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” năm 2024 số tiền trên 25,7 tỷ đồng.