Hà Nội ban hành danh mục các di tích, công trình, tuyến phố có giá trị lịch sử cần được bảo vệ
Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn vừa ký ban hành Nghị Quyết số 24/NQ-HĐND về danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội (Đợt 1).

Theo đó, Xét Tờ trình số 112/TTr-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2025 của Ủy ban nhân dân Thành phố về dự thảo Nghị quyết ban hành Danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội (Đợt 1); Các văn bản của Ban Đô thị Hội đồng nhân dân Thành phố...
Thành phố Hà Nội đã ra Nghị Quyết ban hành Danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội (Đợt 1), bao gồm:
Về danh mục Di sản văn hóa vật thể: Danh mục di tích tiêu biểu do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quản lý, gồm: 10 di tích; Danh mục di tích được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt có 22 di tích; Danh mục các di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia có 1.164 di tích; Danh mục các di tích đã được xếp hạng cấp Thành phố, gồm 1.600 di tích; Danh mục di tích cách mạng kháng chiến đã được xếp hạng, gồm 46 di tích; Danh mục địa điểm gắn biển lưu liệm sự kiện cách mạng kháng chiến, gồm 354 điểm; Danh mục bảo vật Quốc gia đã được công nhận, gồm 34 bảo vật; Danh mục Làng cổ, gồm 01 làng cổ.
Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể có: Danh mục di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh, gồm: 6 di sản; Danh mục di sản văn hóa được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, gồm: 42 di sản; Danh mục Làng nghề, Làng nghề truyền thống và Nghề truyền thống tiêu biểu Hà Nội, gồm: 182 Làng nghề, 54 Làng nghề truyền thống, 7 nghề truyền thống.
Về danh mục các ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử gồm có: Các tuyến phố trong Khu phố cổ Hà Nội thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp I, gồm: 21 tuyến phố; Các tuyến phố trong Khu phố cổ Hà Nội thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp II, gồm: 40 tuyến phố; Các đoạn tuyến phố thuộc Khu phố cũ Hà Nội của tuyến phố có nhiều biệt thự có giá trị kiến trúc đặc biệt, gồm: 16 đoạn tuyến phố; Các đoạn tuyến phố thuộc Khu phố cũ Hà Nội của tuyến phố có nhiều biệt thự có giá trị kiến trúc đáng chú ý, gồm: 11 đoạn tuyến phố.
Về danh mục các công trình khác có giá trị kiến trúc: Danh mục biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954, gồm 222 biệt thự xếp nhóm 1 và 356 biệt thự xếp nhóm 2; Danh mục công trình kiến trúc công cộng được xây dựng từ trước năm 1954, gồm 40 công trình có giá trị đặc biệt và 21 công trình có giá trị đáng chú ý.
Ủy ban nhân dân Thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết; tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ và huy động các nguồn lực của tổ chức, cá nhân nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa; Nghiên cứu phương án điều chỉnh sửa đổi danh mục phù hợp sau khi hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố, các Tổ đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
Thành phố Hà Nội đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động trong nhân dân và giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết./.