GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: “Người không cũ” của Hà Nội
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính đã dành cả cuộc đời của mình cho kiến trúc, dành tình yêu cho Hà Nội - mảnh đất ông sinh ra và lớn lên. Sau khi tốt nghiệp Đại học kiến trúc Matxcơva năm 1967 và bảo vệ luận án Phó tiến sĩ kiến trúc về di sản và trùng tu năm 1977, ông trở về nước. 20 năm giữ chức Giám đốc Trung tâm thiết kế và tu bổ di tích Trung ương (nay là Viện Bảo tồn di tích), Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam,… ông đã dành trọn kiến thức, tâm huyết cho công tác bảo tồn, trùng tu di tích để gìn giữ và phát huy những di sản cha ông. Giải thưởng Lớn, Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, năm 2024 vinh danh GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính như khẳng định lại những đóng góp của ông trong suốt hơn nửa thế kỉ qua.
Hơn 10 năm về trước, tôi được gặp KTS. Hoàng Đạo Kính trong những ngày đầu tiên mở cửa ngôi nhà di sản Mã Mây để đón khách tham quan. Lúc ấy, ông là cố vấn cho Ban quản lý phố cổ Hà Nội. Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là sự khiêm nhường, từ tốn trong cách chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để những công trình vốn được tôn vinh là di tích không bị “đóng băng” trong dòng chảy cuộc sống nhộn nhịp của phố phường. Những tâm tư của KTS. Hoàng Đạo Kính ngày nào vẫn còn nguyên tính “thời sự” cho đến hôm nay, khi UBND quận Hoàn Kiếm đang dành nguồn lực cho việc giải phóng mặt bằng, trùng tu, tu bổ các cụm, điểm công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng để “hồi sinh” di sản.
Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính sinh ra trong một gia đình trí thức tại Kẻ Lủ (làng Kim Lũ, nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ông là con trai nhà văn hóa, nhà cách mạng Hoàng Đạo Thúy, cháu nội chí sĩ yêu nước Hoàng Đạo Thành. Là người gắn bó suốt cuộc đời với Hà Nội, ông đúc kết: “tinh hoa của Hà Nội khiêm nhường lắm”. Có lẽ vì thế mà khi được giao trùng tu các công trình, cụm, điểm di tích thì dù bất cứ nơi đâu, ông đều đề cao trách nhiệm, giữ gìn từ những điều tưởng như khiêm nhường ấy.
Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nhận định, từ một kinh thành thời phong kiến, Hà Nội dần thay đổi khi văn minh, văn hóa phương Tây theo chân người Pháp du nhập vào Việt Nam. Sự xuất hiện của tầng lớp tư sản đầu thế kỉ 20 khiến văn hóa Hà Nội thay đổi nhiều. “Người Hà Nội xưa coi trọng văn hóa ứng xử, từ lời ăn tiếng nói, đến sự lễ độ, nhường nhịn, không khoe khoang. Cửa hàng ngày xưa không quảng cáo mà bằng sự tín nhiệm, truyền miệng, tín về thể diện gia đình,… Việc học hành cũng rất được chú ý. Gìn giữ, bảo lưu được nếp sống của người Hà Nội cũ thì rất khó nhưng ở đâu đó trong sâu lắng thì văn hóa nếp sống, văn hóa thị thành Hà Nội vẫn còn, nên khuyến khích để gọi tên, bênh vực”, ông chia sẻ.
Trong vai trò một kiến trúc sư chuyên về bảo tồn di tích, quan điểm của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính là phải gìn giữ cho được cả yếu tố vật thể và phi vật thể. Một công trình kiến trúc tồn tại hàng trăm năm, trải qua bao thế hệ, luôn có sự thay đổi theo thời gian, phản ánh giá trị sử dụng, giá trị văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán, giá trị khoa học - kĩ thuật… của con người thời kì ấy. Theo đó, bảo tồn di tích là giữ gìn những yếu tố hữu hình và vô hình. Tại Hà Nội, ông từng chủ trì tu bổ đình Tây Đằng, chùa Kim Liên, chùa Bút Tháp, chùa Tây Phương, chùa Thầy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn Hà Nội… Ở những địa phương khác, dấu ấn của KTS Hoàng Đạo Kính trải dài từ Bắc chí Nam, tiêu biểu như quần thể kiến trúc cung đình Huế, hệ thống tháp Chăm, phố cổ Hội An, làng cổ Phước Tích…
Đình Tây Đằng - ngôi đình tiêu biểu trong hệ thống đình làng Việt có tuổi đời 500 năm ở huyện Ba Vì, Hà Nội là một trong những di tích đầu tiên của Hà Nội mà KTS Hoàng Đạo Kính phụ trách việc trùng tu ở thời điểm ông còn rất trẻ - những năm 70 của thế kỉ 20. Ông đã đưa ra các giải pháp: hạn chế tối đa sự thay thế; nếu cấu kiện nào đó bị hư hại thì tu sửa theo kỹ thuật truyền thống “chắp - vá - nối” để giữ lại nó. KTS. Nguyễn Trí Thành - Phó Trưởng khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nhận định: “Giá trị của một di sản gồm có vật thể và phi vật thể. Làm sao giữ được cả hệ thống ấy, thậm chí giữ được cả những khuyết tật, người ta cứ nghĩ là không đáng giữ… chứ không phải trơn, nhẵn, mịn màng, thì KTS Hoàng Đạo Kính đã làm được điều đó. Ông đã tránh được việc làm mới, tân trang di tích, dùng “mỹ phẩm” làm cho nó bóng mượt”.
Không chỉ với công trình kiến trúc dân gian như đình, đền, chùa, tinh thần ấy cũng thể hiện ở việc trùng tu di tích thời Pháp thuộc mà Nhà hát Lớn là ví dụ điển hình. GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính đã được “chọn mặt gửi vàng” để trùng tu công trình thời Pháp này. Dẫu biết rằng, kiến trúc gỗ trong các công trình dân gian của nước ta khác kiến trúc bằng gạch, đá của Phương Tây nhưng KTS Hoàng Đạo Kính là người thấu hiểu nguyên tắc của việc bảo tồn, nhận biết được giá trị của mỗi loại công trình và giữ gìn cho được giá trị ấy.
Trong căn nhà nhỏ chứa đầy kỉ niệm của gia đình, KTS Hoàng Đạo Kính vẫn luôn dành thời gian để gặp gỡ những kiến trúc sư trẻ, nhà báo, những người dành tình yêu với Hà Nội như ông và luôn có những tâm tư cho kiến trúc nước nhà… và chìm đắm trong một khoảng lặng tâm hồn để vẽ. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng tình yêu và niềm trăn trở với Hà Nội dường như chẳng hề vơi cạn. Với ông, Hà Nội dẫu ngày càng được mở rộng và phát triển nhưng hồn cốt của Thủ đô vẫn chất chứa trong “phần lõi” đô thị. Do đó, việc duy trì, phát triển tiếp nối sao cho có sự chuyển hóa mềm là điều vô cùng cần thiết. Điều căn cốt trong cuộc cạnh tranh giữa các đô thị trên thế giới, không chỉ là quy mô, sự hiện đại, tốc độ phát triển mà là nét riêng, sự đặc sắc của đô thị. Bởi thế, theo ông Hà Nội còn phải mang trong mình sứ mệnh của “đô thị tinh hoa”./.