Góp phần làm phong phú thêm truyền thống văn hiến Thăng Long - Hà Nội

hanoimoi| 24/08/2020 12:07

Các dân tộc thiểu số ở Hà Nội có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, có kho tàng văn học dân gian đồ sộ và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nhân dịp Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2020 - 2025) vừa diễn ra tại Hà Nội, Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Yên Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội về vấn đề này.

Góp phần làm phong phú thêm truyền thống văn hiến Thăng Long - Hà Nội

- Văn học dân gian nói chung, văn học dân gian của các dân tộc thiểu số ở Thủ đô Hà Nội nói riêng, là một kho tàng di sản phong phú. Ông đánh giá như thế nào về kho báu này?

- Đây là câu hỏi không dễ trả lời chính xác vì công tác sưu tầm văn học dân gian (VHDG) của các dân tộc thiểu số ở Hà Nội trong nhiều năm qua mới chỉ làm phát lộ một phần nhỏ từ kho tàng này. Cho đến nay, công trình sưu tầm được coi là có dung lượng lớn nhất là Kho tàng văn học dân gian Hà Tây, ấn hành năm 2006, cũng mới chỉ công bố được mấy chục tác phẩm VHDG của người Mường và Dao. Rõ ràng, đó là phần rất nhỏ so với trữ lượng kho báu VHDG của các dân tộc thiểu số được dự báo là rất lớn. Chúng tôi cũng băn khoăn vì cuốn sách này, hay bất cứ cuốn sách nào tương tự, chắc chắn chưa thể đầy đủ vì sức sáng tạo của các dân tộc là vô tận và chúng ta mới chỉ làm được rất ít việc sưu tầm, còn bỏ trống nhiều địa bàn, nhất là những nơi định cư của đồng bào các dân tộc rất ít người.

- Lý do nào khiến việc sưu tầm VHDG của các dân tộc thiểu số ở Hà Nội chưa được như kỳ vọng, thưa ông?

- Trước hết, phải khẳng định việc sưu tầm VHDG nói chung đã được tiến hành từ xưa bởi các cá nhân tâm huyết. Cho đến nay, đây vẫn là kênh sưu tầm rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, vì đó là việc làm tự phát nên hoàn toàn phụ thuộc vào tâm huyết của cá nhân, chưa kể nếu muốn in thành sách thì còn gặp khó khăn về kinh phí, số lượng và phạm vi phát hành... Mấy chục năm qua, khi có kênh sưu tầm VHDG chính thống do các cơ quan chức năng tổ chức thì việc này đã có nhiều thành tựu. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, kết quả chưa được như kỳ vọng. Ở đây, phải xem lại cách tổ chức, động viên đã hợp lý, hiệu quả chưa; đã huy động được nhiều người tham gia chưa; có duy trì thường xuyên và mở rộng không... Đó là chưa kể việc sưu tầm VHDG của các dân tộc thiểu số còn có thêm những khó khăn khác, đặc biệt là sự khác biệt về ngôn ngữ. Vì khác biệt về ngôn ngữ nên phải dịch, mà dịch thì dễ làm thay đổi nội dung, sắc thái, dẫn đến đánh giá không đầy đủ về giá trị tác phẩm.

- Theo ông, tác phẩm VHDG của các dân tộc thiểu số ở Thủ đô Hà Nội có đặc trưng gì nổi bật, không lẫn với VHDG của người Kinh?

- Đây là vấn đề lý thú, và có hai điểm mấu chốt cần phải làm rõ. Thứ nhất là đặc trưng về thể loại. Nếu “dịch” ra quốc ngữ thì có tục ngữ, ca dao, thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, trường ca, sử thi..., nhưng nếu để nguyên bản thì có ví, đúm, mo, khan..., không thể lẫn với VHDG của người Kinh. Thứ hai là “chất” trong phong cách biểu đạt nhận thức, tư tưởng, thẩm mỹ. Hầu hết các tác phẩm VHDG của các dân tộc thiểu số ở Hà Nội đều thiên về sự bộc lộ những khám phá về thế giới, giải thích các hiện tượng tự nhiên, xã hội bằng tư duy cảm tính. Cách giải thích đó có thể chưa hoàn toàn chính xác nhưng lại tạo ra sự huyền ảo, sức hấp dẫn đặc biệt. Nếu được đọc, đặc biệt là nghe biểu diễn trực tiếp và hiểu được truyện thơ, mo (sử thi mo - sử thi thần thoại), khan (sử thi khan - sử thi anh hùng)... thì sẽ thấy giá trị to lớn về nội dung và nghệ thuật VHDG của các dân tộc thiểu số.

Góp phần làm phong phú thêm truyền thống văn hiến Thăng Long - Hà Nội
Các dân tộc thiểu số ở Hà Nội có đời sống văn hóa tinh thần phong phú và kho tàng văn học dân gian đồ sộ. Ảnh: Nguyễn Quốc Ân

- Như vậy là rõ về chất, tức là giá trị của kho tàng này. Nhưng cái chất đó liệu có bảo đảm cho sức sống lâu bền hay giá trị lâu dài của VHDG? Trong tương lai, VHDG của các dân tộc thiểu số ở Hà Nội có còn tác dụng, còn đóng góp được gì cho xã hội luôn đổi mới và phát triển? Và giải pháp nào để thực hiện điều đó?

- Đây là vấn đề lớn, đòi hỏi nhiều điều kiện. Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật phong phú của Hà Nội, VHDG các dân tộc thiểu số là thành tố tiêu biểu chuyển tải cả đời sống vật chất, tinh thần lẫn lịch sử phát triển của các dân tộc đó. Trong xã hội hiện đại, mặc dù văn hóa truyền thống nói chung đã và đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường và đang phải chia sẻ vai trò với những kênh thông tin khác, thì VHDG của các dân tộc thiểu số vẫn là nguồn bảo lưu tốt nhất và tương đối nguyên vẹn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Thông qua VHDG của các dân tộc thiểu số ở thành phố Hà Nội, các thế hệ có thể tìm hiểu về lịch sử các dân tộc, về cuộc sống đương đại của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đó là sự khẳng định về giá trị của VHDG các dân tộc thiểu số ở Hà Nội.

Tuy nhiên, để VHDG của các dân tộc thiểu số ở thành phố Hà Nội có tác dụng lâu dài, đóng góp thiết thực cho xã hội thì cần có những giải pháp khả thi. Trước hết, cần có định hướng hoạt động, chế độ chính sách đối với việc sưu tầm, trao truyền VHDG, đãi ngộ nghệ nhân dân gian... Còn về hành động thực tế, cần phát huy tốt sức mạnh của các cấp, ngành, các địa phương trong việc tổ chức sưu tầm, trao truyền, biểu diễn... các tác phẩm VHDG các dân tộc thiểu số. Trong đó, việc sưu tầm phải được tiếp tục tiến hành “ngay và luôn” trên phạm vi rộng, đi sâu vào đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cùng với đó, và sau đó, phải tổ chức tốt các khâu đánh giá, biên tập, chỉnh lý để ấn hành sách; rồi tổ chức trao truyền, biểu diễn nhằm phát huy giá trị các tác phẩm VHDG của các dân tộc thiểu số trong thời đại mới.

Kho tàng VHDG của các dân tộc thiểu số tại Hà Nội phải được khai thác tốt nhất để góp phần làm phong phú thêm truyền thống văn hiến Thăng Long - Hà Nội; gia tăng nguồn lực cho công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tháng 4 này sẽ diễn ra chuỗi sự kiện điện ảnh “Như trăng trong đêm”
    Chuỗi sự kiện "Như trăng trong đêm" năm 2025 do Trung tâm Hỗ trợ Phát triển tài năng điện ảnh (TPD) tổ chức, năm nay lấy chủ đề "Điện ảnh Việt Nam qua một góc nhìn", diễn ra từ 17 - 27/4.
  • Tìm kiếm kịch bản điện ảnh kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng
    Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2030), Cục Điện ảnh triển khai chương trình đầu tư chiều sâu nhằm tạo nguồn kịch bản phim truyện điện ảnh.
  • Khám phá hành trình nghệ thuật của họa sĩ Huỳnh Phương Đông
    Sáng ngày 11/4/2025, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra lễ khai mạc triển lãm chuyên đề “Hành trình Huỳnh Phương Đông”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam và gia đình họa sĩ tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và 100 năm ngày sinh chiến sĩ - họa sĩ Huỳnh Phương Đông (22/4/1925 – 22/4/2025), .
  • Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành “Thành phố học tập toàn cầu” của Unesco
    Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Quyết định số 1906/QĐ-UBND ngày 04/4/2025 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới "Thành phố học tập toàn cầu" của Unesco.
  • [Podcast] Chùa Non Nước – Nơi hội tụ giá trị tâm linh, lịch sử của Thủ đô Hà Nội
    Hà Nội không chỉ nổi tiếng với những công trình cổ kính nơi phố thị mà còn ẩn chứa những ngôi chùa linh thiêng giữa núi rừng xanh ngát. Một trong những ngôi chùa mang đậm dấu ấn tâm linh, gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng và lịch sử dân tộc chính là Chùa Non Nước – một danh thắng tọa lạc trên núi Sóc, huyện Sóc Sơn. Chùa Non Nước được hình thành từ thời Đinh, sư trụ trì chùa đầu tiên là Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu (933 - 1011) - hậu duệ của Ngô Quyền và là vị Quốc sư được triều đình nhà Đinh, Tiền Lê và Hậu Lý kính trọng.
Đừng bỏ lỡ
Góp phần làm phong phú thêm truyền thống văn hiến Thăng Long - Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO