Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, mỗi người sáng tác đều muốn khẳng định, làm mới mình để tránh rơi vào sự nhàm chán, “ăn theo”. Tuy nhiên, việc truyền thụ và đúc rút kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước vẫn là hết sức hữu ích để thế hệ kế cận có được những tác phẩm chất lượng và đạt hiệu quả nghệ thuật cao. Cuộc hội thảo “Tổ chức sáng tác và truyền thụ kinh nghiệm cho các thế hệ kế cận” do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức mới đây đã góp nhiều tiếng nói cho vấn đề này.
Không đợi “đặt hàng” mới viết
Đạo diễn Đặng Nhật Minh tác giả của nhiều bộ phim Hà Nội đã ghi dấu trong lòng công chúng như “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Mùa ổi”, “Đừng đốt” chia sẻ rằng cả 3 bộ phim này ông đều không làm theo đơn đặt hàng hay nhân một kỳ cuộc nào đó mà làm từ sự thôi thúc của bản thân. Từ kinh nghiệm của một người đã gắn bó hơn 60 năm với điện ảnh, đạo diễn khẳng định: “Làm tác phẩm nghệ thuật cũng phải xuất phát từ trái tim của người sáng tác. Mỗi người sáng tác nên đặt cảm xúc của mình lên trên hết, đừng chờ đợi được “cho”, được “cấp” mới sáng tác. Chất liệu tốt nhất cho tác phẩm chính là hiện thực cuộc sống mà người viết nắm bắt, sờ nắn được, vậy nên “liều lượng” hư cấu nên ít thôi mà hãy thay bằng những thực tế trải nghiệm, vốn sống đã được “nung nấu” qua thời gian. Chỉ khi đủ xúc động, đủ “độ chín” nghệ thuật tự khắc sẽ bật ra” - đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ.
Muốn viết hay thì phải hiểu
Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng để đạt được những phẩm chất đặc trưng của văn chương Hà Nội, người viết cần hiểu biết rộng và sâu về Hà Nội. Đây là kết quả của một quá trình tích lũy mà ngay cả bản thân ông cũng thấy tiếc vì mình đã không ý thức được việc này từ khi ít tuổi. Để minh chứng cho điều này nhà thơ Vũ Quần Phương lấy câu chuyện tìm hiểu Hà Nội trên thực địa của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc làm ví dụ: “Bác Phúc là thầy giáo dạy văn và sử, khi gặp một chi tiết nào thuộc Hà Nội là nơi bác ở bác đều đến tìm hiểu từ thực địa. Chính vì vậy bài giảng của bác rất sinh động và lôi cuốn học trò”. Câu chuyện từ thầy giáo Nguyễn Vinh Phúc cũng chính là lời khuyên mà nhà thơ Vũ Quần Phương muốn gửi đến các tác giả thế hệ sau: “Những tác giả đang sống ở Hà Nội mà không sớm nhập thân vào công việc này, thật sự là một lãng phí. Lãng phí cái công được sống của mình trên đất Thủ đô hơn nghìn năm tuổi”.
Thống nhất thị hiếu thẩm mỹ giữa nghệ sĩ và khán giả
Theo PGS. TS Trần Trí Trắc sáng tác văn học, nghệ thuật luôn phụ thuộc vào thị hiếu thẩm mỹ của tác giả. Trước mỗi hiện tượng, thị hiếu thẩm mỹ mà mỗi tác giả lại cảm thụ khác nhau, dẫn đến đánh giá, thể hiện nông, sâu khác nhau. Thị hiếu thẩm mỹ của tác giả được bắt nguồn từ “trời cho”, “đời cho”, “thầy cho”, “cơ hội cho” và lớn dần lên, hoàn thiện trong quá trình tiếp thu, tiếp biến mà thành độc đáo, nổi danh. Từ những trải nghiệm trong hoạt động sân khấu, PGS. TS Trần Trí Trắc cho rằng, thị hiếu thẩm mỹ của tác giả luôn phải thống nhất, biện chứng với thị hiếu của khán giả thì mới tạo đà cho nghệ thuật sân khấu tồn tại và phát triển mạnh mẽ được. “Chỉ khi nào mối quan hệ này được thống nhất biện chứng thì nghệ thuật sân khấu mới tồn tại và phồn thịnh. Nghệ thuật sân khấu Việt Nam hiện nay đang khủng hoảng là do chính nó đang tồn tại sự khủng hoảng thẩm mỹ giữa nghệ sĩ sáng tạo với khán giả hưởng thụ. Muốn phục hưng được nền sân khấu thì trước hết cần phục hưng lại sự thống nhất biện chứng này giữa thị hiếu thẩm mỹ sáng tác với thị hiếu thẩm mỹ cảm thụ sáng tác” – PGS. TS Trần Trí Trắc nói.
Nhiều hình thức truyền thụ kinh nghiệm sáng tác
Từng nhiều năm giữ trọng trách “nhạc trưởng” của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, nhà thơ Bằng Việt cũng đã điểm lại những hình thức truyền thụ kinh nghiệm sáng tác mà theo ông đã mang đến những hiệu quả nhất định. Đó là việc tổ chức các buổi nói chuyện tọa đàm về tác phẩm mới hoặc trao đổi về một tác giả thế hệ trước đã có đóng góp cho VHNT nước nhà hay có khi chỉ đơn thuần là thuyết trình cho các anh chị em về một trào lưu trong VHNT thế giới, giới thiệu trao đổi về những tác phẩm “best seller” của các tác giả trong và ngoài thế giới… Bên cạnh đó, theo nhà thơ Bằng Việt việc mở rộng các lớp bồi dưỡng sáng tác, tổ chức các chuyến đi thực tế, các trại sáng tác cũng cần được coi trọng. “Trước đây, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cũng đã từng tổ chức các lớp bồi dưỡng sáng tác, đa phần là ngắn hạn, mời giảng viên là các nhà văn, nhà thơ có kinh nghiệm đến giảng bài và giao lưu. Đã có chừng trên dưới 100 anh chị em trẻ theo học và sau này họ đều trở thành những cây bút có uy tín và tên tuổi trong Hội chúng ta, xứng đáng là lớp kế cận trong lực lượng sáng tác VHNT Thủ đô” – nhà thơ Bằng Việt cho hay.