Sân khấu

Gỡ "nút thắt" trong công tác đào tạo múa Tính cách

Phương Lan 06:25 19/09/2023

Trong ngành Múa, múa Tính cách nước ngoài là một trong những môn học cơ bản được cấu trúc trong chương trình giảng dạy của các phương pháp Vaganova, RAD, ISTD, I-PATH ở châu Âu và ở Việt Nam tại các trường đào tạo chuyên nghiệp như Học viện Múa Việt Nam, Trường Trung cấp Múa thành phố Hồ Chí Minh… Đây là bộ môn cung cấp những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ, phong cách múa của một số dân tộc trên thế giới như: Nga, Hungary, Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha, Digan… thông qua các động tác, những bài tập trong gióng và ở ngoài gióng.

Thời kỳ hoàng kim

Với tiết tấu đa dạng, múa Tính cách nước ngoài làm tăng sự nhanh nhạy trong việc tiếp thu ngôn ngữ múa nói chung, tăng khả năng biểu hiện tình cảm và cảm xúc âm nhạc của người học. Bên cạnh việc giúp học sinh làm quen với những chất liệu múa của một số nước trên thế giới, múa Tính cách nước ngoài còn cho chúng ta thấy được nét đẹp trong tâm hồn, cốt cách, tình cảm, lối sống, phản ánh những phong tục, tập quán, những yếu tố khẳng định tính cách và giá trị văn hóa của mỗi dân tộc. Tất cả điều này được thể hiện sinh động, lôi cuốn thông qua ngôn ngữ đặc biệt của nghệ thuật múa. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa động tác, điệu bộ với giai điệu, tiết tấu âm nhạc, màu sắc, đường nét hoa văn trên những bộ trang phục truyền thống của mỗi dân tộc.

go-nut-that-1.jpg
Một tiết mục múa Tính cách của ThS. Lưu Thị Hoài Trang

Có thể nói, những năm 2000 trở về trước là thời kỳ hoàng kim của bộ môn múa Tính cách, đặc biệt là ở Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam). Trước đây, bộ môn này được đầu tư giảng dạy và được đưa vào chương trình thi tốt nghiệp. Chất lượng thi được hội đồng chuyên môn đánh giá rất cao bởi nội dung chương trình tốt nghiệp phong phú đa dạng sắc thái dân tộc các nước, tính chất kỹ thuật và tiết tấu âm nhạc được thể hiện rõ nét đặc trưng của từng vùng miền. Những thầy cô được đánh giá là những tiền bối dạn dày kinh nghiệm giảng dạy bộ môn này có thể kể đến như: cố NGND Vũ Dương Dũng (Học viện Múa Việt Nam), NGND Kim Dung (Trường Múa TP. Hồ Chí Minh), NGƯT Tạ Kim Thịnh (Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội)… Đây là những giảng viên được đào tạo rất bài bản về múa Tính cách nước ngoài, múa Cổ điển châu Âu, múa Duo ở Liên Xô (Nga). Họ đã đào tạo ra những lớp kế cận tài năng và hiện giờ là những cán bộ, giảng viên của các trường múa đầu ngành, có thể kể đến như: ThS Lưu Thị Hoài Trang (hiện là giảng viên của Trường Trung cấp Múa thành phố Hồ Chí Minh); ThS Trịnh Minh Ngọc, ThS Cao Chí Thành, ThS Lê Hoàng Phi Long… (hiện là giảng viên của Học viện Múa Việt Nam).

Những biến động theo thời gian

Hiện nay, bộ môn múa Tính cách nước ngoài ở hình thức kết hợp được phát triển dựa trên nền tảng cơ bản của múa Cổ điển châu Âu. Mặc dù được cấu trúc trong chương trình giảng dạy của Học viện Múa Việt Nam, Trường Trung cấp Múa thành phố Hồ Chí Minh – hai ngôi trường đầu ngành về đào tạo nghệ thuật múa, song bộ môn này được phân bổ khá khác nhau trong chương trình đào tạo ở hai trường.

Đối với Trường Trung cấp Múa thành phố Hồ Chí Minh, bộ môn múa Tính cách nước ngoài nay được chú trọng và thu hút sự quan tâm, đón nhận của nhiều học sinh. Bộ môn này được thi tốt nghiệp, được giảng dạy trong 5 học kì, mỗi tuần 4 tiết (45 phút/ tiết) và được bổ sung thêm múa tính cách của các dân tộc như Mexico, Mỹ và một số nước ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ,… Ở lớp của giảng viên ThS. Lưu Thị Hoài Trang, mỗi bài tập cơ huấn phần trong gióng được giáo viên đầu tư biên soạn theo từng phong cách mỗi dân tộc, quốc gia khác nhau. Ở lớp của giảng viên Bảo Bảo, ngoài đảm bảo tính cơ huấn, giáo viên củng cố giao nhiệm vụ cho học sinh tìm hiểu về nét đặc trưng trong văn hóa, tâm hồn, tính cách… ở các dân tộc trước khi lên lớp. Theo ThS. Lưu Thị Hoài Trang, giảng viên Trường trung cấp Múa thành phố Hồ chí Minh thì: "Sự linh hoạt trong cách cho bài tập sẽ giúp học sinh phát triển được phong cách trình diễn, biểu cảm, sử dụng gióng và không gióng trong khi thực hiện bài tập với gióng. Những bài tập phát triển này sẽ giúp học sinh giải phóng phần trên cơ thể, chủ động thể hiện cá nhân qua từng bài tập, giúp học sinh tự tin hơn cũng như đẩy được thế mạnh trình diễn của mỗi học sinh nói riêng và tập thể lớp tốt nghiệp nói chung khi múa Tính cách".

Những năm 2000 trở về trước, tại Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam), bộ môn múa Tính cách nước ngoài được học trong 4 học kỳ, có tổ chức thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, do chương trình đào tạo phải xây dựng theo đúng thông tư quy dinh, bộ môn này từng bị cắt giảm xuống còn 1 kỳ, và mới đây nhà trường điều chỉnh lên 2 kỳ. ThS. Trịnh Minh Ngọc – Phó Trưởng khoa Diễn viên Múa cho biết: “Múa Tính cách là bộ môn tương đối khó, song rất hay và thực sự cũng rất quan trọng, đặc biệt là đối với hệ đào tạo diễn viên Kịch múa. Bộ môn này bị cắt giảm chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo của hệ này”.

go-nut-that-2.jpg
Lớp múa Tính cách của Ths Trịnh Minh Ngọc

Quả thực, để tránh đào tạo ra những “thợ múa” Tính cách nước ngoài, rất cần bổ sung thêm một số tiết giảng dạy về lịch sử và văn hoá một số dân tộc nước ngoài nhằm làm sâu sắc hơn về nhận thức và tinh tế hơn trong thể hiện mỗi động tác múa. Tuy nhiên, thời lượng phân bổ cho môn này chỉ vỏn vẹn trong một học kỳ, e rằng việc “cưỡi ngựa xem hoa” là khó tránh khỏi.

Để không bị mai một, thất truyền

Theo TS. Trần Văn Hải – Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam: “Sự khác biệt trong công tác giảng dạy môn múa Tính cách ở Học viện Múa Việt Nam và Trường Trung cấp Múa thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu trong việc phân bổ thời gian đào tạo và nội dung bài học. Học viện Múa Việt Nam có đầu tư, sưu tầm một số băng đĩa của nước ngoài nhưng hầu hết là múa Cổ điển châu Âu, hầu như chưa có băng đĩa hình hay âm nhạc dành cho múa Tính cách nước ngoài. Tài liệu học tập, sách chuyên ngành (sách dịch) thực sự rất thiếu”.

Trước mắt, cần nhiều hơn nữa những đợt tập huấn, đặc biệt là các đợt tập huấn trực tiếp với các nước nhằm phát triển chuyên môn chuyên sâu cho đội ngũ giảng viên; Xây dựng giáo trình khung phù hợp với từng chương trình đào tạo, nhằm phù hợp với từng nhóm độ tuổi của học sinh, sinh viên và bộ tiêu chí đánh giá theo từng học kỳ, học phần đối với từng chương trình đào tạo; Tiếp tục sưu tầm nghiên cứu về nghệ thuật múa của các dân tộc trên thế giới, ghi lại bằng đĩa hình và truyền lại cho các thế hệ thầy cô giảng dạy múa Tính cách nước ngoài. Cùng với việc giới thiệu, dàn dựng lại những tiết mục cũ, kinh điển nhằm mục đích lưu giữ truyền thống, các giảng viên, biên đạo cần dàn dựng thêm được những tiết mục mới. Đặc biệt, các giảng viên đã từng được học tập và làm việc ở nước ngoài sẽ chính là những “sứ giả" giới thiệu, lưu truyền và giảng dạy lại cho các thế hệ giáo viên kế cận. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các giảng viên, các biên đạo cùng góp sức phát hiện, sưu tầm, dàn dựng thêm nhiều tác phẩm múa có sử dụng ngôn ngữ múa Tính cách nước ngoài để bộ môn này tránh bị mai một, thất truyền./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Xa - gần & tình yêu
    Reng. Reng. Reng. Là tiếng chuông điện thoại chứ không phải báo thức. Thơ giật mình, một lo lắng vơ vẩn cồn lên. Từ ngày ba mất, cô vốn sợ những tiếng chuông điện thoại vào những giờ bất thường, sáng sớm hoặc là tối khuya. Nhìn thấy số của Yên, Thơ hơi bất ngờ. Chưa bao giờ cô ấy gọi cho cô vào giờ này...
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • Lịch nghỉ học kỳ I và nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh
    Bộ GD&ĐT đã công bố lịch nghỉ Tết dương lịch năm 2025 và lịch nghỉ học kỳ một của học sinh cả nước.
  • Cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
    Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài nói gần đây đã nhấn mạnh đây là thời điểm Việt Nam “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới. Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
Gỡ "nút thắt" trong công tác đào tạo múa Tính cách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO