Hà Nội

Gỡ khó cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn đường sắt đô thị

Trung Kiên 16:18 19/01/2024

Sáng 19/1, UBND Thành phố Hà Nội chủ trì Hội thảo “Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật – công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị”. Đây là phiên thảo luận chuyên đề thứ tư, cũng là hoạt động khép lại Hội thảo “Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh” diễn ra từ 17 – 19/1/2024 tại Hà Nội.

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 19/1, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, trong hai ngày vừa qua các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ, tham luận, góp ý tích cực tại 3 hội thảo về các vấn đề: Tổng quan phát triển đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh theo mô hình TOD; Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để phát triển đường sắt đô thị và khu vực TOD; Huy động nguồn lực từ đất đai. Và sáng 19/1, UBND Thành phố Hà Nội chủ trì buổi hội thảo chủ đề: “Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật – công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị”.

an-tuan.jpg
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại hội thảo.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn thông tin, theo quy hoạch giao thông vận tải (GTVT) Thủ đô hiện nay, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) gồm 9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh, với tổng chiều dài 417,8 km (trong đó 75,6 km đi ngầm), tuy nhiên hiện nay mới chỉ hoàn thành được 13 km (tuyến ĐSĐT số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông) và đang triển khai thi công 12,5 km (tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội). “Như vậy theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị, đến năm 2035 Thành phố Hà Nội phải hoàn thành 404,8 km tuyến ĐSĐT còn lại”, ông Dương Đức Tuấn cho biết.

Hiện nay, tuyến ĐSĐT số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông vận tải đầu tư đã đi vào khai thác vận hành, được toàn thể nhân dân Thành phố Hà Nội chào đón và sử dụng với tần suất cao, bước đầu cho thấy hiệu quả về mặt khai thác. Sắp tới, UBND Thành phố Hà Nội sẽ đưa vào khai thác đoạn trên cao thuộc dự án tuyến ĐSĐT thí điểm Thành phố Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, cũng như UBND Thành phố Hồ Chí Minh sắp đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Bến Thành – Suối Tiên.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết thêm, trong quá trình triển khai thực hiện, cả hai dự án đều chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan. Trong số những nguyên nhân của việc chậm tiến độ đó là do chủ đầu tư cũng như các nhà thầu gặp một số vướng mắc khi áp dụng nhiều hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong nước cũng như nước ngoài đối với các dự án, đặc biệt mỗi dự án sử dụng các công nghệ của các nước khác nhau thì áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn cũng khác nhau, những khó khăn trong công tác quản lý dự án.

cat-linh.jpg
Tuyến ĐSĐT số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông vận tải đầu tư đã đi vào khai thác vận hành với tần suất cao.

“Để đúc rút kinh nghiệm cho việc đầu tư hệ thống ĐSĐT trên địa bàn hai thành phố lớn nhất cả nước. Hôm nay, chúng tôi tổ chức hội thảo với sự tham gia của các đại diện cơ quan Trung ương, các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực ĐSĐT để lắng nghe các ý kiến đóng góp về kinh nghiệm áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ trong lĩnh vực ĐSĐT. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn lắng nghe các ý kiến góp ý về các chính sách sách ưu tiên, ưu đãi cho phát triển thị trường, các cơ sở công nghiệp đường sắt, công nghiệp phụ trợ cho đường sắt; cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia các dự án để tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nhà thầu nước ngoài; các mô hình tổ chức quản lý và thực hiện dự án đối với các dự án tương tự đã triển khai tại các nước phát triển”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.

Thay mặt Ban tổ chức Hội thảo, ông Dương Đức Tuấn bày tỏ mong muốn phiên thảo luận chuyên đề “Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật – công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị” sẽ là cơ hội tốt cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực đường sắt đô thị cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm, bài học, ý tưởng về xây dựng, phát triển ĐSĐT nói riêng, giao thông đô thị nói chung. Hội thảo cũng là dịp quan trọng để các đơn vị tham dự tăng cường sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau tạo nền tảng để xây dựng các chương trình, dự án hợp tác trong thời gian sắp tới.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã giao nhiệm vụ cho Sở Giao thông vận tải tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, các chuyên gia tại hội thảo, trên cơ sở đó lập báo cáo tổng kết để tham mưu cho UBND Thành phố trong lĩnh vực phát triển ĐSĐT trên địa bàn thành phố./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Chuyện kể ngày tiếp quản Thủ đô
    Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 10/10 là các cựu thanh niên xung phong (TNXP) công tác tiếp quản Thủ đô trong ngày giải phóng năm xưa lại gặp nhau. Dẫu số lượng người tham dự ngày càng ít đi vì người mất, người ốm đau, bệnh tật nhưng mỗi lần gặp lại, những kỉ niệm về ngày tiếp quản Thủ đô lại ùa về trong họ, như chưa từng có dấu vết của thời gian…
  • Vườn hoa "Người tốt, việc tốt"  của Thủ đô ngày càng rực rỡ
    Sáng 8/10, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024.
  • Bản hùng ca làng kháng chiến của Thủ đô
    Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Thủ đô Hà Nội đã có nhiều “làng kháng chiến” ra đời. Chính ở những ngôi làng ấy, quân và dân đã cùng nhau đánh trận, diệt địch, thu giữ nhiều vũ khí, góp phần làm nên những chiến thắng vẻ vang, tạo thành bản hùng ca và thắp sáng truyền thống anh hùng cách mạng của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Tròn 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, chúng tôi tìm về những làng kháng chiến thuộc địa bàn huyện Đông Anh, Mê Linh và Thanh Oai. Nhữ
  • [Podcast] Chả nhái Bãi Tháp – Đặc sản vùng đất bãi sông Hồng
    Trong kho tàng ẩm thực Hà Nội có nhiều thức quà giản dị được chế biến một cách tinh tế từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên. Một trong số đó là chả nhái – món ăn của vùng ngoại thành Hà Nội, được cho là xuất hiện từ khoảng 100 năm trước và gắn bó với tên tuổi của hai ngôi làng cổ là Khương Thượng (nay thuộc phường Khương Thượng, quận Đống Đa) và thôn Bãi Tháp (xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng).
  • Toàn cảnh Quảng trường Ngọ Môn – điểm cầu truyền hình chung kết Đường lên đỉnh Olympia ở Cố đô Huế
    Chương trình chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 sẽ diễn ra vào sáng ngày 13/10 và cầu truyền hình trực tiếp tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Quảng trường Ngọ Môn.
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn đường sắt đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO