Giữ sức sống cho "kỳ đài" Hồ Gươm

NSHN| 28/02/2022 16:51

Hơn 5 năm sau ngày thành lập, bất chấp khó khăn do dịch Covid-19, những người có trách nhiệm ở Câu lạc bộ cờ Hồ Gươm (phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) vẫn đang nỗ lực duy trì hoạt động của một sân chơi thú vị cho những người đam mê cờ, đặc biệt là cờ tướng, cờ vua.

Linh hoạt khâu tổ chức

"Kỳ đài" (là cách gọi tắt không gian chơi cờ, thưởng thức các ván cờ hay) Hồ Gươm được xem là hoạt động chính của câu lạc bộ trong hơn 5 năm qua nhằm góp phần thu hút khách đến không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; tạo sân chơi cho những người yêu cờ. Ở đó là các hoạt động giao đấu cờ giữa các kỳ thủ thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều trình độ; giới thiệu về những kỳ thủ nổi tiếng cả ở môn cờ tướng, cờ vua, cờ vây, trong đó chủ yếu là cờ tướng, cờ vua. 

Ông Lưu Đức Hải, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cờ Hồ Gươm, hiện cũng là Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xây dựng và đô thị kể rằng, cho đến giữa tháng 2 này, câu lạc bộ đã tổ chức được 199 "kỳ đài" Hồ Gươm. Đặc biệt, từ khi câu lạc bộ tạm dừng hoạt động trực tiếp từ cuối tháng 4-2021, để bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch, những người có trách nhiệm đã tổ chức được hàng chục "kỳ đài" theo cách thức tổ chức thông qua phát video trên youtube hoặc Facebook hoặc theo hình thức trực tuyến, mỗi kỳ thu hút hàng nghìn lượt theo dõi.

Giữ sức sống cho
Chủ nhiệm Câu lạc bộ cờ Hồ Gươm Lưu Đức Hải bình luận về cờ tại Kỳ đài Hồ Gươm thứ 159.

Ông Lưu Đức Hải kể, khi phải duy trì "kỳ đài" bằng hình thức trực tuyến thì những tài liệu về cờ vua thế giới; tài liệu về cờ tướng Việt Nam mà ông từng tìm hiểu, tổng hợp suốt 4 năm để ra một cuốn sách về làng cờ tướng Việt Nam đã giúp ích rất nhiều.

Nhờ vậy, ông và nhóm cộng sự đã có chất liệu để giới thiệu đến người yêu cờ về thân thế, sự nghiệp, những ván cờ để đời của những cao thủ làng cờ vua, cờ tướng thế giới cũng như ở Việt Nam.

Như gần đây, "kỳ đài" Hồ Gươm lần thứ 198 đã giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của danh kỳ Lê Uy Vệ (Hà Nội) nhân dịp 105 năm ngày sinh và 11 năm ngày mất của ông. Ông là danh thủ có hạng của làng cờ tướng Bắc Kỳ: 4 lần vô địch cờ tướng Bắc Kỳ vào các năm 1939, 1940, 1941 và 1942; 3 lần quán quân Lễ hội Chùa Vua 1939, 1940 và 1941. Ông từng là Phó Chủ tịch Hội Cờ tướng Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam trong suốt thời kỳ 1965-2011. Cũng trong chương trình, người xem được xem 2 ván cờ tướng của danh kỳ Lê Uy Vệ với 2 danh thủ: Nguyễn Văn Đức (Hà Nội, 1942) và Nguyễn Đắc Đinh (Hà Nội, 1958).

Hay trước đó, "kỳ đài" Hồ Gươm lần thứ 196 là buổi giới thiệu về Mikhail Botvinnik, được xem là “Tộc trưởng làng cờ Xô Viết” (1911-1995, Liên Xô), là người đặc biệt có ảnh hưởng đến sự phát triển của cờ vua thế giới.

Mong muốn mở rộng sân chơi

Cũng trong những ngày Câu lạc bộ cờ Hồ Gươm không thể tổ chức "kỳ đài" Hồ Gươm trực tiếp để phòng, chống dịch lại là những ngày câu lạc bộ tổ chức thi đấu giao lưu giữa các kỳ thủ thuộc Câu lạc bộ cờ Hồ Gươm với những kỳ thủ khác tại nhiều địa bàn như ở Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Sơn Tây... 

Giữ sức sống cho
"Kỳ đài" Hồ Gươm thứ 159 được diễn ra trong điều kiện phòng dịch nghiêm ngặt.

Đối tượng thi đấu cũng phong phú, khi thì là một Kiện tướng quốc gia, khi là với một doanh nhân mê cờ dưới cuộc đấu mang tên “Đại chiến với doanh nhân thành đạt”… Đó cũng là cách tiếp cận mới để làm phong phú hoạt động của câu lạc bộ và thúc đẩy phong trào cờ mà ông Lưu Đức Hải, với vai trò Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam cũng như Chủ nhiệm Câu lạc bộ cờ Hồ Gươm và các cộng sự hướng đến. Những ván đấu này được chọn lựa để giới thiệu trên Facebook hay kênh youtube của Câu lạc bộ cờ Hồ Gươm, như một món ăn tinh thần cho người yêu cờ.

Và đi kèm việc giới thiệu các ván đấu không thể thiếu việc phân tích các nước đi của các bình luận viên, vốn là người hiểu cờ và có chuyên môn sâu như Mai Quý Lân (cờ tướng), Lã Mạnh Tuấn (cờ vua). Điều đó càng tăng sức hút của các lần tổ chức "kỳ đài" Hồ Gươm, dù là tổ chức trực tiếp hay trực tuyến…

Là người đam mê cờ, anh Nguyễn Văn Minh (phố Thụy Khuê, Hà Nội) đã nhiều lần theo dõi "kỳ đài" Hồ Gươm. Đặc biệt, trong những ngày Hà Nội phải giãn cách từ tháng 7 đến tháng 10-2021 để phòng, chống dịch Covid-19, anh càng thêm chờ đợi những lần "kỳ đài" Hồ Gươm mới được phát trên youtube hoặc Facebook. Nhờ vậy, quãng thời gian giãn cách xã hội của anh cũng đỡ “nhạt”. 

Trong khi đó, anh Nguyễn Mạnh Đạt (phố Khâm Thiên, Hà Nội) cũng bảo rằng, nhờ theo dõi "kỳ đài" Hồ Gươm mà anh đã biết thêm về những kỳ thủ tài năng của làng cờ thế giới cũng như làng cờ Việt Nam. 

Những ngày đầu xuân Nhâm Dần, ông Lưu Đức Hải nhớ về cuộc hội thảo về quy hoạch hồ Hoàn Kiếm diễn ra năm 2016. Khi ấy, ông Lưu Đức Hải, vốn là vận động viên cờ tướng, cờ vua kỳ cựu của Hà Nội, nguyên là Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, đã trình bày 10 vấn đề. Trong đó, có việc phải đánh thức những giá trị về cờ tướng, cờ vua quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. 

Ông Lưu Đức Hải chia sẻ, địa chỉ 36 Hàng Trống chính là nơi đầu tiên ra đời Câu lạc bộ Cờ vua Việt Nam. Còn ven hồ Hoàn Kiếm, phía đầu đường Lê Thái Tổ là địa chỉ quen thuộc với những người yêu thích cờ tướng Hà Nội. Chính từ nơi đây, nhiều cao thủ đã xuất hiện và làm rạng danh cờ tướng Hà thành…

Cũng từ ý kiến của ông Lưu Đức Hải mà UBND quận Hoàn Kiếm đã cho ra đời Câu lạc bộ cờ Hồ Gươm vào ngày 22-1-2017, rồi sau đó là sự ra đời của "kỳ đài" Hồ Gươm.

Đến giờ, khi các hoạt động trên địa bàn đang trở lại “bình thường mới”, ông Lưu Đức Hải và các cộng sự lại đang chuẩn bị cho sự trở lại của "kỳ đài" với những hoạt động trực tiếp.

Và ông cũng không giấu mong muốn sẽ góp phần tạo thêm nhiều "kỳ đài" ở các quận, huyện, thị xã tại thành phố. Tất cả cũng để giữ gìn nét văn hóa của người Việt cũng như giúp cờ vua, cờ tướng, cờ vây phát triển sâu rộng hơn khi đã có tiềm lực về con người.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ra mắt bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” - Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
    Tối 31/3, tại Landmark 81 (TP.HCM) đã diễn ra sự kiện ra mắt bộ phim 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối'. Bộ phim tái hiện cuộc sống và quá trình chiến đấu của những du kích ở Củ Chi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • “Hồn Việt” và “dặm đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
    Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từng đảm nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Anh đã in bốn tập truyện và truyện kí cùng nhiều tập thơ như: “Khúc giao mùa” (2005), “Không bao giờ trăng khuyết” (2010), “Khúc thiên thai” (2015), “Non nước đàn trời” (2015). Tập thơ thứ 5 của anh có tên là “Đi về phía mặt trời”, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên, khâm phục trước sức cảm, sức viết của anh. Nhan đề của tập thơ giàu tính biểu tượng, thể hiện khái quát nội hàm hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
  • [Podcast] Bánh đúc riêu cua – Món ngon của người Hà Nội xưa
    Hà Nội là nơi lưu giữ những hương vị khó quên với những món ăn không quá cầu kỳ nhưng lại chứa đựng biết bao tinh túy của đất trời, của văn hóa, của con người, được tích tụ và lan tỏa theo chiều dài hơn 1000 năm lịch sử. Và có một món ăn dân dã, bình dị nhưng đã đi cùng bao thế hệ người Hà Nội, nhất là những ai từng lớn lên trong những con phố nhỏ. Một món ăn mà chỉ cần nghe tên thôi cũng đủ gợi lên cả một trời ký ức: Bánh đúc riêu cua.
  • Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ khởi công và xây dựng 43 cụm công nghiệp
    UBND TP Hà Nội ban hành Thông báo số 171/TB-VP ngày 31/3 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tại cuộc họp rà soát quy trình thành lập cụm công nghiệp.
Đừng bỏ lỡ
Giữ sức sống cho "kỳ đài" Hồ Gươm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO