Gom phế liệu gây quỹ giúp phụ nữ nghèo
Cứ cuối mỗi buổi chiều, nhiều hội viên phụ nữ của xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) lại tất tả ra nhà văn hóa, mang theo đủ thứ phế liệu từ bìa giấy, vỏ lon bia, chai nước... gom được. Nhanh tay phân loại phế liệu, chị Nguyễn Thị Tình ở thôn Thu Quế, xã Song Phượng chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới: “Số phế liệu này một phần từ các gia đình thải ra sau khi sử dụng, một phần chị em góp nhặt từ các đám cưới, đám giỗ, lễ lạt... Gom phế liệu giờ đây đã trở thành thói quen của chúng tôi. Ban đầu lượng phế thải thu được ít, sau đó, cứ người nọ bảo người kia nên tháng sau thu hoạch được nhiều hơn tháng trước. Đến nay, mô hình này nhận được sự hưởng ứng tích cực của rất nhiều người”.
Đặc biệt, mô hình trên còn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của hội viên phụ nữ, người dân trong việc bảo vệ môi trường. Hội Liên hiệp phụ nữ xã Song Phượng đã quán triệt đến hội viên phân loại rác thải sinh hoạt ngay từ các gia đình. Với các rác thải có thể tái chế được như nhôm, đồng, sắt, nhựa… chị em để riêng, đóng góp cho các chi hội phụ nữ thôn. Khoảng 3 tháng/lần, các chi hội lại tổ chức phân loại, bán số phế liệu thu gom được để gây quỹ trao quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Song Phượng Tạ Thị Kim Chung cho biết, mô hình “Gom phế liệu gây quỹ giúp phụ nữ nghèo” của phụ nữ Song Phượng đã tạo được sự lan tỏa, mang giá trị thiết thực, giúp giảm lượng rác thải phát sinh, góp phần xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp ở khu dân cư. Từ khi phát động đến nay, mô hình đã gom được nhiều đợt, gây quỹ trao quà cho các phụ nữ đơn thân, trẻ em nghèo... Số tiền tuy không nhiều nhưng có ý nghĩa lớn đối với chị em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt còn góp phần giữ gìn đường làng, ngõ xóm luôn xanh, sạch, đẹp. Việc làm thiết thực này đã góp phần giúp Song Phượng trở thành một trong 5 xã đầu tiên của huyện Đan Phượng và thành phố Hà Nội được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Xây dựng nông thôn xanh, sạch, an toàn
Nếu như phụ nữ Song Phượng làm tốt mô hình thu gom phế liệu gây quỹ từ thiện thì ở thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng), vào những ngày cuối tuần, phụ nữ lại duy trì đều đặn việc tổng vệ sinh môi trường.
Bà Nguyễn Thị Thanh - người dân phố Thụy Ứng (thị trấn Phùng) cho biết, phụ nữ tổ dân phố chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm 10 người đảm nhiệm vệ sinh môi trường hằng tuần và chăm sóc các đoạn đường “nở hoa” để khu dân cư luôn sạch, đẹp. Năm 2021, tổ dân phố Thụy Ứng đã đoạt giải cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” do huyện Đan Phượng phát động.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) Trần Thị Thanh Tú, hưởng ứng cuộc thi “Giữ gìn thôn, xóm sáng, xanh, sạch đẹp và an toàn” do huyện Đan Phượng phát động, các chi hội thường xuyên ra quân tổng vệ sinh môi trường; duy trì quản lý tốt 14/14 đoạn đường tự quản; vận động các nguồn xã hội hóa mua 83 thùng rác có nắp đậy trị giá 28,9 triệu đồng; thành lập mô hình thu gom, tái chế rác thải nhựa...
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Bảy cho biết, thực hiện nếp sống văn minh, Hội đã triển khai, duy trì, nhân rộng rất nhiều hoạt động như: Mô hình “Sống xanh” tại các cơ sở; hội thi “Sức sống từ sản phẩm tái chế”; đổi sản phẩm tái chế lấy cây xanh...
Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng cũng chỉ đạo 100% cơ sở Hội tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên tiếp tục tham gia cuộc thi “Giữ gìn thôn, xóm sáng, xanh, sạch đẹp và an toàn” trên địa bàn các xã, thị trấn. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2022, các cơ sở đã tổ chức 10 hội nghị phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”, tặng hội viên, phụ nữ 7.100 túi giấy, túi lưới đựng thức ăn chín, đi chợ; tặng 10 thùng rác cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, góp phần tham gia bảo vệ môi trường.
Mới đây, các cấp hội phụ nữ huyện Đan Phượng đã tham gia trồng hoa, cây xanh, vẽ tranh tại các đoạn đường, gắn biển chào mừng, trị giá hơn 375 triệu đồng. Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng cũng đã tổ chức kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, đánh giá chất lượng tại các đoạn đường phụ nữ tự quản, đoạn đường nở hoa, bích họa... Kết quả cho thấy 100% số đường phụ nữ tự quản đều đạt tiêu chí “Sáng, xanh, sạch, đẹp”; một số đoạn đường tiếp tục được bổ sung hoa, cây xanh...
Các hoạt động của phụ nữ Đan Phượng mang nhiều ý nghĩa, góp phần thiết thực thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới, giữ gìn thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn trên địa bàn.