Chính sách & Quản lý

Giới thiệu về làng nghề thổ cẩm Xí Thoại (Phú Yên) tại Thủ đô Hà Nội

T. Trang - Đ. Trung 22/04/2024 14:31

Với mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị nghề thủ công truyền thống, quảng bá nét đẹp văn hóa địa phương, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với đơn vị du lịch tỉnh Phú Yên tổ chức, giới thiệu về làng nghề thổ cẩm Xí Thoại, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên tại Trung tâm Thông tin di sản phố cổ Hà Nội.

Giữ tinh hoa làng nghề

xt4.jpg
Nghệ nhân làng nghề thổ cẩm Xí Thoại trình diễn kỹ thuật dệt vải truyền thống.

Nghề dệt thổ cẩm được xem là một nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa của người dân tộc Ba Na ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân). Gần đây, nghề dệt được hồi sinh nhờ vào các chính sách khuyến khích bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống vùng dân tộc thiểu số.

Theo những người cao tuổi tại thôn Xí Thoại, dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống tồn tại hàng trăm năm trước của đồng bào dân tộc Ba Na. Riêng tại thôn Xí Thoại, nghề dệt bắt đầu xuất hiện ở các hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dần dần được ưa chuộng và mở rộng buôn bán ra các thôn khác của xã Xuân Lãnh và các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh.

Bà So Thị Nghiệp (82 tuổi), người trực tiếp truyền nghề ở thôn Xí Thoại cho biết: “Ngày xưa, các cô gái Ba Na khoảng 14-15 tuổi đã bắt đầu học dệt để may váy, quần áo, dệt những tấm khăn để địu con đi rẫy. Còn thế hệ trẻ bây giờ hầu như không biết dệt, vì thế tôi đã cố gắng truyền nghề và luôn nhắc con cháu rằng gìn giữ nghề dệt thổ cẩm là giữ linh hồn của đồng bào mình. Đó là nét văn hóa đặc trưng, nếu không giữ gìn thì sẽ dần mai một rồi mất đi”.

“Chị em dần yêu thích công việc này nên hăng hái đăng ký tham gia tổ dệt thổ cẩm. Ngoài dệt trang phục truyền thống, chúng tôi còn làm ra hàng chục sản phẩm khác như: túi đựng điện thoại, khăn choàng cổ, túi đựng phụ kiện. Các sản phẩm cũng đã dần tiếp cận thị trường, giúp chị em có nguồn thu nhập ổn định”, chị La O Thị Tím, thành viên tổ dệt phấn khởi nói.

xt2.jpg
Nghệ nhân làng nghề thổ cẩm Xí Thoại Sò Thị Chuyển.

Chị Sò Thị Chuyển, nghệ nhân làng nghề thổ cẩm Xí Thoại, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên cho biết: “Đặc sắc nhất là đan máy chỉ có một mặt thôi, còn như dệt bằng tay ở Phú Yên có hai mặt, mặt trước, mặt sau rất rõ nét. Trang phục nam và trang phục nữ, hoa văn cũng tương tự nhưng khác nhau là nam chỉ áo khoác ngắn tay, còn nữ áo dài tay, đặc biệt là trang phục nữ có những phụ kiện, làm từ cây tên Ca liếc, cây này ra hoa, ra trái, già rồi mới lấy hạt, phơi thêm 2-3 nắng nữa mới gắn lên áo. Điểm khác biệt nữa là có một cái mũ quấn lên đầu, có một dây để mình thả tóc rồi quấn lên. Lễ hội là mình phải mặc những trang phục này, dệt xong một bộ này chắc cũng hơn 1 tháng”.

Thời gian qua, huyện Đồng Xuân đã tập trung nhiều nguồn lực để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thành viên tổ dệt thổ cẩm tham gia các lớp đào tạo nghề, tham gia xúc tiến thương mại, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, quảng bá hình ảnh sản phẩm gắn liền với thương hiệu của làng nghề dệt thổ cẩm, đồng thời hỗ trợ phát triển sản phẩm làng nghề gắn với phát triển sản phẩm OCOP, và hiện nay, đã có 40 hộ tham gia vào sản xuất dệt thổ cẩm.

Với gần 80 năm đưa vào hoạt động, làng nghề dệt thổ cẩm đã sản xuất ra nhiều sản phẩm đa dạng kiểu dáng, màu sắc để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân và phục vụ khách du lịch, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định với nhiều mặt hàng sản phẩm du lịch phong phú, như: vải thổ cẩm, trang phục của người đồng bào dân tộc Ba Na, ví, túi thơm, khăn choàng,... tạo thành chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Thổ cẩm Xí Thoại có mặt tại thủ đô

xt5.jpg
Thổ cẩm Xí Thoại tới gần hơn với người dân Thủ đô.

Vừa qua, tại Hà Nội, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ - 28 Hàng Buồm cùng đơn vị du lịch tỉnh Phú Yên tổ chức giới thiệu về làng nghề thổ cẩm Xí Thoại - Khám phá nét đẹp truyền thống huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.

Bà Trần Thị Thúy Lan – Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biết, sự kiện được tổ chức để chào mừng kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024) và 137 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 – 01/5/2024), với mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị nghề thủ công truyền thống, quảng bá nét đẹp văn hoá địa phương.

“Thông qua sự kiện chúng tôi mong muốn có cơ hội giao lưu văn hóa nghề truyền thống, năm nay chúng tôi lựa chọn nghề thổ cẩm Xí Thoại – đây cũng là một trong những nghề rất phát triển ở phía Tây Bắc ở Việt Nam. Tuy nhiên, lần đầu tiên phối hợp với khu vực miền Trung thì Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội mong muốn các đơn vị giao lưu, giới thiệu về nghề, nét đặc trưng và nét đẹp của văn hóa vùng miền tới người dân trên cả nước”, bà Trần Thị Thúy Lan nhấn mạnh.

xt3.jpg
Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm văn hoá đặc sắc của người dân Việt Nam tại Trung tâm thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội.

Đến với sự kiện, khách tham quan được thưởng thức tài nghệ dệt thổ cẩm trên khung cửi của các nghệ nhân làng Xí Thoại, được hướng dẫn mặc trang phục của người Ba Na, được tìm hiểu ý nghĩa của hoa văn cũng như các phụ kiện trên trang phục.

Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân được hình thành từ năm 1945, ban đầu xuất hiện ở các hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dần dần được ưa chuộng và mở rộng buôn bán ở các thôn trên địa bàn xã Xuân Lãnh và các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh.

Thổ cẩm là loại vải được dệt thủ công từ các sợi vải có nguồn gốc từ cây lanh, cây bông và cây gai. Bề mặt vải thổ cẩm được dệt rất chi tiết, có các ô hoa văn nổi lên như thêu bằng tay, nhưng thực chất tất cả quá trình để tạo ra tấm vải thổ cẩm đều được thực hiện trên khung cửi. Vải thổ cẩm được làm thủ công bởi những người dân xã Xuân Lãnh.

Mỗi hoa văn được dệt lên vải thể hiện cho từng bản sắc riêng của dân tộc nơi đây. Dệt thổ cẩm thường khó hơn rất nhiều vì phải nhớ từng con chỉ và hoa văn để thay các ống chỉ màu cho đúng. Nếu trong quá trình dệt có bị sai hay quên thì phải tháo ra và sửa ngay lại chỗ đó.

xt1.jpg
Một số sản phẩm du lịch đặc trưng của làng nghề Xí Thoại, tỉnh Phú Yên.

Với lối tư duy đơn giản, các họa tiết trong các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Bana là những hình khối đối xứng mang tính biểu tượng cao. Họa tiết đối xứng phản ánh quan niệm về vũ trụ, trời - đất, âm - dương lấy thiên nhiên làm hình mẫu. Mỗi tấm thổ cẩm được làm ra là một bức tranh thiên nhiên thu nhỏ từ những nét cách điệu hình học. Những hoa văn trên bề mặt vải thể hiện cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây. Ngoài ra hoa văn còn biểu tượng cho thiên nhiên, rừng núi, hoa lá.

Với các màu chủ đạo là trắng, đỏ và đen. Màu đỏ tượng trưng cho sức mạnh, tình yêu. Màu trắng tượng trưng cho khát vọng, ước mơ. Màu đen tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh của núi rừng, của thiên nhiên. Trong các màu thì đồng bào Ba Na coi trọng màu đen hơn cả và tôn sùng nó như một sức mạnh siêu nhiên.

Theo TS. Trần Đoàn Lâm, sự kiện Giới thiệu thổ cẩm Xí Thoại diễn ra tại thủ đô Hà Nội – “tấm gương phản chiếu những tinh tuý vùng miền của đất nước, cũng như “đầu tàu của cả nước về bảo tồn, phát huy di sản” sẽ là một kênh quảng bá hữu hiệu cho các sản phẩm văn hoá, du lịch của tỉnh Phú Yên, mở ra triển vọng về đầu ra cho các hộ làm nghề, cũng như tiềm năng phát triển du lịch làng nghề trong tương lai./.

Triển lãm giới thiệu nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại, tỉnh Phú Yên diễn ra từ 19/4 đến hết ngày 15/5 tại Trung tâm thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội, số 28 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Yêu cầu siết chặt quản lý di tích trên cả nước
    Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã ký ban hành công văn số 1218/BVHTTDL-DSVH gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh.
  • Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chưa chấp thuận họp báo của Công ty Chị em rọt
    Liên quan tới sự việc chiều 14/3 tại Hà Nội, lần đầu tiên Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt (CER) tổ chức gặp mặt cung cấp thông tin về những "lùm xùm" gần đây, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội cho biết đơn vị chưa cấp phép họp báo cho công ty này.
  • Ra mắt Trung tâm Bảo tồn Nghệ thuật Biểu diễn Truyền thống Việt Nam
    Chiều 7/3/2025, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Nghệ thuật Biểu diễn Truyền thống Việt Nam chính thức ra mắt. Trung tâm được thành lập bởi Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) với mục tiêu trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, góp phần giữ gìn và lan tỏa nghệ thuật truyền thống trong đời sống đương đại.
  • Quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cảng quân sự Đông Hà
    Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 25/2/2025 phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cảng quân sự Đông Hà (Quảng Trị).
  • Khơi thông chính sách để du lịch cộng đồng bứt phá
    Vừa qua, nhiều người dân kiến nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cần ban hành hoặc hướng dẫn cụ thể khung chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là về mức hỗ trợ cho người dân, giúp các địa phương có cơ sở thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định tại Luật Du lịch 2017 (Điều 19), như hỗ trợ về trang thiết bị ban đầu, xúc tiến sản phẩm du lịch cộng đồng…
  • Hà Nội chuẩn bị ra “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống”
    UBND TP Hà Nội vừa có Thông báo số 66/TB-VP về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà tại cuộc họp nghe báo cáo công tác quản lý nhà nước về di tích di sản và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Hồn Việt” và “dặm đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
    Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từng đảm nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Anh đã in bốn tập truyện và truyện kí cùng nhiều tập thơ như: “Khúc giao mùa” (2005), “Không bao giờ trăng khuyết” (2010), “Khúc thiên thai” (2015), “Non nước đàn trời” (2015). Tập thơ thứ 5 của anh có tên là “Đi về phía mặt trời”, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên, khâm phục trước sức cảm, sức viết của anh. Nhan đề của tập thơ giàu tính biểu tượng, thể hiện khái quát nội hàm hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
  • Hương hoa mùa xuân tụ trong chén trà
    Năm nay mọi thứ dường như trôi qua chậm hơn, Lập Xuân rồi mà vẫn cứ rét ngọt và nắng hanh hao mãi. Phải đến qua Nguyên tiêu mới thấy lác đác mưa phùn cùng gió nồm ẩm thổi vào Giêng hai Bắc bộ. Chiều nay trà thất của tôi đón khách quý từ phương xa ghé thăm.
  • Trao 15 giải thưởng cuộc vận động sáng tác “Bài ca thống nhất”
    Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Ban Tổ chức Cuộc vận động sáng tác “Bài ca thống nhất” vừa tổ chức trao 15 giải thưởng cho các tác giả – tác phẩm xuất sắc nhất tham gia cuộc vận động.
  • Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ra chỉ thị giao các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đột phá để Hà Nội tăng trưởng GRDP 8% trở lên
    Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc giao các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đột phá để quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 của Thành phố đạt 8% trở lên.
  • Lễ khởi công cầu đường bộ Bát Xát - Bá Sái qua sông Hồng
    Sáng 31/3, hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức Lễ khởi công xây dựng cầu đường bộ vượt sông Hồng tại khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc).
Đừng bỏ lỡ
Giới thiệu về làng nghề thổ cẩm Xí Thoại (Phú Yên) tại Thủ đô Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO