Giới thiệu gần 200 tài liệu lưu trữ về tình đoàn kết hữu nghị Việt - Xô và Hội nghị Paris
Sách “Việt Nam – Liên Xô: Giai đoạn đấu tranh vì hòa bình của Việt Nam. Hội nghị Paris” góp phần khẳng định thêm mối quan hệ chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Liên Xô (Liên bang Nga ngày nay); tô thắm tinh thần đoàn kết, hữu nghị vì mục đích hòa bình của nhân loại; tô thêm những mốc son trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam; viết tiếp những bước đi tinh thần, ý chí quyết tâm, không quản ngại khó khăn, hy sinh, gian khổ của nhân dân Việt Nam vì một dân tộc hòa bình, thịnh vượng, phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ hợp tác lưu trữ giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã biên soạn và xuất bản cuốn sách “Việt Nam - Liên Xô: Giai đoạn đấu tranh vì hòa bình của Việt Nam. Hội nghị Paris” .
Cuốn sách với gần 200 tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam, được khảo sát, tổng hợp, lựa chọn, chia sẻ, biên soạn, xuất bản từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau như Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Lưu trữ Bộ Ngoại giao, Thông tấn xã Việt Nam, Gia đình Đại tá, Đại sứ Hà Văn Lâu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia,...
Nội dung cuốn sách được bố cục thành 3 phần:
Phần 1: Việt Nam - Liên Xô và những nỗ lực hòa bình trước Hội nghị Paris đề cập đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên Xô (Liên bang Nga ngày nay); về các chính sách, giải pháp hòa bình của Liên bang Xô viết; quá trình đấu tranh của nhân dân Việt Nam trên các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao; sự ủng hộ chí tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới; những nỗ lực của Chính phủ Liên bang Xô viết trong quá trình đàm phán với Chính phủ Hoa Kỳ về những giải pháp hòa bình cho vấn đề Việt Nam; Hoa Kỳ xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với phía Việt Nam,...
Phần 2: Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử và sự ủng hộ của Liên Xô đối với Việt Nam chứa đựng nội dung, thông tin nhiều nhất trong cuốn sách với nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố, thể hiện những nội dung: chủ trương, chính sách đối ngoại đúng đắn, sáng suốt, kiên định nhưng cũng hết sức linh hoạt, mềm dẻo của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh; các cuộc gặp riêng, các cuộc hội đàm chung từ khi chỉ có hai phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Hoa Kỳ, cho tới khi có sự hiện diện của Chính phủ Lâm thời Cách mạng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên bàn đàm phán bốn bên,...
Phần 3: Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đề cập đến thắng lợi của Hội nghị Paris và Hiệp định Paris được ký kết cùng sự bảo đảm của Định ước Hội nghị quốc tế về Việt Nam được 12 quốc gia trên thế giới ký ngày 02/3/1973 dưới sự chứng kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, điều này chứng tỏ vấn đề Việt Nam bấy giờ không chỉ còn là vấn đề của Việt Nam mà còn trở thành vấn đề quốc tế. Tài liệu về cuộc đấu tranh bền bỉ của nhân dân Việt Nam để yêu cầu các bên thực thi Hiệp định Paris; tinh thần, ý chí quyết tâm, không quản ngại khó khăn, hy sinh, gian khổ để đi đến thắng lợi trọn vẹn, thống nhất nước nhà của dân tộc Việt Nam.
Nội dung sách đã góp phần tạo nên một bức tranh sinh động về Hội nghị Paris nói chung và Hiệp định Paris nói riêng, mang đậm dấu ấn tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, đồng thời là mốc son lịch sử của ngoại giao cách mạng Việt Nam.
Cuốn sách đồng thời khẳng định thêm mối quan hệ chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Liên Xô (Liên bang Nga ngày nay); tô thắm tinh thần đoàn kết, hữu nghị vì mục đích hòa bình của nhân loại; tô thêm những mốc son trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam; viết tiếp những bước đi tinh thần, ý chí quyết tâm, không quản ngại khó khăn, hy sinh, gian khổ của nhân dân Việt Nam vì một dân tộc hòa bình, thịnh vượng, phát triển bền vững.
Cuốn sách được thể hiện bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Nga hướng đến tinh thần đoàn kết, hữu nghị cũng như phục vụ cho nhu cầu đọc của độc giả hai nước và các cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài./.