Giáo viên sẽ có thang, bảng lương riêng?

Yến Anh/NLĐ| 08/11/2017 14:03

Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ xây dựng hệ thống thang, bảng lương riêng xác định theo vị trí việc làm, trả lương trên cơ sở mức độ phức tạp và chất lượng hiệu quả công việc của nhà giáo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có báo cáo gửi Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) về thực hiện chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi đối vớigiáo viên.

Giáo viên trẻ lương chỉ 3,7 triệu đồng

Theo Bộ GD-ĐT, báo cáo của 40/63 tỉnh - thành và khảo sát thực tế tại một số địa phương cho thấy tổng thu nhập bình quân của giáo viên tại các cơ sở giáo dục do ngân sách nhà nước bảo đảm từ 3-10 triệu đồng/tháng (tùy thâm niên công tác). Thu nhập của giáo viên tập trung có thể chia làm 3 mức là thấp, trung bình và cao.

Theo đó, mức thu nhập thấp tập trung nhiều vào số giáo viên trẻ mới ra trường. Nguyên nhân là do mức lương khởi điểm được hưởng của giáo viên thấp, phụ cấp ưu đãi lại tính trên nền của mức lương cơ sở nhân với hệ số lương và họ chưa được hưởng phụ cấp thâm niên ngành do chưa đủ 60 tháng công tác.

Giáo viên sẽ có thang, bảng lương riêng? - Ảnh 1.

Nhà giáo được đề nghị ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp Ảnh: TẤN THẠNH

So sánh với mức lương tổi thiểu vùng (quy định tại Nghị định số 153/2016) cho thấy chưa kể các khoản tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)..., lương của giáo viên tiểu học/mầm non mới ra trường đang thấp hơn mức lương tối thiểu vùng I (hiện là 3.750.000 đồng), chỉ tương đương mức lương tối thiểu vùng II (hiện 3.320.000 đồng) của người lao động ở các doanh nghiệp.

Mức thu nhập trung bình tập trung ở số giáo viên công tác khoảng 15-25 năm, cụ thể là 18 năm. Mức thu nhập cao dành cho những giáo viên đã công tác được khoảng trên 25 năm.

Không khuyến khích được người tài

Theo Bộ GD-ĐT, mức lương cơ sở hiện khá thấp, không khuyến khích và thu hút được người có tài vào làm việc tại các cơ sở giáo dục. Hệ thống thang, bảng lương hiện hành không phù họp với Luật Giáo dục ĐH và một số văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, việc áp dụng hệ thống thang, bảng lương giống nhau cho những công việc khác nhau không còn phù hợp với quy định vị trí việc làm hiện nay. Bởi lẽ, ở mỗi vị trí khác nhau cần có sự đòi hỏi khác nhau về trình độ, kỹ năng. Việc xếp chung một hạng viên chức (như hiện hành) sẽ khó thu hút người có tài năng, tâm huyết vào những vị trí việc làm quan trọng.

Chẳng hạn, giảng viên có trình độ tiến sĩ cần được đánh giá cao hơn giảng viên có trình độ thạc sĩ hay cử nhân. Hiện tại, nhà giáo có trình độ khác nhau nhưng xếp lương cùng bảng do hạng chức danh như nhau, mặc dù công việc có thể được phân công khác nhau (đối với các cơ sở giáo dục ĐH, người có trình độ thạc sĩ chỉ có thể dạy ĐH, người có trình độ tiến sĩ dạy cả ĐH, cao học, viết giáo trình...). Các cơ sở giáo dục không thể xếp lương cho một cá nhân có trình độ tiến sĩ quá hệ số 3,00 (tương đương khoảng 4 triệu đồng/tháng) khi tuyển dụng.

Ngoài ra, theo Nghị định 141/2013 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục ĐH) thì thang, bậc lương của giảng viên có chức danh phó giáo sư được xếp tương ứng ngạch chuyên viên cao cấp; giảng viên có chức danh giáo sư được xếp tương đương chuyên gia cao cấp. Điều này có thể chưa phù hợp về mặt nào đó (như chức danh chuyên gia cao cấp rất khác với chức danh giáo sư). Tuy nhiên, việc giáo sư được đánh giá cao hơn và xếp lương ở hạng cao hơn là hoàn toàn phù hợp với thực tế. Hiện nay, việc xếp lương của phó giáo sư vào ngạch giảng viên cao cấp cùng hạng chức danh và cùng ngạch lương với giáo sư là chưa phù hợp bởi quy trình bổ nhiệm 2 chức danh này khác nhau, đòi hỏi về trình độ chuyên môn cũng khác nhau.

Bộ GD-ĐT nhận định thang, bảng lương của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay chưa phản ánh đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương II (khóa VIII) và Nghị quyết số 29/NQ/TW ngày 4-11-2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI - lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Việc nâng hạng, nâng bậc lương cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay còn dẫn đến hiện tượng cào bằng, đến hẹn lại lên, không khuyến khích người tích cực và khó chế tài người không có sự cố gắng trong công việc. Các cơ sở giáo dục không thể thực hiện chế độ khuyến khích, thu hút người có tài, có trình độ cao đến làm việc.

Ưu tiên xếp bậc lương cao nhất

Nguyên nhân của vấn đề nêu trên là do việc nâng bậc lương chủ yếu dựa vào thâm niên công tác, chưa chú trọng kết quả công việc. Điều đó dẫn đến việc một người không có sự tiến bộ trong công việc vẫn được nâng lương đúng hạn. Các cơ sở giáo dục không thể xếp lương cho một cá nhân có trình độ tiến sĩ quá hệ số 3,00 khi tuyển dụng.

Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ xây dựng hệ thống thang, bảng lương riêng được xác định theo các vị trí việc làm, trả lương trên cơ sở mức độ phức tạp và chất lượng hiệu quả của công việc. Trong đó, lương nhà giáo được thực hiện đúng chủ trương của Đảng được nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW. Theo đó, lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp.

Ngoài ra, bổ sung đối tượng cán bộ, công chức công tác tại cơ quan quản lý giáo dục được hưởng chế độ thâm niên nghề. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng, đối tượng này tuy không trực tiếp giảng dạy nhưng đều là nhà giáo có uy tín, có chuyên môn giỏi và công tác tại Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, hiện vẫn tham gia ôn luyện học sinh giỏi, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên toàn ngành, thực hiện công tác quản lý và chỉ đạo về giáo dục.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT còn kiến nghị sửa đổi bổ sung khoản 1, điều 22 Nghị định 29/2012 về việc xếp lương cho người tập sự. Cụ thể, từng hạng chức danh nghề nghiệp có gắn với trình độ đào tạo phù hợp tính chất, yêu cầu của mỗi nghề nghiệp.

Cải cách lương giáo viên phải khả thi

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách cải cách tiền lương sao cho xứng đáng với sức cống hiến của nhà giáo, tạo động lực cho nhà giáo an tâm công tác và thực hiện đổi mới giáo dục.

"Theo quy định về chế độ tiền lương hiện tại, mỗi nhà giáo đi từ bậc lương thấp nhất đến bậc cao nhất trong ngạch lương của mình là 24 năm đối với giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học, 30 năm đối với giáo viên THCS, 27 năm đối với giáo viên THPT. Lương giáo viên mầm non và tiểu học từ bậc 1 là 1,86 đến bậc 12 là 4,06, với mức lương cơ bản hiện tại thì trong 24 năm công tác không tăng đáng kể, chỉ khoảng 2.860.000 đồng. Rõ ràng, điều này khó trở thành động lực cho nhà giáo phấn đấu và chưa song hành với mục tiêu đổi mới" - bà Thanh nhận xét.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long này cũng nhấn mạnh tới việc đưa các chính sách về nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vào quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trong năm 2018; cũng như sớm đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Cũng quan điểm trên, bà Ngô Thị Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, cho rằng chính sách đối với giáo viên cần được Quốc hội quan tâm để sớm đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật năm 2019. Việc áp dụng Luật Viên chức đang gặp nhiều trở ngại và mâu thuẫn với điều 58 Luật Giáo dục, làm giảm vị thế nhà giáo do chưa xem xét đến nghề đặc thù.

GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ủng hộ việc cần cải cách tiền lương cho giáo viên, vì nâng lương giáo viên thì người được hưởng lợi là toàn xã hội chứ không phải chỉ có nhà giáo.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng đặt vấn đề: Liệu có tìm được nguồn tài chính cho việc tăng lương không? "Số lượng giáo viên rất lớn, chỉ tăng một khoản nhỏ thì cũng sẽ ra một con số vô cùng lớn" - GS Thi nói. Theo ông, muốn tăng lương giáo viên, cần phải có một đề án được Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT nghiên cứu tỉ mỉ từ nhiều phía, nhiều góc cạnh, phân tích một cách có cơ sở thì mới thuyết phục. "Đề nghị cái gì, có cơ sở đột phá để giải quyết được rào cản không thì mới ra vấn đề" - GS Thi nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Giáo viên sẽ có thang, bảng lương riêng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO