Với gần 300 trang, “Phong lan về trời” gồm 15 truyện ngắn và 1 truyện dài. Đọc “Phong lan về trời”, người đọc bị cuốn hút bởi lối hành văn dung dị khi nhà văn lên án cái ác, cái xấu xa và bênh vực, ngợi ca cái thiện, nhân văn của người lao động. Trong truyện ngắn “Âm bản”, tác giả kể câu chuyện đời của một nhiếp ảnh gia tên Bình. Thông qua tâm sự của Bình với người con gái bất hạnh, người đọc thấm thía nỗi đau kiếp người và thêm trân quý người lao động chân chính. Trong truyện ngắn “Lánh nạn phóng sinh”, nhà văn đã hóa thân vào nhân vật vợ chồng chú chim ri để phê phán một mỹ tục truyền thống của dân tộc đã bị biến tướng bởi thói tham lam, ích kỷ của con người trong nền kinh tế thị trường. Chú chim ri bị mất “chồng” do nạn vây bắt trong mùa phóng sinh, rồi lại chứng kiến cảnh con của mình bị con người thẳng tay giết hại. Chim ri đau đớn hoài nghi: “Không hiểu Phật có dạy người làm thủ tục phóng sinh không? Phật dạy thế nào? Nhưng, cái tục ấy khiến loài chim chúng tôi vô cùng khốn đốn”. Còn truyện ngắn “Vợ chồng… 6 tháng” phê phán thói hành xử “hành là chính” ở một số cơ quan công quyền. Đó là chuyện một cặp vợ chồng già mà thời thanh xuân họ đã kết hôn ở chiến trường, hòa bình lập lại trở về thành phố hạnh phúc. Nhưng khi hai ông bà quyết định chuyển nhượng tài sản để có tiền trang trải cuộc sống, lo cho con cái thì mới vỡ lẽ hai người lại không có giấy đăng ký kết hôn…
Đặc biệt nhất là tác phẩm “Phong lan về trời” mà tác giả lấy tên cho tập sách. Đó là một câu chuyện đầy cảm xúc, đề cao tình yêu chung thủy của những đôi trai gái trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Truyện giúp người đọc hình dung những năm tháng chiến tranh hào hùng và bi tráng. Đó là một thời gian khổ, hy sinh nhưng thật đẹp, đẹp từ cảnh thiên nhiên hoang sơ, rừng núi hùng vĩ đến tình người, tình yêu nước sáng trong. Giò phong lan rừng là biểu tượng cho tình yêu trong bom đạn ác liệt, thanh cao, lãng mạn và bi tráng mà giữa Trường Sơn bom đạn, giò phong lan của tình yêu đôi lứa đã phải “về trời” vì B52 rải thảm.
Cũng khai thác về cuộc chiến, nhưng ở một góc khác, nhà văn miêu tả về những đội tăng gia sản xuất ở hậu cứ, những binh trạm giao liên, cuộc sống và chiến đấu của những chiến sĩ ở tuyến sau trong truyện dài “Hơi ấm rừng chò”. Bằng giọng văn đa dạng, linh hoạt, nhà văn đã phân tích sự khủng khiếp, tàn khốc của chiến tranh và sự khốc liệt ấy chỉ dịu đi khi tình yêu lãng mạn, tươi đẹp của các cặp đôi như Hoài với Hải, như Giáo với Nhơn... được nhen nhóm và bồi đắp.
Hơn 50 năm viết báo và làm văn, đồng thời tham gia giảng dạy đại học, nghiên cứu âm nhạc, nhà văn Phạm Việt Long đã có một gia tài đồ sộ gồm tiểu thuyết “Giã từ”, “Bê trọc”, tập truyện “Âm bản”, “Ngờ vực”, bộ truyện “Bi Bi và Mặt Đen”, du khảo “Hoa kỳ sau thảm họa 11/9”, chuyên luận “Hát mãi Trường Sa ơi”, nghiên cứu “Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc”, “Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình”… Ông đã được nhận nhiều giải thưởng do Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Âm nhạc Việt Nam trao tặng. Những đóng góp của nhà văn thật đáng trân trọng.