Sự kiện & Bình luận

Du lịch Việt Nam khởi sắc, Thủ đô Hà Nội tạo ấn tượng mạnh

Trung Kiên 05/01/2024 12:03

Năm 2023 vừa qua du lịch Việt Nam đã có sự bứt phá khi vượt nhiều chỉ tiêu đặt ra, và Hà Nội tạo ấn tượng mạnh trong bức tranh chung. Tiếp nối thành quả đạt được, năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), với việc hoàn thiện thể chế, chính sách; tăng cường công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy các hoạt động quản lý lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, hướng dẫn viên, khu điểm du lịch, truyền thông xúc tiến quảng bá, chuyển đổi số…; năm 2023 vừa qua, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đẩy nhanh tốc độ phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

mua-rong.jpg
Trình diễn múa Rồng tại Festival Thu Hà Nội 2023.

Báo cáo tổng kết năm 2023 của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vừa cho thấy, ngành du lịch nước nhà đã đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế (vượt 57% so với mục tiêu ban đầu và đạt mục tiêu đã điều chỉnh 12-13 triệu lượt). Khách nội địa đạt 108 triệu lượt (vượt 6% so với kế hoạch năm 2023). Tổng thu từ du lịch trong năm 2023 ước đạt 678 nghìn tỷ đồng, vượt 4,3% so với kế hoạch năm 2023.

Để có được thành quả này, Cục Du lịch Quốc gia cho rằng, toàn ngành du lịch đã thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 82 của Chính phủ ban hành ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Trong đó ngành du lịch đã nâng cao chuyên môn trong công tác quản lý lữ hành, hướng dẫn viên, khu điểm du lịch, cơ sở lưu trú. Đồng thời khắc phục khó khăn và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả hoạt động truyền thông và chuyển đổi số trong du lịch.

Nhờ đó, đến hết năm 2023, cả nước có 3.921 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng 1.027 doanh nghiệp so với năm 2022. Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch cũng tăng lên, Sở quản lý du lịch các tỉnh/thành phố đã cấp mới 10.004 thẻ, đưa tổng số hướng dẫn viên du lịch trong cả nước lên con số 37.331. Cơ sở lưu trú du lịch, tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 38.000 cơ sở lưu trú du lịch với 780.000 buồng, trong đó có 247 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao với 80.896 buồng và 368 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao với 50.716 buồng.

carnaval-thu-hn.jpeg
Nhiều sự kiện du lịch của Thủ đô Hà Nội trong năm 2023 thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước tham gia trải nghiệm.

Đặc biệt, theo đánh giá của Cục Du lịch Quốc gia, nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam trong năm vừa qua lượng khách đã tăng trưởng mạnh. Nổi bật Thủ đô Hà Nội ước đón 24 triệu lượt khách. Trong đó, lượng khách quốc tế đến Thủ đô đạt 4 triệu lượt; 2,82 triệu lượt có lưu trú; tăng 266,7% so với năm 2022. Khách nội địa ước đạt 20 triệu lượt. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 87.650 tỉ; tăng 45,5% so với năm 2022. Hiện Hà Nội có hơn 3.700 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 71.000 phòng. Công suất sử dụng buồng phòng khối khách sạn ước đạt 58,7%.

Cùng đó, năm 2023, Hà Nội liên tiếp nhận nhiều giải thưởng du lịch quốc tế do các tổ chức uy tín bình chọn, vinh danh. Điển hình như Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới trao các giải thưởng: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á, Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày và Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á…

Tiếp đến là Bà Rịa - Vũng Tàu ước đón hơn 14 triệu lượt khách, tăng 15,27%; Thanh Hóa ước đón 12,4 triệu lượt khách, tăng 12,5%; Khánh Hoà ước đón hơn 7 triệu lượt khách, tăng 170%; Quảng Nam ước đón hơn 7,5 triệu lượt khách, tăng 1,6 lần; Quảng Bình ước đón hơn 4,5 triệu lượt khách, tăng 2,14 lần; Bình Thuận ước đón 8,35 triệu lượt khách, tăng 45,98%; Quảng Ninh ước đón 15,56 triệu lượt khách, tăng 30,9%; Đà Nẵng ước phục vụ hơn 7,39 triệu lượt khách có lưu trú, tăng gấp 2 lần; Lâm Đồng ước đón 8,65 triệu lượt khách, tăng 15,3%.

halong.jpg
Hơn 3.000 khách quốc tế cùng 1.183 thành viên thủy thủ đoàn siêu du thuyền Celebrity Solstice cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long gần đây, sau đó tham quan trải nghiệm di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hà Long. (Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu).

Bước sang năm 2024, dự đoán ngành du lịch còn nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó xung đột ở các khu vực trên thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dịch bệnh vẫn còn hiện hữu, thiên tai, bão lũ, tác động từ biến đổi khí hậu diễn biến bất thường, nhu cầu của du khách thay đổi liên tục và đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm…nên ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng. Trên cơ sở đánh giá thời cơ, tiềm năng sẵn có và phân tích các thách thức, Cục Du lịch Quốc gia đặt mục tiêu năm 2024 phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.

Với việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, khắc phục các điểm bất cập, thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực du lịch, đẩy mạnh phát triển các loại hình sản phẩm như du lịch nông nghiệp, chuyển đổi số trong du lịch, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành du lịch cả về chuyên môn nghiệp vụ đến ngoại ngữ…, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch thì ngành du lịch Việt Nam có cơ sở để đạt được những mục tiêu đề ra./.

Sở Du lịch Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu số lượng khách du lịch đến Thủ đô năm 2024 đạt khoảng 26,5 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với ước năm 2023. Trong đó, có 5 triệu lượt khách quốc tế (3,2 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng 25% so với ước thực hiện năm 2023 và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với ước thực hiện năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 99,77 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với ước thực hiện năm 2023. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 60%, tăng 2 điểm % so năm 2023.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Việt Nam khởi sắc, Thủ đô Hà Nội tạo ấn tượng mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO