Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Lâm Đồng, về việc có chế tài xử lý với các quảng cáo thực phẩm chức năng do nghệ sĩ thực hiện.
Theo văn bản trả lời cử tri của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về vấn đề nêu trên, khi quảng cáo, tham gia thực hiện quảng cáo thực phẩm (trong đó có thực phẩm chức năng), các tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo cũng như các hành vi bị cấm trong quảng cáo, phương tiện quảng cáo, tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo...
Vấn đề cử tri tỉnh Lâm Đồng đặt ra, đặc biệt đối với các nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, tại Luật Quảng cáo hiện hành có khái niệm về: “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”, do đó, khi tham gia vào hoạt động quảng cáo, “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.
Tuy nhiên, để xác định cụ thể trách nhiệm của nghệ sĩ khi tham gia quảng cáo, cần phải căn cứ vào từng trường hợp, mối quan hệ giữa người chuyển tải sản phẩm quảng cáo với người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (tự thực hiện hoặc được thuê), từ đó áp dụng các chế tài xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Hiện nay, Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
“Sau khi tổng kết, lấy ý kiến, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất đưa quy định về “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng” (trong đó có nghệ sĩ) vào nội dung dự kiến của Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo nhằm tạo hành lang pháp lý quản lý chặt chẽ hơn đối với chủ thể này khi tham gia hoạt động quảng cáo, phát huy lợi thế về sức ảnh hưởng tích cực đồng thời và giảm thiểu những tác động tiêu cực đến xã hội”, văn bản trả lời cử tri tỉnh Lâm Đồng của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh.
Về nội dung liên quan đến quản lý thuế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, khi thực hiện quảng cáo, các tổ chức, cá nhân tham gia phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Bức xúc vấn nạn nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược
Thực tế thời gian qua, theo đánh giá của Bộ Y tế, trên không gian mạng, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đã lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng, trong đó đa phần là các nghệ sĩ được công chúng mến mộ như Đ.V.H, C.T, Q.L..., đã thổi phồng công dụng, quảng cáo sản phẩm có tác dụng như thuốc nhưng không phải là thuốc. Việc quảng cáo, buôn bán các loại sản phẩm này gây nguy hại cho sức khỏe, thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng, gây bất an cho xã hội và vi phạm các quy định về luật dược.
Trong Hội thảo “Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng” vừa qua, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, các nghệ sĩ, ca sĩ, cũng tham gia vào quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng... như thần dược. Điểm chung ở các quảng cáo này, nghệ sĩ biến mình thành người bệnh sử dụng sản phẩm để “tô hồng” công dụng của sản phẩm. Theo những quảng cáo này, có những diễn viên mắc rất nhiều bệnh, vì cứ một thời gian ngắn sau diễn viên đó lại mắc bệnh khác và quảng cáo thực phẩm để chữa bệnh.
“Vi phạm chủ yếu là quảng cáo không đúng nội dung được xác nhận, không đúng bản chất sản phẩm; quảng cáo khi chưa được xác nhận nội dung của cơ quan có thẩm quyền; sử dụng hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ để quảng cáo”, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga, cho biết.
Trong quảng bá và truyền thông, quảng cáo sai thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; cắt ghép hình ảnh của đài truyền hình, lực lượng quân đội công an… để quảng bá sản phẩm. Thậm chí, nhiều nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai chức năng, công dụng của thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên mạng xã hội, khiến công chúng bức xúc - PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, nhấn mạnh.