Chính sách & Quản lý

Dự án Luật Quảng cáo (sửa đổi): Động lực phát triển ngành công nghiệp văn hóa

Quỳnh Chi 07:29 07/03/2024

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đăng tải Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) và lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đối với Luật này.

Thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo rất cần thiết. Được xác định là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của nước ta, vì vậy hoạt động quảng cáo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đồng bộ trong công cuộc xây dựng ngành công nghiệp văn hóa nhằm tạo ra sức mạnh mềm từ văn hóa.

luat-quangcao.jpg
Các đại biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Quảng cáo và các văn bản quy định chi tiết năm 2022. (Ảnh tư liệu).

Mặt khác, trước các cơ hội và thách thức đan xen của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương về xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế, văn hóa, xã hội trong đó có các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa nói chung và ngành quảng cáo nói riêng.

Luật Quảng cáo được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012, thay thế cho Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quảng cáo tại Việt Nam, phù hợp với sự phát triển của hoạt động quảng cáo và xu thế hội nhập quốc tế.

Luật Quảng cáo ra đời đã điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến hoạt động quảng cáo, từ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo; trách nhiệm quản lý nhà nước; các hành vi cấm; yêu cầu, điều kiện đối với nội dung quảng cáo; phương tiện quảng cáo cho đến các loại hình quảng cáo có yếu tố nước ngoài. Luật Quảng cáo 2012 đã góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các thủ tục và dịch vụ công, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định của pháp luật về quảng cáo đã tạo cơ sở pháp lý sự phát triển của ngành quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế, giao thoa văn hóa và thị trường thương mại tự do.

Thông qua các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật về quảng cáo được ban hành, hoạt động quảng cáo đã phát triển mạnh mẽ không chỉ với sự gia tăng cả về số lượng, chất lượng cũng như doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này mà còn đóng góp cho việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với vai trò cầu nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.

quang-cao-trai-phep.jpg
Nhiều nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng có công dụng như "thần dược" trên không gian mạng thời gian qua từng khiến dư luận bức xúc. (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cụ thể như: Một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; Một số quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, hoạt động quảng cáo môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển và xu thế hội nhập; Một số quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đã bộc lộ bất cập, chưa phù hợp.

Vì thế, việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo. Đồng thời tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển. Đảm bảo tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan.

Xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cũng để nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo; năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo, thúc đẩy các hoạt động quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, lành mạnh, vì lợi ích chung của xã hội.

Dự thảo Luật Quảng cáo bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 3 nhóm chính sách

Theo đó, Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo; sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo; hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo; phương tiện quảng cáo; hoạt động quảng cáo trên các phương tiện: điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác, sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình, phương tiện giao thông, loa phòng thanh và các hình thức tương tự, trong chương trình văn hóa, thể thao; biển hiệu của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh; quảng cáo có yếu tố nước ngoài.

thaobangron.jpg
Đoàn Thanh niên Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội tháo dỡ các băng rôn, quảng cáo rao vặt vi phạm tại một số tuyến đường trên địa bàn thành phố.

Luật sửa đổi, bổ sung các quy định (1) về nội dung và hình thức quảng cáo trong đó bổ sung thêm quy định về Hội đồng thẩm định, việc phê duyệt quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo theo ngành, lĩnh vực; yêu cầu về nội dung quảng cáo, điều kiện quảng cáo, (2) quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; (3) quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời trong đó có hoạt động quảng cáo trên các phương tiện bảng, băng- rôn, màn hình chuyên quảng cáo, đoàn người thực hiện quảng cáo và nội dung, trách nhiệm xây dựng và thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương.

Dự thảo Luật gồm 2 Điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo (sửa đổi, bổ sung 19 điều, khoản; bổ sung 02 Điều mới), bổ sung, thay thế một số cụm từ, bãi bỏ một số điểm, khoản của Luật Quảng cáo và Điều 2 về Điều khoản thi hành.

Nội dung cơ bản của Dự thảo Luật bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 3 nhóm chính sách tại Đề nghị xây dựng Dự án Luật được thông qua: Quy định về nội dung và hình thức quảng cáo; Quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; Quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời.

Dự án Luật quảng cáo (sửa đổi) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân từ ngày 1/3/2024 đến ngày 1/ 5/2024./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Dự án Luật Quảng cáo (sửa đổi): Động lực phát triển ngành công nghiệp văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO