Đôi mắt của mẹ

An Viên| 20/08/2019 11:44

Chuyện này chỉ anh với mày, trời đất và bầy vịt ngoài đồng này biết. Nói thật, nhà anh khổ nhưng thấy hoàn cảnh mẹ con mày còn khổ hơn. Anh chẳng biết giúp thế nào. Thôi thì đồng cảm với nhau là được. Thơn hơn Cường cả chục tuổi, vậy mà trong cách nói chuyện, Cường luôn cảm thấy gần gũi, thân thiết như anh em trong nhà.

Đôi mắt của mẹ
Minh họa của Vũ Khánh

- Ê nhóc! Thôi mày về đi. Mấy bữa nay mẹ mày bệnh không biết thế nào. Về đi. Chiều nay cứ từ từ hẵng ra.

- Không… Em sợ ông Phan sẽ trừ tiền công chăn vịt tháng này của em lắm! Nếu bị trừ tiền, em lấy đâu tiền giúp mẹ?

- Chuyện này chỉ anh với mày, trời đất và bầy vịt ngoài đồng này biết. Nói thật, nhà anh khổ nhưng thấy hoàn cảnh mẹ con mày còn khổ hơn. Anh chẳng biết giúp thế nào. Thôi thì đồng cảm với nhau là được. Thơn hơn Cường cả chục tuổi, vậy mà trong cách nói chuyện, Cường luôn cảm thấy gần gũi, thân thiết như anh em trong nhà.

- Nhưng em…

- Về đi! 

- Em cảm ơn anh Thơn. Cường trao lại cây trúc dài có cột túm nilông màu trắng ở đầu ngọn thường dùng để đuổi lũ vịt “chạy loạn”, miệng cười tươi rói rồi bì bõm lội về phía con đường lớn vào làng. Đồng sau mùa gặt, mưa về, lúa chét thi nhau trổ cờ, lác đác những chẽn lúa nặng hạt, hay đang uốn mình rất đẹp. Nước ngang nửa thân rạ. Cả cánh đồng ương ương màu lúa chét chín và chi chít lũ vịt đồng của nhà ông Phan cùng với mấy nhà khác trong làng. Có lẽ vì thế mà bầy vịt đang kỳ đẻ trứng, con nào con nấy béo núc ních, tròn trịa. Cường vuốt mồ hôi trên trán, vừa đi vừa nghĩ đến mẹ. Không biết giờ này mẹ đã về chưa? Ba hôm trước Cường về, mẹ bị bệnh vì đi mò hến ngoài sông gặp trận mưa to. Về nhà, mẹ choáng váng, xây xẩm và bỏ ăn cả ngày trời. Cường bảo sẽ đi mua thuốc về cho mẹ uống, mẹ lại ngăn:

- Bệnh thời tiết ấy mà. Không phải tốn tiền mua thuốc làm gì. Cường khuyên mẹ nghỉ lấy vài hôm cho đỡ mệt, mẹ chỉ cười:

- Mẹ khỏe rồi. Mẹ nhọc nhằn, lặn lội vì Cường đã nhiều. Vậy mà… Cường mới là cậu bé 12 tuổi. Cường ước mình lớn thật nhanh để làm bác sĩ, để chữa mắt cho mẹ và để kiếm nhiều tiền lo cho mẹ bớt khổ. Nó nghĩ đến lời ông Phan, ông chủ của mấy trăm đầu vịt và anh Thơn lúc nào cũng ri rỉ bên tai nó:

- Mày muốn làm bác sĩ thì phải học cho thật giỏi, phải sống có tâm, có đức. Cường học chăm chỉ. Cường thương mẹ. Càng thương và trân quý hơn vì mẹ đã cho Cường một bên mắt để Cường có đôi mắt sáng như bây giờ. Nó tủm tỉm cười và thấy trong lòng phấn chấn hẳn. Mình sẽ cố gắng! Đầu nó nghĩ, chân nó bước thoăn thoắt trên đê làng. Bóng người nhỏ thó, nó liêu xiêu bước đi giữa mênh mông nắng.

- Cường! Cường! Nhanh lên, mẹ cháu đang bị cảm ở nhà.

- Mẹ cháu… mẹ cháu bị sao hả bác? Nghe bác Lý hàng xóm thúc giục, Cường vừa hốt hoảng vừa sợ hãi. Ba chân bốn cẳng, nó chạy một mạch về nhà. Vừa đến ngõ, nó đã hớt hải gọi “mẹ ơi”.

Trong nhà, chị Sang, mẹ Cường nằm thẳng đơ trên giường, cạnh bên là bà Nguyền hàng xóm đang nhúng khăn lau trán, cổ và tay cho mẹ nó. Cường bật khóc, hỏi bà Nguyền:

- Mẹ cháu…

- Mẹ cháu bị cảm nắng. Rõ khổ. Đau bệnh thì nghỉ đi mấy bữa. Đằng này cứ tham công tiếc việc.

- Đây… cháo tía tô đây rồi. Chị Lý cẩn thận bưng một tô cháo tía tô còn nóng hổi từ nhà sang, giọng đon đả:

- Cháo trắng nấu với ít hành tươi, thêm miếng gừng, mấy ngọn tía tô non, đảm bảo chị Sang ăn vào là hết cảm ngay. Chị dậy ăn đi, sẽ đỡ ngay thôi!  

- Cảm ơn bác Nguyền và chị Lý. May mà có bác và chị, không thì em không biết thế nào… Chị Sang ngùi ngùi. Thương mẹ, Cường trách:

- Con đã bảo mẹ nghỉ ngơi mấy hôm cho hết bệnh, mẹ không nghe. Mẹ mà có chuyện gì thì con biết làm sao? Khóe mắt rơm rớm, chị Sang nhìn con nói:

- Mẹ chỉ bị cảm nắng chút thôi. Ăn chút cháo là khỏi ngay. Thế rồi Cường đút từng muỗng cháo cho mẹ ăn.

- À… Mà sao hôm nay con lại về? Chị Sang tò mò.

- Nay anh Thơn cho con về thăm mẹ. Con kể cho anh ấy nghe chuyện mẹ bị bệnh mấy hôm trước. Anh ấy thấy con lo cho mẹ nên bảo con về thăm mẹ xem mẹ đã đỡ chưa? Mẹ nghỉ đi mò hến mấy bữa để khỏi bệnh đã! Đang đau mà dầm nước lại đau nặng mẹ ạ. Con lo cho mẹ lắm.

- Ừ. Mẹ biết rồi! Con chăn vịt cho nhà ông Phan chắc cực lắm. Thôi gắng thêm nửa tháng nữa, vào năm học là xin ông ấy nghỉ để tập trung cho việc học.

- Vâng. Đợi con chăn đủ tháng, lấy tiền công, con sẽ  xin ông ấy nghỉ.

Cường dọn dẹp cửa nhà, sân vườn, giặt giũ quần áo cho mẹ xong xuôi. Nó nhìn lên đồng hồ, đã gần 2 giờ chiều. Nó bước lại gần, nắm lấy tay mẹ nó, rồi lại ra đồng chăn vịt cho kịp giờ.

- Này… nãy tôi thấy ai như thằng Phong, con cả chị Sang mới lảng vảng về làng thì phải.

- Bà có nhìn nhầm không chứ thằng Phong mặt mũi nào mà về đây nữa.

- Ừ. Đúng đấy. Chẳng biết nó biết chuyện vì nó mà em trai nó bị hỏng một mắt. Vì nó mà mẹ nó ra nông nỗi này chưa nhỉ?

- Ai mà biết. Cái thằng bất hiếu. Nuôi cho to xác rồi chỉ biết đàn đúm, ăn chơi lêu lổng. Chả bù cho thằng bé Cường. Mới tí tuổi đầu mà biết làm đủ việc giúp mẹ. Câu chuyện của mấy người đàn bà ngồi dưới lũy tre làng bàn về Phong dần dà được cả làng biết tới. Rồi họ cùng nhau kể lại chuyện của 10 năm trước.

Anh Giang mất sớm, bỏ lại cho chị Sang, vợ anh hai đứa con trai. Thằng Phong khi đó đã 15 tuổi. Gia đình khó khăn, làm thuê làm mướn dành dụm được tí chút là thằng Phong lại ăn cắp đem đi tụ tập cùng bạn bè. Không có cho, nó mắng nhiếc, chì chiết thậm chí còn hù dọa sẽ đốt nhà. Không dạy bảo được con, anh Giang đành nhắm mắt làm ngơ xem như không có nó trên đời. Càng lớn, nó càng hỗn hào, tiêm nhiễm thói giang hồ từ bè bạn. Nó bỏ nhà đi biệt, dăm tháng, nửa năm mới ghé về một lần, chủ yếu là để xin tiền. Vì biết không thể nương nhờ được gì từ thằng con nghịch tử nên dù túng quẫn, vợ chồng chị Sang bàn nhau sinh thêm đứa con. Năm chị Sang 40 tuổi, thằng cu Cường ra đời. Thằng bé được 3 tuổi, anh Giang bị tai nạn mất. Nỗi đau mất chồng chưa nguôi thì nỗi đau khác lại ập tới. Thằng Phong về nhà, thấy di ảnh ba nó trên bàn thờ, nó chẳng hề khóc lóc, đau khổ, cũng chẳng thắp cho ba nó một nén nhang. Nó gãi đầu gãi cổ, giọng hách dịch:

- Mẹ có tiền không? Cho con xin ít mua thuốc!

- Mẹ làm gì có tiền. Ba con mất, mộ còn chưa xanh cỏ. Em con thì còn nhỏ, mẹ chưa đi làm thuê lại được.

- Bà có cho không thì bảo!

- Mẹ đã bảo mẹ không có tiền. Mẹ xin con!

- Phong rũ tay mẹ nó ra khỏi người rồi vào nhà lục tung tóe áo quần, đồ đạc tìm tiền. Không thấy, nó tức tối quát mắng. Thằng cu Cường thấy vậy liền chạy lại miệng vừa la vừa ôm chặt lấy anh nó. Chẳng mảy may quan tâm, Phong vung tay xô thằng bé ngã nhào. Thằng bé khóc thét lên vật vã vì chẳng may mắt nó vập mạnh vào cạnh bàn, máu me loang lổ. Phong thấy vậy liền bỏ đi. Còn chị Sang thì ôm con khóc thét, kêu cứu hàng xóm đưa con đi bệnh viện.

Nghe bác sĩ bảo một bên mắt của con đã bị hỏng và có nguy cơ bị chột suốt đời, chị Sang đau khổ chẳng ăn uống mấy ngày liền vì thương con. Năm lần bảy lượt nhờ bác sĩ tư vấn, chị Sang biết để mắt con sáng lại chỉ còn cách thay một bên mắt đã bị hỏng. Tiền bạc tốn kém không nói nhưng quan trọng là phải có người cho mắt thì các bác sĩ mới phẫu thuật được. Chị Sang đã nhờ bác sĩ kiểm tra mắt mình và quyết định lấy một mắt cho con. Từ đó, người làng đôi khi vẫn gọi chị với cái tên “Chị Sang chột” là vậy. Và cũng kể từ đó, Phong không về nhà nữa.

- Mẹ…

- Ai đấy!... Phải thằng Phong… mày… mày lại về…

- Không. Con không về đây để lấy tiền của mẹ nữa! Con… con biết lỗi rồi. Con hối hận vì những gì con đã làm với ba mẹ, với em Cường. Con về đây để xin mẹ, xin em tha thứ! Phong đứng trước mặt chị Sang, áo quần lùng thùng, gầy đét, da mặt xanh bủng, trông rất thảm. Chị Sang nhìn con chằm chằm mãi mới nhận ra. Chị dừng tay phân loại mớ hến, mớ trai vừa mò được ngoài mương về, rửa tay, lau vội vào hai vạt áo, đứng dậy bước về phía Phong:

- Sao trông con gầy sọp, da dẻ vàng vọt thế này? Con… con có bị bệnh gì không? Để mẹ dẫn con đi khám!

- Con… con bị nhiễm HIV mẹ ạ. 

- Con… con nói sao? 

- Con cũng vừa mới biết bệnh cách đây nửa tháng. Phong nắm lấy đôi bàn tay sần sùi của mẹ, nhìn vào đôi mắt chỉ còn lại một bên của chị Sang, giọng nó bùi ngùi:

- Tại con tất cả nên mẹ mới khổ. Con biết chuyện từ lâu nhưng không đủ can đảm để về gặp lại mẹ và em, nên…

- Thôi, chuyện qua rồi. 

- Con… con mua cho mẹ hộp thuốc bổ. Mẹ uống cho khỏe. Mẹ hay chóng mặt, xay xẩm. Con hỏi bác sĩ rồi. Ngày mẹ uống 2 lần, mỗi lần 2 viên, kết hợp ăn cơm nhiều nữa là sẽ khỏe ra. Chị Sang nhận hộp thuốc bổ Phong đưa, nước mắt nhạt nhòa, cổ họng nghẹn bứ:

- Con… Mẹ vui vì con đã thay đổi. Thế rồi chị Sang ôm chầm lấy Phong cứ thế nức nở. Lần đầu tiên sau rất nhiều rất nhiều năm, giờ Phong mới được đứng trong vòng tay ấm áp của mẹ. Phong khóc. Những giọt nước mắt  muộn màng cứ thế tuôn trào.

- Mày cố gắng học cho giỏi! Hè năm sau lại xin ông Phan đi chăn vịt. Anh giữ chỗ cho!

- Em cảm ơn anh Thơn. Em sẽ cố gắng học giỏi để không phụ lòng tốt của anh. Cường nhìn Thơn cười thân thiện trước khi tạm biệt. Nó cầm trên tay số tiền công chăn vịt ông Phan trả, ghé lại cửa hàng quần áo của cô Lan đầu làng. Vừa thấy Cường, cô Lan đã niềm nở:

- Đây! Cô vẫn giữ chiếc áo màu hoa cà cháu dặn. Đảm bảo mẹ cháu mặc vào sẽ rất đẹp. Cường cười sung sướng, cảm ơn cô Lan rồi cầm món quà đem về tặng mẹ. Chắc chắn mẹ sẽ thích. Lâu lắm rồi, mẹ chưa có cái áo mới nào cả. Số tiền còn lại, mình sẽ đưa hết cho mẹ để trang trải cuộc sống. Cường tự nhủ. Đôi chân nó bước nhanh dần.

Cường bất ngờ khi thấy anh trai đang ngồi bên mẹ. Ban đầu nó cũng không nhận ra nhưng khi nghe nó gọi mẹ từ ngoài ngõ, Phong đã bước ra tận cổng để đón nó, mỉm cười, hỏi “Em về rồi”, cầm lấy tay nó dẫn vào bên mẹ. Nhìn anh trai, Cường thấy ấm áp, gần gũi và thân tình chứ không như những điều nó từng chứng kiến hay nghe người làng kể trước đây. Thế nên những chuyện buồn trong quá khứ bỗng chốc trôi qua như gió thoảng.

Sau khi thắp nhang cho chồng, cho cha xong, ba mẹ con chị Sang cùng nhau ăn bữa cơm chiều. Ai nấy nói toàn chuyện vui. Phong sẽ cai nghiện ở trung tâm cai nghiện của huyện và hứa sẽ làm lại cuộc đời. Cường hứa với mẹ và anh trai sẽ cố gắng học tập để mai này thực hiện ước mơ làm bác sĩ. Chị Sang ngồi gắp thức ăn cho hai con, nghe các con bàn chuyện tương lai, thấy râm ran niềm hạnh phúc trong lòng. 
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Đôi mắt của mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO