Đọc ''Lính tăng'' của Nguyễn Bắc Sơn

Nguyễn Thị Thiện| 17/05/2020 09:54

Đọc “Lính tăng” của Nguyễn Bắc Sơn
Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn
Lính tăng (Tiểu thuyết, NXB Văn học - 2019) của Nguyễn Bắc Sơn gồm 24 chương. Ban đầu, tác  phẩm mang tên là Lính tăng – bản hùng ca chiến trận. Tên ấy thể hiện rõ âm hưởng chủ đạo xuyên suốt cuốn sách là chất hùng ca: bài ca hùng tráng về cuộc kháng chiến chống Mỹ, biểu hiện cụ thể ở tinh thần yêu nước, sẵn sàng lên đường cứu nước, ở tinh thần đoàn kết, chiến đấu dũng cảm, sáng tạo, ý chí quyết chiến quyết thắng kẻ thù của cán bộ và chiến sĩ Tiểu đoàn tăng 195 anh hùng.

 Nội dung Lính tăng dựa vào sự kiện lịch sử khi tăng của ta xuất hiện ở mặt trận Lào từ năm 1969 đến năm 1975. Trong tác phẩm, nhà văn đã xây dựng thành công những nhân vật đại diện cho cả tập thể Tiểu đoàn tăng 195. Trước hết là người chiến sĩ anh hùng mà đại diện là Nguyễn Văn Nhã và Trần Văn Vụ. Khi được phân công làm thông tin, Nhã nỗ lực rèn luyện để nắm chắc chuyên môn, tự tin vào năng lực và bản lĩnh của mình. Anh hoàn thành tốt công việc dịch văn bản chính xác cho chỉ huy trong trận đánh hiệp đồng giữa bộ binh, pháo binh và tăng. Vượt qua những thử thách sống còn và mấy lần chết đi sống lại, Nhã đã trưởng thành thực thụ, làm tròn “nhiệm vụ… ngoài nhiệm vụ” là bản thảo lịch sử Tiểu đoàn tăng 195. Ngày thống nhất trở về, Nhã không ngờ phải đối mặt với một thử thách khác: vợ đã lấy chồng khác, có con (trước đó, đơn vị đã truy điệu anh lần 2 và gửi giấy báo tử về). Nguyễn Bắc Sơn rất có lý, có tình khi để nhân vật Nhã cho người vợ tự quyết định tương lai và đứa con. Diễn tiến cuốn sách cũng thật hợp lý: người vợ ấy ở lại với người chồng mới làm nghề nhiếp ảnh. Còn Nhã, anh về đơn vị sớm trước thời gian được nghỉ phép nhiều ngày và cố quên nỗi buồn hậu chiến trong công việc nghiên cứu viết sử. Cuối tác phẩm, hạnh phúc ngọt ngào cũng mỉm cười với anh. Nhã xây dựng gia đình với chị Thanh Tạo, người con gái đứng tuổi đồng cảm với anh, một phó trưởng khoa điều dưỡng ở bệnh viện đa khoa tỉnh và hai người đã có tổ ấm thực sự.

Đọc “Lính tăng” của Nguyễn Bắc Sơn

Người chiến sĩ khác là cặp bài trùng, người bạn thân nhất với Nhã cùng có phẩm chất cao đẹp, ảnh hưởng lớn nhất giúp Nhã am hiểu tường tận về cấu tạo, đặc điểm và khả năng chiến đấu của xe tăng cũng như anh em trong tiểu đoàn tăng 195 là Trần Văn Vụ. Vốn là dân trung cấp kỹ thuật cơ khí, Vụ tốt nghiệp rồi mới đi bộ đội học lái xe tăng. Vụ trở thành một trong số ít lái xe trở thành kỹ thuật viên đại đội, hiểu biết, am tường xử lý những hỏng hóc của xe tăng như một thợ lành nghề. Vụ nhiệt tình chia sẻ, giúp đỡ đồng đội, hào hứng kể về các trận chiến mà anh trực tiếp tham gia. Chuyện tình của Vụ với một cô giáo ở hậu phương tên Thỏa là một trong những mối tình đẹp nhất của người chiến sĩ lính tăng thời chống Mỹ. Nhà văn có biệt tài trong việc đi sâu vào nội tâm nhân vật nữ, thấu hiểu tâm lý, nghĩ suy của một cô giáo thời ấy cũng như hiểu rõ tâm tư của người lính trẻ mới có thể tái hiện một loạt lá thư của hai người gửi cho nhau khi hai người Ở hai đầu nỗi nhớ (chương 20). Chính những lá thư đi và về với những tình cảm trong sáng đã dệt nên mối tình có hậu như cổ tích. Phẩm chất, tính cách  cao đẹp của nhân vật Nhã cùng với các đồng đội khác như: Vụ, Đến, Phái, Định, Thịnh... và bao chiến sĩ đã ngã xuống là đại diện cho người chiến sĩ anh hùng của binh đoàn.

Nhân vật cán bộ được miêu tả tập trung ở hai chương liền nhau với gần 100 trang (chương 16, 17) đại diện là Tướng Lê Trọng Tấn và tiểu đoàn trưởng xe tăng Lê Tịnh. Lê Trọng Tấn là tướng chỉ huy chiến dịch tài giỏi và am tường chiến trường Lào. Lần này nữa là ba lần ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp cử sang nước bạn với trọng trách làm thay đổi cục diện chiến trường mà đỉnh điểm là chiến dịch Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng, hỗ trợ cho chiến trường B - miền Nam, sớm kết thúc cuộc chiến ở Việt Nam và ở Lào. Ông đánh giặc bằng mưu lược, tài trí, sáng tạo. Tuy biết rõ là xe tăng chỉ quen đánh ngày, chớp thời cơ, lần này ông lệnh cho tăng đánh cả ngày lẫn đêm. Tái hiện chân dung vị tướng, nhà văn không ngại nói cả tật xấu ông không bỏ được là: nóng như lửa và nghiện thuốc lá. Điều này càng làm cho nhân vật hiện lên chân thực và “người” hơn.   
Nhân vật chỉ huy khác tính cũng nóng như lửa là tiểu đoàn trưởng Lê Tịnh, biệt danh Tịnh Lửa. Là lính bộ binh từ thời chống Pháp, được chọn đi học ở nước ngoài. Về nước, anh nhận đưa quân từ chân Tam Đảo ra ga Vĩnh Yên lên tàu. Lê Tịnh rất biết đùa với lính. Không giảng giải như các thầy lên lớp, anh trò chuyện, rất cuốn hút, khiến cánh lính trẻ bỏ cả ván bài đang đánh dở, xúm quanh thủ trưởng nghe mê mải. 

Nhà văn chia sẻ: Trong bản thảo cuốn tiểu thuyết, ông trang trọng ghi lời đề từ: “Tôi không viết về lịch sử chiến tranh mà viết về cảm xúc con người trong chiến tranh” của Svetlana Alexievich - Nữ văn sĩ Belarus, Nobel Văn học năm 2015. Với quan niệm ấy, ông  muốn  người đọc tiếp nhận tâm trạng, cảm xúc của các nhân vật trong Lính tăng. Khi viết, ông chỉ nương vào lịch sử Tiểu đoàn tăng 195,  chính xác thời gian, địa điểm, danh tính thật. Sự việc đại thể là có thật, cụ thể chi tiết thì có thể có thật. Tất nhiên nhịp đập của người lính thời ấy, nhà văn bây giờ phải hòa cùng con người thời ấy mới miêu tả đúng nhịp đập, máu thịt, suy nghĩ của nhân vật. Trường đoạn Lê Tịnh và chiến sĩ liên lạc Lê Thế Thịnh tắm trước khi lên Hang Nước - nơi anh hy sinh - được miêu tả và lời thoại là tác giả dựng  chứ không phải kể lại là một trong những trang chân thực và xúc động nhất. Ngôn ngữ  giàu chất lính, mà là lính tăng chứ không phải binh chủng nào khác. Lối xưng hô là của cấp trên, quê Hà Tĩnh mới nói thế. Rõ ràng tác giả đã hóa thân vào nhân vật, đi sâu vào nội tâm người chỉ huy, hiểu thấu tấc lòng của người cán bộ đã có vợ con và người chiến sĩ trẻ chưa từng cầm tay một người con gái. Đọc mấy trang nhà văn tái hiện cảnh Lê Tịnh đối thoại với cậu liên lạc khi tắm trước khi lên Hang Nước và hy sinh ở đó sẽ biết Lê Tịnh yêu vợ, yêu cuộc sống, gắn bó với đồng đội đến thế nào. Câu nói cuối cùng đầy tiếc nuối đời binh nghiệp dang dở và sự ra đi của anh khiến người đọc không nén nổi xúc động. 

 Ngoài trần thuật, tiểu thuyết muốn hấp dẫn người đọc phải có kịch tính. Lính tăng có nhiều chương khá ấn tượng. Chương mở đầu là một cao trào hấp dẫn khi tái hiện cảm xúc, tâm trạng người lính trước khi ra trận. Sang chương 2 - tác giả không ngại dùng cả khẩu ngữ trong tự sự - khẩu khí  Đ…sợ  để nói về tinh thần quyết thắng của bộ đội ta qua cái ngoắc tay giữa người chiến sĩ với thủ trưởng đơn vị hẹn nhau ngày chiến thắng trở về đến nhà chơi. Trong Lính tăng  có 3 chương (chương 4,5,11) tác giả phác thảo về nhân vật phản diện Vàng Pao và kết cục số phận của hắn. Bản chất tham lam, độc ác, tàn nhẫn của kẻ bợ đỡ quan thầy Mỹ như những mảng tối càng làm nổi bật thêm phẩm cách trong sáng, cao đẹp của cán bộ và chiến sĩ ta. Còn lại cả 21 chương khác đều là các đoản khúc của bài ca yêu nước và chiến trận. Bản trường ca ấy có nhiều âm hưởng, nhiều giai điệu đẹp: có những khúc dạo đầu (chương 1 và 2), có những khúc phát triển (chương 6, 7, 8) có những khúc thanh âm vút cao, sảng khoái (chương 16, 17), lại có khúc trữ tình êm đềm, sâu lắng (chương 20), và cũng có những khoảng lặng để lý giải (chương 21, 22, 23). Có khúc vĩ thanh hội ngộ thật cảm động (chương 14). Nhiều câu văn trong tác phẩm được lẩy ra từ tục ngữ, thành ngữ, lời ăn tiếng nói của lính, mang đậm tính triết lý về cuộc đời nói chung và sự chiêm nghiệm của tác giả nói riêng. Tất cả đều được chắt lọc từ vốn sống đa dạng ở nhiều lĩnh vực của một cây bút có tâm, có tầm.

Tuy Lính tăng  có quy mô số trang tương đối lớn, nhưng rất tiếc đôi đoạn tác giả có phần tham về thông tin, số liệu. Mặt khác, một vài nhân vật xuất hiện với những tình tiết hấp dẫn, dường như tác giả phục bút từ trước nhưng sau lại không dành thời lượng và không gian cho họ xuất hiện nữa. Mặc dù vậy, với gần 600 trang, Lính tăng của Nguyễn Bắc Sơn vẫn xứng đáng là áng hùng ca về đề tài chiến tranh cách mạng, làm sáng ngời thêm phẩm cách cao đẹp của người lính tăng tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế nói riêng và người chiến sĩ thời chống Mỹ nói chung trong nền văn học Việt Nam đương đại.
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Đọc ''Lính tăng'' của Nguyễn Bắc Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO